EU trước thách thức 'sinh tử'

Đại dịch Covid-2019 đang 'càn quét' khắp các châu lục gây thiệt hại nặng nề cả về người và kinh tế. Trong khi các nền kinh tế lớn khác đã tung ra những 'quả đấm thép' với những gói kích cầu hàng ngàn tỷ USD để chống dịch bệnh và ngăn suy thoái kinh tế thì các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) dường như vẫn 'đứng ngoài cuộc' do sự bất đồng quan điểm trong nội khối.

Theo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mà Công ty cung cấp thông tin về thị trường IHS vừa công bố cuối tuần qua, trong tháng 3, hoạt động kinh doanh tại các nước thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm. Cụ thể, PMI của những nước thành viên Eurozone đã giảm từ mức 31,4 điểm xuống còn 29,7 điểm so với mức 51,6 điểm của tháng 2, thời điểm dịch chưa “hạ gục” các nền kinh tế châu Âu.

PMI vốn là thước đo “sức khỏe” các nền kinh tế và nếu chỉ số này xuống dưới 50 điểm đồng nghĩa với việc, các hoạt động kinh tế đang yếu đi. Trong bối cảnh y tế và kinh tế đều khủng hoảng, EU rất cần một “liều thuốc mạnh” để chống dịch và ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế chung cho toàn khu vực. Tuy nhiên, sự bất đồng quan điểm trong nội bộ của liên minh này đã khiến cả khối chưa thể có một gói ngân sách chung để “tăng lực” cho nền kinh tế.

 Nhân viên y tế tại Italia đang di chuyển bệnh nhân lên xe cứu thương

Nhân viên y tế tại Italia đang di chuyển bệnh nhân lên xe cứu thương

Trước thực trạng những nước gánh nợ lớn như Tây Ban Nha và Italia đang trở thành tâm dịch của châu Âu và không có đủ nguồn lực tài chính, một số thành viên EU mới đây đã đề xuất giải pháp để “chia lửa” cho các nước đang gặp khó khăn. Trước thềm cuộc họp ứng phó khủng hoảng của các bộ trưởng tài chính EU, dự kiến diễn ra vào hôm nay 7/4, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) C.Lagarde từng kêu gọi các bộ trưởng tài chính Eurozone xem xét nghiêm túc vấn đề phát hành nợ chung để ứng phó với những tác động kinh tế do ảnh hưởng của dịch. Tuy nhiên, Ðức và các nước Bắc Âu thuộc EU đã bác bỏ một đề xuất được 9 nước EU, trong đó có Italia, Tây Ban Nha và Pháp ủng hộ cái gọi là “trái phiếu corona”, ám chỉ một khoản vay chung của 19 thành viên Eurozone để đối phó với những tác động kinh tế do đại dịch gây ra.

Trong các nước phản đối đề xuất nêu trên, “đầu tàu kinh tế” EU là Ðức chấp nhận nhượng bộ là sẵn sàng chuyển sang sử dụng cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) được tạo ra vào năm 2012 trong cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone để giúp các quốc gia thành viên gặp khó khăn về tài chính. Với nguồn vốn khoảng 420 tỷ euro, ESM có thể cung cấp tín dụng cho các quốc gia gặp khó khăn tài chính song đổi lại họ phải thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu và cải cách. Mặc dù vậy, giải pháp này hiện không khả thi do tại một hội nghị cấp cao cách đây vài tuần, Italia và Tây Ban Nha đã từ chối đề xuất này, vì họ không chấp nhận các điều kiện giám sát chính sách ngặt nghèo kèm theo.

Trong bối cảnh nêu trên, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế P.Gentiloni cảnh báo rằng, “dự án châu Âu có nguy cơ sụp đổ” nếu những khác biệt về kinh tế giữa các nước vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp một cuộc khủng hoảng như hiện nay. Ông Gentiloni thừa nhận, các nước thành viên trong Eurozone sẽ không thể đạt được đồng thuận về một khoản nợ chung, song nhấn mạnh Ðức vẫn cần tiến tới một thỏa thuận với các nước láng giềng phía nam hiện đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch.

Trước tình cảnh nêu trên của EU, truyền thông châu Âu nhận định rằng hiện nay, tất cả các chính phủ châu Âu đều đang tập trung toàn bộ “hỏa lực” của mình vào cuộc chiến chống đại dịch. Nhưng đằng sau nó, một cuộc chiến có ý nghĩa then chốt không kém đối với tương lai của lục địa này cũng đang mở ra - cuộc chiến về những cách thức mà các nước châu Âu cần phải xử lý đối với những phí tổn kinh tế khổng lồ của đại dịch này. Hiện tại, không có giải pháp dễ dàng nào cho châu Âu. Lựa chọn thật sự mà châu Âu đang phải đối mặt là “liệu tất cả các nước cùng nhau gánh chịu hay mỗi nước phải gánh lấy những thiệt hại này”.

Có thể nói, dịch Covid-2019 đang đặt EU trước thách thức “sinh tử” và những lựa chọn khó khăn. Ở thời điểm này, quyết định của “đại gia đình” EU chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của cả khối trong nhiều năm tới. Bởi vậy, điều mà EU cần nhất lúc này không chỉ là tiền bạc, nguồn lực chống dịch và kích cầu kinh tế, mà chính là sự đoàn kết, thống nhất nội khối để chọn lựa các giải pháp vượt khó và bảo đảm sự tồn vong của cả liên minh.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/eu-truoc-thach-thuc-sinh-tu-78957.html