EU tìm cơ hội đối thoại với Nga
Đề xuất cải thiện quan hệ với Nga đã không nhận được sự ủng hộ tại Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) vừa qua. Song, EU ghi nhận sáng kiến trên của các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, đồng ý thảo luận để tìm kiếm 'định dạng mới' cho cuộc đối thoại giữa Brussels và Moskva trong tương lai.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ủng hộ và ráo riết vận động EU nhanh chóng khởi động đối thoại với Nga. Đề xuất được hai nhà lãnh đạo đưa ra ngay sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, viện dẫn kết quả tích cực của sự kiện này như "tiền lệ tốt" để cải thiện quan hệ EU - Nga.
Sáng kiến khôi phục đối thoại và hợp tác EU-Nga không bất ngờ, thậm chí được đánh giá là phù hợp thực trạng quan hệ hai bên tại thời điểm này. Căng thẳng giữa EU và Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine, lên đỉnh điểm sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập LB Nga. Hàng loạt bất đồng, tranh cãi liên tiếp đẩy quan hệ hai bên xuống dốc và bị cho là hiện ở mức thấp nhất sau thời kỳ chiến tranh lạnh.
Nguyên do căng thẳng được cho là thiếu lòng tin lẫn nhau. Trong mục tiêu bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Moskva thể hiện quan điểm cứng rắn, chỉ trích các hoạt động quân sự tăng cường của NATO đến sát biên giới Nga. Các nước châu Âu, nhất là ở vùng Baltic, khu vực sườn đông của biên giới EU và các quốc gia sát vách Nga, cũng dấy lên quan ngại mà họ gọi là "mối đe dọa từ Nga", nhưng Moskva cáo buộc là "bị thổi phồng". Nghi kỵ dẫn tới căng thẳng leo thang, đẩy hai bên cận kề bờ vực đối đầu nguy hiểm.
Trước nguy cơ về "chiến tranh lạnh phiên bản mới", nhiều nước EU tỏ thiện chí sớm ưu tiên đối thoại để cải thiện quan hệ EU - Nga. Đức và Pháp đi đầu, với lập luận rằng, là một quốc gia có vai trò quan trọng đối với an ninh châu Âu, Nga không thể bị phớt lờ trong các nỗ lực định hình cấu trúc chiến lược tại châu lục. Đe dọa, hay trừng phạt, nhưng EU vẫn cần hợp tác với Nga trong nhiều vấn đề chung, ít nhất là ổn định chiến lược và ứng phó biến đổi khí hậu. Đối thoại không phải nhượng bộ Nga, mà để bảo vệ lợi ích của chính EU.
Đáng tiếc là quan điểm nêu trên không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Trái lại, một số thành viên EU bác bỏ thẳng thừng. Các nước Đông Âu vẫn nhận định "còn quá sớm" và cho rằng tổ chức đối thoại cấp cao với Nga chẳng khác nào phát đi tín hiệu sai, không thể hiện sức mạnh của EU.
Định dạng mới cho đối thoại với Nga đang được EU tìm kiếm. Cuộc thảo luận nội bộ có thể sẽ phức tạp, cả về nội dung đối thoại, lẫn cách thức và cấp độ tham gia. Hy vọng, cơ hội đối thoại không bị bỏ lỡ, nhất là khi ngày càng có nhiều thách thức phức tạp và khó lường nổi lên.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/eu-tim-co-hoi-doi-thoai-voi-nga-652504/