Euro 2020 - đề cao yếu tố an toàn

Khi dịch Covid-19 vẫn đang là mối nguy với toàn thế giới, việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn như Euro 2020 chứa đựng quá nhiều thách thức. Trong đó, quan trọng nhất là yếu tố an toàn.

Sân Johan Cruijff Arena (thành phố Amsterdam, Hà Lan) - nơi sẽ diễn ra 4 trận đấu tại Euro 2020.

Một kỳ Euro đặc biệt

Euro 2020 có nét đặc biệt khi lần đầu tiên có tới 12 thành phố ở 12 quốc gia được Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) trao quyền đăng cai các trận đấu của giải thay vì 1 - 2 quốc gia như các kỳ Euro trước. 12 thành phố gồm Amsterdam (Hà Lan), Baku (Azerbaijan), Bilbao (Tây Ban Nha), Bucharest (Rumani), Budapest (Hungary), Copenhagen (Đan Mạch), Dublin (Ireland), Glasgow (Scotland), London (Anh), Munich (Đức), Rome (Italia), Saint Petersburg (Nga). Quyết định này được đưa ra vào năm 2012 và ngay trong năm đó, Chủ tịch UEFA là Michel Platini đã gọi đây là kỳ Euro dành cho cả châu Âu, "một bữa tiệc bóng đá khắp lục địa". Ngay lập tức, truyền thông châu Âu lo ngại về một giải đấu thiếu bản sắc cùng chi phí di chuyển tốn kém dành cho người hâm mộ, các đội bóng.

Những tưởng thách thức chỉ dừng lại ở đây thì dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới từ năm ngoái. UEFA đành phải chuyển việc tổ chức Euro 2020 sang năm 2021. Đó cũng là sự thay đổi chưa có tiền lệ trong lịch sử giải đấu. Cũng vì sự xuất hiện của dịch Covid-19 mà kế hoạch tổ chức Euro 2020 ở 12 thành phố trên khắp châu Âu cũng bất thành.

Vì quan điểm phòng dịch khác nhau, trong đó có quyết định không chấp nhận cho khán giả vào sân của chính quyền thành phố đăng cai nên chưa đầy hai tháng trước ngày khởi tranh Euro 2020, thành phố Dublin (Ireland) và Bilbao (Tây Ban Nha) đã bị UEFA tước quyền đăng cai. Sau đó, UEFA trao thêm quyền tổ chức các trận đấu tại vòng bảng ban đầu được lên lịch tại Dublin cho thành phố Saint Petersburg (Nga). Trong khi đó, London (Anh) nhận đăng cai thêm một trận ở vòng loại trực tiếp vốn trước đó dự kiến tổ chức ở Dublin. Còn các trận đấu dự kiến diễn ra ở Bilbao được chuyển sang thành phố Seville (Tây Ban Nha). Như thế, Euro 2020 sẽ được tổ chức tại 11 thành phố.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên UEFA đã lần đầu tiên cho phép các đội bóng đăng ký tới 26 cầu thủ thay vì 23 như trước đây. Đó cũng là điều chưa có trong tiền lệ.

An toàn là trên hết

Khi dịch Covid-19 tạm được khống chế ở nhiều quốc gia châu Âu, UEFA hy vọng sẽ tổ chức tốt Euro 2020. Tất nhiên, nhiều nguy cơ vẫn treo lơ lửng trước các nhà tổ chức khiến UEFA phải đưa ra hàng loạt giải pháp.

Trong đó, UEFA chấp nhận chỉ có thể lấp đầy tối đa 20% - 50% số ghế ngồi ở các trận đấu để bảo đảm giãn cách và an toàn phòng dịch. UEFA nhấn mạnh, giờ đây, việc tổ chức một giải đấu an toàn là mục tiêu quan trọng nhất. Tổ chức điều hành bóng đá châu Âu này cũng đã ban hành hướng dẫn chung về phòng dịch cho cổ động viên như đeo khẩu trang mọi lúc, giữ khoảng cách nhất định, bắt buộc phải có mặt tại sân trước giờ thi đấu 30 phút. Ngoài ra, các cổ động viên cũng cần cung cấp hộ chiếu vắc xin hay bằng chứng cho thấy có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Các sân vận động sẽ được phun khử khuẩn trước, trong và sau trận đấu. Dung dịch khử khuẩn sẽ được đặt ở mọi nơi trong khuôn viên sân vận động và việc thanh toán trong ngày thi đấu sẽ không sử dụng tiền mặt.

Các thành phố đăng cai cũng đưa ra giải pháp thiết thực. Như chính quyền thành phố Munich (Đức) chỉ cho phép 14.500 khán giả vào sân Allianz Arena dù sức chứa của sân này là 75.000 chỗ. Còn chính quyền thủ đô London (Anh) chỉ cho phép tối đa 22.500 khán giả vào sân Wembley - có sức chứa 90.000 khán giả. Tuy nhiên, số khán giả đến sân Wembley có thể tăng khi diễn ra các trận đấu bán kết và trận chung kết. Sân Johan Cruyff Arena ở Amsterdam (Hà Lan) có sức chứa 54.990 khán giả nhưng cũng chỉ đón khoảng 13.000 người...

Bên cạnh đó, dù UEFA không bắt buộc các cầu thủ dự giải phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhưng nhiều liên đoàn bóng đá quốc gia như Italia, Pháp... vẫn chủ động tiêm cho các cầu thủ để bảo đảm an toàn. Đó là một biện pháp tốt bởi gần đây, tiền vệ John Fleck (Scotland) được xác định dương tính với SARS-CoV-2, từ đó khiến 6 đồng đội của anh cũng phải tạm thời cách ly.

Một số liên đoàn bóng đá quốc gia còn sẵn sàng chi thêm tiền để bảo đảm an toàn cho đội tuyển nước mình. Liên đoàn Bóng đá Séc và Croatia tuyên bố không để đội tuyển đóng quân tại Scotland, nơi hai đội này thi đấu vòng bảng Euro 2020. Họ chấp nhận tốn kém khi để đội tuyển bay đi, bay về giữa các trận đấu để tránh lây nhiễm Covid-19...

Rõ ràng, sự an toàn là yếu tố được đề cao tại Euro 2020. Cũng chưa bao giờ trước giải đấu này mà câu chuyện chuyên môn không còn quá lấn át câu chuyện về công tác tổ chức như trước giải đấu này. Và cũng không ngạc nhiên nếu UEFA đánh giá thành công của giải đấu dựa trên sự an toàn của giải.

Bảng A: Italia, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Xứ Wales

Bảng B: Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Nga

Bảng C: Áo, Hà Lan, Ukraine, Bắc Macedonia

Bảng D: Croatia, Cộng Hòa Séc, Anh, Scotland

Bảng E: Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Slovakia

Bảng F: Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Hungary

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/bong-da/1002283/euro-2020---de-cao-yeu-to-an-toan