EU tuyên bố đã chuẩn bị tốt cho 'kịch bản thực tế nhất' về khí đốt Nga

EU từ lâu vẫn lập luận rằng các quốc gia thành viên vốn vẫn nhập khẩu khí đốt Nga qua tuyến đường Ukraine – đáng chú ý nhất là Áo và Slovakia – có thể không cần nguồn cung này.

Khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến thời điểm thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine tới châu Âu kết thúc, cơ quan điều hành EU đã thực hiện một đánh giá về tác động của động thái này.

Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC), việc nguồn cung khí đốt Nga qua Ukraine bị ngừng lại từ ngày 1/1 năm sau sẽ có tác động "không đáng kể" đến giá năng lượng tại châu Âu.

Bản đánh giá, được thực hiện để trấn an các quốc gia thành viên và thị trường trước khi thỏa thuận hết hạn, cho biết, điều này đã được tính đến trên thị trường khí đốt châu Âu và khu vực này sẽ có thể tìm được nguồn cung thay thế.

EU tuyên bố đã chuẩn bị tốt cho “kịch bản thực tế nhất” về khí đốt Nga sau ngày 31/12/2024. Ảnh: Interos

EU tuyên bố đã chuẩn bị tốt cho “kịch bản thực tế nhất” về khí đốt Nga sau ngày 31/12/2024. Ảnh: Interos

Mặc dù giá nhiên liệu tại châu Âu đã ổn định hơn nhiều so với mức đỉnh điểm đạt được trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 – nhờ vào lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu tăng lên thay thế hầu hết lượng khí đốt Nga – nhưng giá vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tới nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp.

Hợp đồng tương lai khí đốt TTF chuẩn cho giao dịch khí đốt của châu Âu đã đạt mức cao nhất trong một năm vào đầu tháng này. Rõ ràng, sự cân bằng của thị trường vẫn còn mong manh đến mức ngay cả những gián đoạn nhỏ nhất cũng gây ra sự lo lắng.

"Với hơn 500 tỷ m3 LNG được sản xuất mỗi năm trên toàn cầu, việc thay thế khoảng 14 tỷ m3 khí đốt của Nga quá cảnh qua Ukraine sẽ có tác động không đáng kể đến giá khí đốt ở EU", tài liệu của EC mà Bloomberg tiếp cận được và hiện vẫn chưa được công khai, nêu rõ.

"Có thể coi rằng việc chấm dứt thỏa thuận quá cảnh đã được nội tại hóa trong giá khí đốt mùa đông", bản đánh giá cho biết.

EU từ lâu vẫn lập luận rằng các quốc gia thành viên vốn vẫn nhập khẩu khí đốt Nga qua tuyến đường Ukraine – đáng chú ý nhất là Áo và Slovakia – có thể không cần nguồn cung này. EC cho biết, họ sẽ không tham gia đàm phán để giữ cho dòng khí đốt này tiếp tục chảy.

Tuy nhiên, các bên ở Slovakia và Hungary vẫn đang tiếp tục đàm phán để giữ cho khí đốt Nga không bị "khóa van" sau khi thỏa thuận quá cảnh hết hạn, với đề xuất liên quan đến thỏa thuận hoán đổi giữa Azerbaijan và Nga.

Mối quan ngại về tương lai bất định của dòng khí đốt Nga qua Ukraine đã làm trầm trọng thêm mức tăng giá gần đây trên thị trường khí đốt châu Âu. Điều đó làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh kho dự trữ đang nhanh chóng cạn kiệt ở EU, và hiện thấp hơn mức trung bình 5 năm.

Tuy nhiên, EC lập luận, tác động hạn chế lên thị trường khí đốt sau quyết định của Gazprom PJSC về ngừng cung cấp khí đốt cho OMV AG của Áo cho thấy hiệu quả của công tác dự đoán và giảm thiểu tác động của việc gián đoạn nguồn cung từ Nga.

Cơ quan này cho biết, các quốc gia thành viên đã có thể giảm nhu cầu khí đốt của họ 18% kể từ tháng 8/2022 so với mức trung bình của 5 năm trước. Mỹ cũng sẽ đưa vào hoạt động các công suất LNG mới trong 2 năm tới và các nguồn cung đó có thể giúp EU đối phó với bất kỳ sự gián đoạn nào.

Đánh giá cho biết, "Kịch bản thực tế nhất là thỏa thuận quá cảnh sẽ hết hiệu lực và không có m3 khí đốt Nga nào chảy qua Ukraine nữa", nhưng EU "đã chuẩn bị tốt" cho kịch bản này.

Minh Đức (Theo Bloomberg)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/eu-tuyen-bo-da-chuan-bi-tot-cho-kich-ban-thuc-te-nhat-ve-khi-dot-nga-204241216154418801.htm