EU vất vả tìm đồng thuận ngân sách: Đâu chỉ là 'bớt một, thêm hai'?

Sau một trong những thượng đỉnh kéo dài nhất lịch sử, ngày 20/7, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đồng thuận về ngân sách kỷ lục, song với một cái giá không hề nhỏ. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thảo luận về thỏa thuận ngân sách. (Nguồn: New York Times)

Ngày 20/7 (theo giờ địa phương) tại trụ sở ở Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước EU đã nhất trí về gói phục hồi 750 tỷ Euro (857 tỷ USD), cho vay và hỗ trợ các ngành, nghề chủ chốt của những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Theo đó. mức hỗ trợ đã giảm từ 500/750 tỷ Euro xuống còn 390/750 tỷ Euro. Khoản tiền này sẽ được giải ngân muộn nhất năm 2026; các khoản nợ mới phát sinh sẽ được hoàn trả năm 2058. EU cũng cam kết sử dụng 30% tổng chi tiêu từ quỹ phục hồi và các ngân sách tiếp theo để giải quyết vấn đề về khí hậu.

Phát biểu sáng ngày 21/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định đây là “thời khắc then chốt” với châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng: “Châu Âu, với tư cách một khối thống nhất, hiện có cơ hội vươn lên mạnh mẽ từ đại dịch.” Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định: “Thực tế cho thấy châu Âu hoàn toàn có thể cải tiến khi cần thiết. Những tình huống phi thường đòi hỏi biện pháp phi thường. Việc 27 quốc gia, với hoàn cảnh khác nhau, có thể đóng góp và xây dựng giải pháp cho tình hình hiện nay là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó”.

Song nhìn vào quá trình thương thảo, những bất đồng lớn dần trong nội bộ EU đang thể hiện rõ nét và theo thời gian, các rạn nứt này sẽ ngày một khó kiểm soát, đe dọa tính thống nhất và toàn vẹn của khối.

Bớt một, thêm hai

Đầu tiên, gói cứu trợ 750 tỷ Euro có nhiều điểm đặc biệt, với giá trị lớn kỷ lục và cách thức triển khai “lạ”. Theo đó, Ủy ban châu Âu, thay vì các quốc gia đơn lẻ, sẽ kêu gọi vốn thông qua phát hành trái phiếu. Một phần lớn của quỹ sẽ được trao cho các quốc gia thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên danh nghĩa trợ cấp không hoàn lại, thay vì các khoản cho vay có thể khiến ngân sách quốc gia tiếp nhận quá tải khi chi trả.

Đây cũng là điều khiến nội bộ EU nảy sinh bất đồng. Theo đó, một bên là Đức, Pháp và Hungary, với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng ít nhất 400/750 tỷ Euro cần phải là trợ cấp không hoàn lại. Bên các nước “tiết kiệm” như Hà Lan, Áo phản đối, cho rằng 350 tỷ Euro là con số tối đa, đồng thời yêu cầu các khoản vay phải đi kèm với những điều kiện nghiêm ngặt khác.

Bất đồng quan điểm giữa hai bên đôi lúc đã khiến thượng đỉnh tưởng chừng sụp đổ. Khi Thủ tướng Áo Sebastian Kurz rời phòng họp để nghe điện thoại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giận dữ đập tay lên bàn, khiến ông Kurz cảm thấy bị xúc phạm. Ông Macron cũng chỉ trích chính sách của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cho rằng nó sẽ “kết thúc thảm hại” như cựu Thủ tướng Anh David Cameron, người đã khi thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân, dẫn tới thỏa thuận Brexit. Đã có lúc, Tổng thống Macron còn khẳng định rằng thà bỏ họp còn hơn là chấp nhận một thỏa thuận tồi tệ. Phát ngôn này của ông ít nhiều đã gợi nhớ về câu nói tương tự người đồng cấp của ông phía bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuối cùng, sáng ngày 20/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã phá thế bế tắc khi có đề xuất được đánh giá là “con đường hướng tới một thỏa thuận”, theo đó khoản viện trợ không hoàn lại sẽ là 390 tỷ Euro, đi kèm một số tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm “Tiết kiệm”. Ý kiến của ông Michel đã được chấp thuận và cuộc thượng đỉnh dài hơi vào hàng bậc nhất của EU đã khép lại.

Đường còn dài

Tuy nhiên, những rạn nứt, khác biệt quan điểm thể hiện rõ qua thương thảo giữa lãnh đạo các quốc gia vẫn còn đó và có nguy cơ mở rộng, khi quỹ hỗ trợ được đưa vào triển khai với nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.

Thứ nhất, đó là cách xác định các quốc gia tiếp nhận trợ cấp và khoản vay. Theo EU, gói cứu trợ này sẽ được ưu tiên cung cấp cho những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện chưa có hệ thống đánh giá chính thức về tác động cụ thể của đại dịch tới từng thành viên. Hiện có ba quốc gia chính được cho là sẽ nhận các khoản trợ cấp và cho vay lớn là Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Việc bán trái phiếu, xây dựng quỹ và giải ngân sẽ tốn nhiều thời gian, trong bối cảnh phần lớn thành viên EU đang gặp khó. “Ai trước, ai sau?” sẽ là bài toán không đơn giản.

Italy là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 tại châu Âu và nhiều khả năng sẽ tiếp nhận các khoản trợ cấp không hoàn lại và cho vay lớn từ quỹ lần này. (Nguồn: AFP)

Thứ hai, có khả năng EU sẽ thành lập cơ quan chuyên trách giám sát, giải ngân và phân bổ quỹ, thường xuyên báo cáo về tiến trình triển khai thực hiện thỏa thuận. Tuy nhiên, cơ quan quản lý, cơ cấu, nhiệm vụ, thành phần lãnh đạo, phương thức hoạt động của cơ quan này có thể gây tranh cãi giữa các thành viên EU thời gian tới.

Thứ ba, các khoản cho vay trong quỹ phục hồi sẽ có lãi suất ra sao? Dù hơn một nửa trong quỹ phục hồi sẽ là các khoản viện trợ không hoàn lại, song phần còn lại sẽ là các khoản cho vay. Không loại trừ khả năng một số nhượng bộ dành cho phe “Tiết kiệm” để đạt thỏa thuận đã bao gồm việc tiến hành cho vay các điều khoản chặt hơn, với lãi suất cao. Điều này có thể dẫn tới trường hợp các nước nhận khoản cho vay không thể trả nợ đúng hạn, đặc biệt là khi các nền kinh tế chịu tác động lớn nhất sau đại dịch Covid-19 như Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp, vốn có “tiền sử” với việc chi trả các khoản nợ. Trong trường hợp đó, EU sẽ làm gì?

Đây sẽ là những bài toán khó mà EU cần sớm tìm câu trả lời, không chỉ để triển khai quỹ phục hồi hiệu quả, mà còn từng bước hàn gắn khác biệt và bất đồng nội khối.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-vat-va-tim-dong-thuan-ngan-sach-dau-chi-la-bot-mot-them-hai-119902.html