EU thông qua chính sách nông nghiệp, các nhà môi trường lo ngại

Sau nhiều năm đàm phán, các nhà lập pháp châu Âu đã bỏ phiếu để cải cách chương trình trợ cấp nông nghiệp khổng lồ của khối, CAP.

Thỏa thuận nông nghiệp trị giá 386,6 tỷ euro sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2023 và chiếm 1/3 ngân sách của EU. Đây sẽ là chính sách canh tác của khối cho đến năm 2027 và nhằm đáp ứng các mục tiêu bền vững về khí hậu của EU và hỗ trợ phát triển nông thôn.

EU đã thông qua chính sách nông nghiệp chung (CAP). Ảnh: DPA

Bài liên quan

Châu Âu ghi nhận ca mắc COVID-19 tăng 11% trong tuần qua

WHO: 700 nghìn người châu Âu có thể tử vong vì COVID vào tháng 3

Cảnh báo châu Âu có thể ghi nhận 2,2 triệu ca tử vong vì COVID-19

Châu Âu đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại

Chinh sách mới cũng sẽ đảm bảo các khoản thanh toán công bằng hơn cho nông dân bằng cách viện trợ trực tiếp 270 tỷ Euro.

"Chúng tôi đảm bảo rằng nông dân sẽ được khen thưởng cho hiệu suất của họ", ông Ulrike Müller của Nghị viện châu Âu, phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu.

Phát biểu với các thành viên của Nghị viện Châu Âu tại Strasbourg, ông Janusz Wojciechowski hoan nghênh các cải cách CAP. Ông nói: “Điều này sẽ thúc đẩy một ngành nông nghiệp bền vững và cạnh tranh có thể hỗ trợ sinh kế của nông dân và cung cấp thực phẩm lành mạnh và bền vững cho xã hội, đồng thời mang lại nhiều lợi ích hơn về mặt môi trường và khí hậu”.

Phản ứng dữ dội từ các đảng Xanh

Nhưng các cải cách CAP đã không được mọi nhà lập pháp EU chấp nhận và một số người trong số họ cho rằng nó không phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu và còn đi ngược lại lợi ích của các nông dân nhỏ.

Chính trị gia người Đức và Thành viên Đảng Xanh Châu Âu Martin Häusling nói: “Đây là một ngày đen tối đối với chính sách môi trường và nông dân EU”.

Ông Michal Wiezik, một thành viên người Slovakia của Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu, cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng những người chiến thắng duy nhất trong các cuộc cải cách CAP là các nhà tài phiệt.

Ông nói: "Cuộc cải cách không gắn liền với các chiến lược đa dạng sinh học. Cuộc cải cách này đáng lẽ phải là giải pháp, chứ không phải là nguồn gốc của vấn đề".

Một tuần trước cuộc bỏ phiếu quan trọng, nhà hoạt động môi trường trẻ Thụy Điển Greta Thunberg cũng thúc giục EU bỏ phiếu chống lại CAP.

Nhiều nhà hoạt động môi trường và quan chức EU không hài lòng về cách thức cải cách CAP không phù hợp với Thỏa thuận Xanh của EU nhằm đảm bảo các chính sách về khí hậu, năng lượng, giao thông và thuế của khối để giảm thiểu ít nhất 55% lượng khí nhà kính phát ròng vào năm 2030 so với mức tiền công nghiệp.

Các chương trình sinh thái mới của CAP chỉ rõ rằng 22% tổng số tiền chi trả của CAP sẽ phục vụ cho hoạt động canh tác xanh từ năm 2023-2024. Ngưỡng này sẽ được nâng lên 25% từ năm 2025-2027. Cô Sommer Ackerman, 24 tuổi, một nông dân trẻ và là nhà hoạt động khí hậu ở Phần Lan nói: "Thỏa thuận này được tuyên bố là 'xanh', nhưng điều này gần như thật nực cười".

"Hiện tại, khoảng một phần ba ngân sách của EU đang được chi cho việc đẩy nhanh quá trình phá hủy, khiến đây chỉ là một thỏa thuận khác nằm trong danh sách các dự án "tẩy xanh" của EU. Mô hình nông nghiệp thâm canh đang thúc đẩy khủng hoảng khí hậu bằng cách làm mất đa dạng sinh học, suy thoái đất, thêm ô nhiễm nước và không khí và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên," cô nói với DW.

Các mối quan tâm khác về cải cách CAP là gì?

"Điều kiện xã hội" là một khía cạnh khác của kế hoạch canh tác mới nhằm đảm bảo rằng những người nông dân nhận trợ cấp sẽ được bảo vệ bởi luật lao động của Châu Âu.

Bà Maria Noichl, một chính trị gia người Đức và là thành viên của Đảng Dân chủ và Xã hội trung tả, hoan nghênh cuộc cải cách này nhưng chỉ trích cách thức phân chia tài trợ của CAP.

"Thật không công bằng, bởi vì các tập đoàn nông nghiệp rất lớn sẽ lại thu được phần lớn tiền", bà nói với DW.

Kể từ năm 2005, CAP đã chi trả các khoản trợ cấp trị giá hơn 50 tỷ euro mỗi năm. Trong số này, 80% số tiền được chuyển đến 20% các trang trại lớn nhất ở EU.

Cô Ackerman nói với DW: “Là một nông dân trẻ, tôi muốn những người phụ trách đưa ra các chính sách giúp những người cần nó nhất, chứ không phải làm tăng thu nhập của các trang trại công nghiệp lớn".

Trước cuộc bỏ phiếu, Ủy viên Wojciechowski cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia thành viên EU sẽ có quyền thực hiện CAP dựa trên các chiến lược quốc gia của họ.

Ông Ramon Armengol, chủ tịch vận động hành lang nông nghiệp Cogeca cho biết: "Các Kế hoạch Chiến lược Quốc gia phải nghiêm túc xem xét tương lai của các khoản đầu tư vào nông nghiệp và những đổi mới mà chúng ta sẽ cần để nuôi dưỡng tương lai của châu Âu".

Các quốc gia thành viên có thời hạn đến cuối năm để đệ trình các kế hoạch thực hiện của họ lên Ủy ban Châu Âu.

Trong khi CAP xác định hướng đi của lĩnh vực trồng trọt của EU, một số nhà hoạt động môi trường và quan chức EU cũng nhấn mạnh chính sách ảnh hưởng như thế nào đến thương mại toàn cầu, an ninh lương thực và đa dạng sinh học trên toàn thế giới.

"EU phải nhận ra chính sách của họ ảnh hưởng đến người dân không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới như thế nào. CAP không chỉ là chính sách của EU mà còn là chính sách toàn cầu. Nó giúp phá rừng Amazon và giúp khai thác những người nông dân nhập cư. Tất cả những điều đó đều không đúng và thường bị bỏ qua", nhà hoạt động khí hậu Ackerman nói với DW.

Bà Celia Nyssens, một quan chức chính sách nông nghiệp tại Cục Môi trường Châu Âu cho biết CAP mới có tác dụng ngắn hạn và dài hạn.

"EU sẽ tiếp tục sản xuất quá mức các sản phẩm như sữa và tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm như đậu nành từ Mỹ, Nam Mỹ và Brazil. Nhưng về lâu dài, điều này có tác động tiêu cực đến an ninh lương thực toàn cầu và môi trường", bà nói với DW.

Bà nói thêm: “Nếu EU muốn làm gương cho các quốc gia trên thế giới và trở thành một tổ chức có tầm nhìn xa trong lĩnh vực canh tác xanh, thì CAP mới này là một sai lầm".

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/eu-thong-qua-chinh-sach-nong-nghiep-cac-nha-moi-truong-lo-ngai-post168753.html