EURO 2004 và những bài học dành cho đội tuyển Anh

Một mùa hè sôi động đã tới và kỳ EURO 2020 cũng sắp chuẩn bị diễn ra với không ít sự kỳ vọng dành cho các đội tuyển. Kỳ EURO này sẽ rất khó để đoán định xem ai là nhà vô địch nhưng có một điều chắc chắn là đội tuyển Anh được coi như một ứng cử viên nặng ký cho ngôi vị cao nhất của giải đấu. Với dàn cầu thủ trẻ và đồng đều ở các tuyến, người hâm mộ có quyền mong chờ chiếc cúp EURO đầu tiên trong lịch sử bóng đá Anh. Nhưng, đáng lẽ ra chiếc cúp đó đã phải đến với 'Tam sư' từ năm 2004, tức cách đây gần hai thập kỷ.

Đội tuyển Anh ngày một đoàn kết và gắn bó. (Ảnh: GOAL)

Đội tuyển Anh ngày một đoàn kết và gắn bó. (Ảnh: GOAL)

EURO 2004 được xem là kỳ EURO nhàm chán nhất trong lịch sử khi các “ông kẹ” của bóng đá châu Âu lần lượt gục ngã. Những Tây Ban nha, Ý hay Đức đều bị loại khỏi vòng bảng trong sự ê chề. Thậm chí, “những cỗ xe tăng” Đức còn không có nổi một chiến thắng, kể cả trước “nhược tiểu” Latvia. Hơn thế nữa, các đội tuyển hầu hết chủ trương phòng ngự tiêu cực và khiến những trận đấu trở nên tẻ nhạt.

May thay, bốn trong số tám đội tuyển góp mặt đều thuộc nhóm những đội được kỳ vọng đem về số tiền thưởng cao ngất dành cho nhà vô địch. Nhưng đội tuyển Anh lại phải chạm mặt một Bồ Đào Nha đầy hoa mĩ và khó chịu. Do chỉ xếp vị trí thứ nhì ở vòng bảng khi nằm chung bảng đấu với Pháp, nhà vô địch EURO 2000.

Không nằm ngoài dự đoán, đội tuyển Anh thất bại trước “Selecao châu Âu” trên loạt luân lưu định mệnh và ngậm ngùi trở về nước trong ngập tràn sự chỉ trích của báo giới Anh vốn vô cùng khắc nghiệt. Họ tự hỏi tại sao đội tuyển Anh cứ mắc kẹt trong sơ đồ 4-4-2 đầy cứng nhắc, và lí do gì khiến Paul Scholes phải dạt cánh trái? Sau EURO 2004, cổ động viên của bóng đá Anh đón nhận thêm cú sốc khi Paul Scholes đã giã từ sự nghiệp quốc tế ở tuổi 29 vì cảm thấy cuộc sống gia đình và sự nghiệp câu lạc bộ của anh ấy với Manchester United quan trọng hơn.

So với 17 năm trước, “Tam sư” giờ đây đã cứng cáp và trưởng thành hơn hẳn. Tuy vậy, sự hỗn loạn của đội tuyển Anh năm 2004 là bài học rất giá trị dành cho thế hệ non trẻ này, rằng họ không được phép đi theo “vết xe đổ” của các đàn anh trước đây.

Sự mâu thuẫn trong lòng đội bóng

Đây là điều mà Gareth Southage và ban cán sự bắt buộc tìm mọi cách ngăn chặn nguy cơ này. Nhìn sang đội tuyển Pháp để thấy sự mẫu thuẫn có thể ảnh hưởng tới khâu chuẩn bị đến nhường nào. Trong trận thắng 3-0 của đội tuyển Pháp trước Bulgaria, Oliver Giroud vào sân từ băng ghế dự bị vào phút 41 và ghi hai bàn giúp “xứ lục lăng” giải quyết trận đấu.

Nhưng trong cuộc phỏng vẫn sau trận đấu, Giroud đã bày tỏ về sự thất vọng với các đồng đội: “Đôi khi tôi thực hiện những pha chạy chỗ, nhưng bóng không đến. Mọi người có thể nói rằng tôi không xuất hiện nhiều ở trên sân, nhưng có thể chúng tôi có thể tìm thấy nhau nhiều hơn một chút”.

Phát biểu của ngôi sao 34 tuổi ngầm ám chỉ người đàn em Kylain Mbappe và khiến cầu thủ gốc Phi này rất tức giận. Đến nỗi, anh muốn tổ chức một buổi họp báo để làm rõ mọi chuyện nhưng bị huấn luyện viên trưởng Didier Deschamps từ chối.

Sự lục đục của đội tuyển Pháp là tin tốt lành dành cho các đội tuyển khác, đặc biệt là đội tuyển Anh. Nhưng những gì mà Pháp đang gặp phải vẫn có thể xảy ra với “Tam sư” như cái cách Raheem Sterling với Joe Gomez đã làm. Hai cầu thủ này vốn đã có mâu thuẫn trong trận đấu giữa Man City và Liverpool. Sau đó, họ đã tạo ra cuộc xô sát khá nghiêm trong khi cả hai được triệu tập cho hai trận đấu còn lại của vòng loại EURO 2020 với Montenegro và Kosovo.

Ngoài ra, đội tuyển Anh cần học theo những gì đội tuyển Tây Ban Nha đã làm ở EURO 2008. Khi đó, cố huấn luyện viên Luis Aragones đã dũng cảm loại bỏ “chúa nhẫn” Raul Gonzalez, người được coi như cầu thủ quyền lực nhất “xứ đấu bò”.

Và trong danh sách triệu tập, hai câu lạc bộ giàu truyền thống Real Madrid và Barcelona chỉ góp mặt lần lượt hai và ba cầu thủ. Việc làm khi đó của Aragones gây ra rất nhiều tranh cãi nhưng ông chỉ giải thích một cách nhẹ nhàng với tờ AS: “Sau khi thua trước Bắc Ireland tại vòng loại EURO 2008, chúng tôi họp và quyết định phải loại bỏ cái tôi để điều duy nhất quan trọng là công việc của đội bóng”.

Bất ngờ hơn nữa, Tây Ban Nha khép lại giải đấu với chức vô địch sau trận thắng sát nút 1-0 trước đội tuyển Đức. Giờ đây, với danh sách triệu tập chủ yếu đến từ các ông lớn như Man City, Man United hay Chelsea, tuyển thủ đến từ những câu lạc bộ trên cần gạt bỏ sự hận thù giữa các đội bóng với nhau để hợp lại thành một đội tuyển mạnh.

Bản lĩnh là sức mạnh

Bao nhiêu năm qua, đội tuyển Anh mặc cho có những hảo thủ tài hoa cỡ nào đi chăng nữa nhưng họ chẳng có lấy một chức vô địch, điều mà cổ động viện đã trông chờ trong suốt 55 năm qua. Họ thường xuyên gục ngã trên loạt luân lưu và World Cup 2018 là lần hiếm hoi họ dành chiến thắng trong “cuộc đấu súng” khi họ đánh bại đội tuyển Colombia ở vòng 16 đội.

Chắc hẳn người hâm mộ sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc David Beckham và Darius Vassell sút hỏng hai tình huống luân lưu và hất văng đội tuyển Anh khỏi kỳ EURO danh giá.

Những kỳ EURO 1996 hay 2004 chứng kiến giọt nước mắt thất thần của các cầu thủ cho đến những người hâm mộ. Chính huấn luyện viên Gareth Southage là người đá hỏng loạt luân lưu thứ sáu của đội tuyển Anh tại bán kết Euro 1996, trực tiếp đá bay cơ hội bước vào một trận chung kết EURO lần đầu tiên trong lịch sử, đồng thời cũng đập tan những mộng tưởng về ngôi quán quân giải đấu. Chắc chắn, với kinh nghiệm từng trải của mình, Southage sẽ có cách ổn định tâm lý chiến cho những người học trò của mình.

Quả thật, đội tuyển Anh đã có những bước chuyển mình đầy tích cực khi trong hai loạt luân lưu đầy căng thẳng gần nhất, họ đều dành chiến thắng. Ngoài chiến thắng 4-3 trước Colombia thuộc vòng chung kết World Cup 2018, “Tam sư” còn khiến Thụy Sĩ mất đi tấm huy chương đồng tại UEFA Nations League 2018-19 với tỷ số 6-5. Binh đoàn trẻ của Southage sẽ trình làng EURO với sự lì lợm và sắt đá chưa từng thấy và giúp củng cố niềm tin nơi người dân nước Anh.

Trên hết, toàn thể đội tuyển Anh buộc gạt bỏ ngoài tai những áp lực từ truyền thông vốn nổi tiếng về cách họ thổi phồng quá mức và tạo gánh nặng cho các cầu thủ. Thậm chí, những cựu danh thủ, nay là bình luận viên sẵn sàng chê bai đàn em chỉ sau một trận thi đấu nhạt nhòa. Các tuyển thủ quốc gia Anh cần chuẩn bị chu đáo, cả về chuyên môn, tâm lý chiến cũng như sự đoàn kết nội bộ với một mục tiêu chung: chức vô địch.

ANH MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bong-da-quoc-te/euro-2004-va-nhung-bai-hoc-danh-cho-doi-tuyen-anh-650362/