EU viện trợ 150 tỷ EUR cho châu Phi nhằm giành lại ảnh hưởng từ Trung Quốc
Bị cảnh báo bởi những ảnh hưởng mở rộng của Trung Quốc và Nga ở châu Phi, châu Âu hy vọng sẽ khẳng định lại ảnh hưởng của mình đối với châu lục này với khoản hỗ trợ phát triển - đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông.
Liên minh châu Âu đã cam kết thực hiện gói viện trợ 150 tỷ EUR (170 tỷ USD) cho châu Phi trong một hội nghị kéo dài hai ngày quy tụ các nhà lãnh đạo EU và 40 người đồng cấp châu Phi vào tuần trước.
Kế hoạch liên lạc vệ tinh trị giá 6 tỷ EUS (6,8 tỷ USD) của châu Âu sẽ bao phủ rộng khắp châu Phi. Ảnh: Reuters.
Khoản viện trợ này là một phần của kế hoạch Cửa ngõ toàn cầu ( Global Gateway ) được công bố vào năm ngoái như là câu trả lời của EU khi cạnh tranh với sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Kế hoạch Global Gateway kêu gọi chi 300 tỷ EUR và châu Phi sẽ nhận được một nửa trong tổng số đó.
Hỗ trợ sẽ hướng tới một loạt các dự án, chẳng hạn như các sáng kiến năng lượng xanh, cứu trợ thiên tai và cải thiện cơ sở hạ tầng y tế công cộng. Nhưng một lĩnh vực mà EU đặc biệt chú trọng chính là viễn thông.
Thierry Breton, ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội bộ, nói với các phóng viên hôm thứ 3 rằng mạng liên lạc vệ tinh tốc độ cao của EU trị giá 6,8 tỷ USD cũng sẽ bao gồm cả châu Phi. Mạng lưới này tăng cường phủ sóng ở phạm vi châu lục, tạo ra những phát triển kinh tế, do đó sẽ giúp ích cho EU.
Margrethe Vestager, phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu, chi nhánh điều hành của khối, đã công bố một gói hỗ trợ đáng kể cho nền kinh tế kỹ thuật số của Nigeria khi bà đến thăm đất nước vào ngày 13 tháng 2. Bà cũng nhấn mạnh “khuôn khổ quản trị dân chủ, lấy con người làm trung tâm” cho Công nghệ.
Châu Âu về mặt địa lý gần với Châu Phi và họ có mối quan hệ lịch sử sâu sắc. Pháp, chủ tịch hiện tại của Hội đồng Liên minh Châu Âu, đã duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ tại các quốc gia Pháp ngữ ở Châu Phi. Nhưng gần đây, vị trí đó gặp nhiều thử thách hơn.
Vào thứ 5 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo rằng ông sẽ rút quân khỏi Mali. Các quân lính ban đầu tới Mali với mục đích chống khủng bố, nhưng Paris sau đó đã buộc phải đảo ngược hướng đi do quan hệ căng thẳng với chính phủ quân đội Mali.
Chính phủ quân sự của Mali được cho là đã đạt được thỏa thuận với Wagner – một nhóm hợp đồng quân sự có liên hệ với chính phủ Nga. Theo một tuan chức EU cấp cao, Wagner cũng đang mở rộng hoạt động của mình tại khu vực phía tây và trung tâm châu Phi.
Một số quốc gia tại Tây Phi đang cảnh báo về lỗ hổng quyền lực sau khi Pháp rút quân tại đây.
Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara cho biết: “Chúng tôi có nghĩa vụ tăng cường bảo vệ biên giới của mình.”
Tổng thống Senegal Macky Sall nói thêm “Cuộc chiến chống khủng bố không thể là nhiệm vụ của một mình các nước châu Phi”.
EU và Mỹ đang lo lắng trước các khoản đầu tư tích cực của Trung Quốc vào lục địa này. Bắc Kinh đang sử dụng túi tiền lớn của mình để huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực. Khi các khoản vay này được gia hạn mà không tính đến khả năng hoàn trả vốn của một quốc gia, nhiều nơi đã rơi vào “bẫy nợ” khi Bắc Kinh tiếp quản quyền cơ sở hạ tầng của các con nợ.
EU có kế hoạch theo đuổi các dự án nhấn mạnh tính bền vững và minh bạch, để tạo sự khác biệt với cách tiếp cận của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu quan trọng của mình hôm thứ Năm, Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi hợp tác trên các nguyên tắc “tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ lợi ích bình đẳng.”
Huy Hoàng (Theo Asia Nikkei)