EU tìm cơ hội mới ở Syria

Ngày 8/12/2024 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử Syria khi Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi đất nước để lực lượng đối lập tiến vào thủ đô Damascus sau hơn 4 thập kỷ cầm quyền của gia đình ông. Sự kiện này mở ra một chương mới cho Syria, đồng thời tạo cơ hội cho cộng đồng quốc tế - đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) - tham gia định hình tương lai của quốc gia này.

Bối cảnh mới tại Syria

Những bất ổn tại Syria đã bắt đầu từ sau sự kiện Mùa xuân Arab năm 2011 với sự đứng sau của một số quốc gia phương Tây kéo theo sự hoạt động ngày càng mạnh mẽ của các nhóm đối lập hình thành nên các khu vực phi chính phủ làm chia cắt đất nước. Những lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây và các quốc gia Vùng Vịnh kéo theo sau đó đã bóp nghẹt nền kinh tế Syria, gây ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng với chính quyền của ông Assad.

Trong bối cảnh đó, nước Nga (đồng minh chủ yếu của gia tộc Assad) đang bận rộn với cuộc chiến tại Ukraine khiến ông Bashar al-Assad mất đi chỗ dựa quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ này.

Sự xuất hiện của hai nhà ngoại giao hàng đầu EU tại Syria cho thấy tham vọng của khối trong việc định hình lại mối quan hệ với quốc gia này.

Sự xuất hiện của hai nhà ngoại giao hàng đầu EU tại Syria cho thấy tham vọng của khối trong việc định hình lại mối quan hệ với quốc gia này.

Tuy nhiên, sau sự ra đi của ông Assad, đất nước Syria tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn do các lực lượng đối lập còn chia rẽ và chưa đủ mạnh để thiết lập quyền quản lý đất nước. Hiện tại, Syria đối mặt với nguy cơ phân chia thành nhiều khu vực kiểm soát bởi các phe phái khác nhau do các thế lực nước ngoài hậu thuẫn. Khu vực phía Bắc đất nước, có nhiều phe nhóm nắm quyền trong đó nổi bật là Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang mới giành được chính quyền, chịu ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Miền Đông Syria vẫn do lực lượng người Kurd và các nhóm thân Mỹ kiểm soát. Trong khi đó, khu vực miền Nam và miền Tây thì lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn lại có tầm ảnh hưởng lớn nhất khiến cho đất nước đứng trước nguy cơ bị phân chia lãnh thổ rất lớn.

Hiện tại, đất nước đang được quản lý bởi một chính phủ chuyển tiếp do HTS dẫn đầu với sự tham gia của các phe phái đối lập, được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế hậu thuẫn. Trong bối cảnh đó, vai trò của các lực lượng quốc tế vẫn hết sức quan trọng bởi chính quyền chuyển tiếp đang đối mặt với những thách thức khổng lồ, từ tái thiết cơ sở hạ tầng bị phá hủy đến hòa giải giữa các phe phái đối lập.

Mối quan hệ gần gũi giữa HTS với Thổ Nhĩ Kỳ làm thay đổi cán cân trong khu vực.

Mối quan hệ gần gũi giữa HTS với Thổ Nhĩ Kỳ làm thay đổi cán cân trong khu vực.

Theo ước tính từ World Bank, tổng thiệt hại kinh tế của Syria từ năm 2011 đến nay đã vượt quá 400 tỷ USD. Trong khi đó, hơn 6,8 triệu người Syria vẫn đang tị nạn ở nước ngoài, tạo áp lực lên các quốc gia láng giềng và cả châu Âu. Sau hơn 4 thập kỷ cầm quyền liên tục, sự ra đi của ông Assad đã để lại một khoảng trống quyền lực lớn mà trong thời gian ngắn không dễ lấp đầy nhưng cũng là cơ hội tốt nhất cho các lực lượng đang muốn thay đổi tình trạng bế tắc trước đây có thể tìm thấy cơ hội của mình.

Tham vọng của EU trong bối cảnh mới

Chuyến thăm đồng thời của Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock tới Damascus hôm 3/1 vừa qua không nằm ngoài mục đích đó. Chuyến thăm không chỉ là biểu tượng cho sự hiện diện của EU mà còn thể hiện tham vọng chiến lược của khối trong việc định hình tương lai Syria. EU hy vọng tận dụng thời điểm này để giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng sâu sắc đến mình hiện nay, trong đó nổi bật là cuộc khủng hoảng người tị nạn từ năm 2015 vẫn đang hằng ngày tạo sức ép chính trị đáng kể với khối.

Theo Eurostat, trong năm 2024, hơn 150.000 người Syria tiếp tục nộp đơn xin tị nạn tại EU, trong đó Đức và Pháp là hai điểm đến hàng đầu. Các quốc gia này đang tìm cách thiết lập thỏa thuận với chính quyền mới tại Syria để tạo điều kiện hồi hương số người tị nạn khổng lồ này. Ông Marcus Kelling, chuyên gia về nhập cư tại Viện Nghiên cứu chính sách châu Âu, nhận định: "Nếu EU không hành động, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với các vấn đề xã hội và kinh tế do làn sóng tị nạn không kiểm soát. Đây là thời điểm để đầu tư vào hòa bình và ổn định tại Syria, từ đó giải quyết tận gốc vấn đề".

Đất nước Syria vẫn trong vòng bất ổn.

Đất nước Syria vẫn trong vòng bất ổn.

Một mục đích khác để EU hướng tới có thể là thay thế vai trò của Nga trong khu vực. Nga từng là nhân tố chủ chốt tại Syria, nhưng các vấn đề nội bộ do chiến tranh Ukraine đã làm suy giảm vai trò này. EU, thông qua Đức và Pháp (2 nước đầu tàu của khối), đang tìm cách lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Nga để lại. Điều này không chỉ giúp EU tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông mà còn giảm sự phụ thuộc của khu vực vào Nga trong các vấn đề năng lượng và quân sự. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đã thẳng thắn phát biểu trong chuyến thăm: "Syria là cơ hội để châu Âu chứng minh rằng chúng ta có thể trở thành một lực lượng kiến tạo hòa bình và ổn định, thay vì chỉ là người quan sát từ xa".

Một trong những ưu tiên hàng đầu của EU là hỗ trợ tái thiết Syria. Trong năm 2024, EU đã cam kết hơn 10 tỷ euro cho các dự án nhân đạo và tái thiết tại Syria, bao gồm xây dựng lại cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện và hệ thống nước sạch. Những dự án này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống cho người dân Syria mà còn tạo điều kiện để ngăn chặn các cuộc di cư ồ ạt trong tương lai. Một biện pháp tốt để “tự bảo vệ mình”.

Thách thức đối với EU

Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng EU cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong nỗ lực định hình tương lai Syria. Chính quyền chuyển tiếp tại Syria bao gồm các phe phái đối lập, quân đội và các tổ chức dân sự. Điều này khiến việc thiết lập quan hệ hợp tác bền vững trở nên khó khăn, đặc biệt khi các phe này vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn nội bộ. Chính quyền mới do quyền Thủ tướng Ahmed al-Sharaa lãnh đạo cũng mang đậm tư tưởng Hồi giáo, điều này được thể hiện qua hành động ông al-Sharaal không bắt tay nữ Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerboc. Đây chắc chắn sẽ là một trở ngại trong quan hệ giữa hai bên, nhất là khi chính quyền mới đã có những “tiếp xúc” với Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ,... từ trước khi các nhà lãnh đạo EU bay tới.

Việc HTS giành được chính quyền nhanh chóng là một bất ngờ lớn.

Việc HTS giành được chính quyền nhanh chóng là một bất ngờ lớn.

Với Nga, đối thủ mà EU đang muốn thế chân thì chính nhà lãnh đạo HTS cũng đã khẳng định: "Syria có lợi ích chiến lược trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với quốc gia hùng mạnh thứ 2 thế giới" và "không muốn Nga rời Syria theo cách không phù hợp với quan hệ lâu dài giữa hai nước". Điều này gần như đồng nghĩa với việc Nga sẽ tiếp tục hiện diện quân sự tại Syria bất chấp sự thay đổi của chính quyền sở tại.

Cùng với đó là áp lực từ các đối thủ cũng đang muốn tranh giành ảnh hưởng tại đây. Trong một phát biểu mới, hôm 10/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã thẳng thừng bác bỏ vai trò của quân đội Pháp ở Syria khi có tin quốc gia EU này có ý định triển khai lực lượng tới Syria để giúp ổn định tình hình. Ngoài ra, còn có Iran, Mỹ, Saudi Arabia,... những quốc gia đã có ảnh hưởng lâu dài tại đất nước này sẽ không dễ dàng “nhường chỗ” cho EU. EU cần phải cạnh tranh với các quốc gia này trong việc giành được lòng tin của chính quyền và người dân Syria.

Nhà lãnh đạo của lực lượng HTS Jolani.

Nhà lãnh đạo của lực lượng HTS Jolani.

Một góc độ khác, việc tái thiết Syria đòi hỏi một lượng lớn nguồn lực tài chính, điều này có thể gây áp lực lên ngân sách chung của EU, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế của khối đang gặp khó khăn. EU đang cần tranh thủ giai đoạn chưa ổn định hiện nay để định hình vị thế của mình tại khu vực. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Đức và Pháp tới Syria mang lại hy vọng cho một tương lai ổn định hơn tại quốc gia này cũng như là cơ hội để EU giải quyết vấn đề của mình. Nếu EU có thể thiết lập được một mối quan hệ bền vững với chính quyền mới, điều này không chỉ giúp giải quyết khủng hoảng người tị nạn mà còn củng cố vị thế của châu Âu trong chính sách đối ngoại toàn cầu. Nhưng, điều đó không hề dễ.

Giáo sư André Leclerc, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Paris, nhận định: "Nếu EU thành công tại Syria, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của khối. Tuy nhiên, sự thành công này phụ thuộc lớn vào khả năng hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU và việc quản lý khéo léo các mối quan hệ phức tạp trong khu vực”.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/eu-tim-co-hoi-moi-o-syria-i756690/