EURO 2020 không có chỗ cho đội bóng một người
EURO 2020 hoàn toàn không có chỗ cho đội bóng dựa quá nhiều vào sự tỏa sáng một hoặc một vài ngôi sao.
Đội bóng của Ronaldo và Mbappe đều đã phải rời EURO 2020
EURO 2020 đã đi gần hết chặng đường và một trong những điểm nhấn quan trọng là các đội tuyển chơi thành công đều dựa trên sức mạnh tập thể. Hoàn toàn không có chỗ cho đội bóng dựa quá nhiều vào một hoặc một vài ngôi sao.
Những cầu thủ “gánh team” thất bại
Trong danh sách các cầu thủ làm bàn hàng đầu tại EURO 2020, Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) đang dẫn đầu với 5 pha lập công và cầu thủ này vẫn sáng cửa giành danh hiệu Chiếc giày vàng của giải đấu, bởi những cầu thủ có thể cạnh tranh với CR7 hầu hết đều dừng cuộc chơi.
Việc Bồ Đào Nha bị loại (thua 0 - 1 trước tuyển Bỉ ở vòng 1/8), theo giới chuyên môn là điều hết sức đáng tiếc. Đội bóng mang biệt danh Brazil châu Âu sở hữu dàn hảo thủ trải đều cả ba tuyến, trên hàng công cũng có hàng loạt ngôi sao sáng giá nhưng HLV Fernando Santos vẫn chọn cách xây dựng lối chơi xung quanh Ronaldo.
Ở tuổi 36, Ronaldo phải lui về hỗ trợ phòng ngự, phát động tấn công và trực tiếp tham gia tấn công. Anh gần như chạy khắp mặt sân bởi trách nhiệm nặng nề trên vai.
Tuy vậy, Bồ Đào Nha không phải đội bóng duy nhất thất bại bởi phụ thuộc vào một hoặc một vài cá nhân. Tuyển Bỉ, những người đánh bại Bồ Đào Nha ở vòng 1/8 đã phải nhận thất bại trước Italia trong ngày De Bruyne phải tiêm thuốc giảm đau để ra sân “gánh đội” nhưng bất thành bởi một ngôi sao được kỳ vọng khác là Romelu Lukaku chơi quá tệ, bỏ lỡ hàng loạt cơ hội. Bỉ có và không De Bruyne là hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược, một rối rắm một mạch lạc.
Pháp cũng là một đại diện của trường phái… trăm sự nhờ ngôi sao. Họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào Kylian Mbappe nhưng tiền đạo thuộc biên chế PSG không có nổi bàn thắng nào.
Thậm chí, nếu không phải cầu thủ này thực hiện hỏng quả sút 11m cuối cùng trong loạt đá luân lưu ở vòng 1/8, Pháp có lẽ đã không thua Thụy Sĩ. Bất chấp phong độ kém cỏi, HLV Didier Deschamps vẫn chọn Mbappe sắm vai chính và ông phải nhận trái đắng.
Những ngôi sao hạng A khác như Robert Lewandowski (Ba Lan), Gareth Bale (Xứ Wales) chịu chung số phận với Ronaldo, họ không thể kéo cả một tập thể thiếu gắn kết đi tới thành công khi bản thân đã chớm bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Tôn vinh giá trị tập thể
Trái ngược với chủ nghĩa cá nhân, chưa giải đấu lớn nào ở cấp độ đội tuyển lại cho thấy ưu thế của giá trị tập thể như EURO 2020. 4 đội bóng góp mặt ở bán kết là 4 đội bóng không ngôi sao.
Không ngôi sao ở đây không có nghĩa là họ sở hữu toàn cầu thủ kém chất lượng, vấn đề là người xem không thể chỉ ra đâu là cái tên có tầm ảnh hưởng lớn nhất lên lối chơi của đội bóng đó.
Lấy ví dụ từ Đan Mạch, họ tiến vào bán kết mà buộc phải bỏ lại Christian Eriksen ở phía sau. Thiếu cầu thủ kiến thiết này, Đan Mạch vô hình chung trở nên khó lường bởi bất kỳ cái tên nào cũng có thể kiến tạo, bất kỳ cầu thủ nào cũng có thể trở thành người ghi bàn.
Khác với Đan Mạch, Tây Ban Nha có nhiều cầu thủ xuất sắc trong đội hình nhưng thật khó để chọn ra ai nổi bật nhất. Italia lại càng không vì lối chơi của đội bóng này quá đồng đều.
HLV Mancini thậm chỉ đã sử dụng tới 25/26 cầu thủ đăng ký dự EURO mà đội vẫn vận hành tốt. Đội tuyển Anh xem ra khác biệt nhất khi có dấu hiệu phụ thuộc vào Sterling hay Harry Kane. Nhưng 6 bàn thắng mà bộ đôi này ghi được đều mang dấu ấn tập thể, sau những pha phối hợp đẹp mắt.
Cây bút kỳ cựu Barney Ronay của tờ The Guardian cho rằng, muốn đánh giá sức mạnh tập thể của những đội bóng góp mặt ở bán kết EURO 2020 thì hãy nhìn vào số cầu thủ ghi bàn của họ.
“Đan Mạch có tới 7 cầu thủ đã ghi bàn gồm Dolberg, Maehle, Christensen, Poulsen, Braithwaite, Damsgaard, Delaney. Đây cũng là đại diện ưu tú nhất của trường phái dựa vào sức mạnh tập thể. Italia, Tây Ban Nha có 6 cầu thủ ghi bàn, Anh ít hơn nhưng đã có 4 cái tên lập công. Sức mạnh của họ được dàn đều khiến đối thủ không thể bắt bài, điều này thực sự có ý nghĩa”, Barney Ronay dẫn chứng.
Nhưng thật thiếu sót nếu chỉ nhắc tới các đội bóng đi tới vòng 4 đội. Áo, Thụy Sĩ hay Croatia tuy đã bị loại nhưng họ cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đối thủ bởi lối chơi gắn kết dựa trên sức mạnh tổng hợp của 11 cái tên trên sân.
Bình luận viên Dennis Wise của kênh truyền hình Sky Sport thì đánh giá, xu hướng dựa vào sức mạnh tập thể xuất phát từ việc thế hệ cầu thủ hiện tại không có những ngôi sao xuất chúng.
“Ronaldo, Bale, Lewandowski… đều không còn sung sức. Mbappe lại chưa thể trưởng thành nên việc đặt cho họ quá nhiều gánh nặng sẽ phản tác dụng. Trong thời gian chờ những ngôi sao mới nổi lên, bóng đá sẽ còn được chứng kiến các màn trình diễn tập thể. Nhưng dù với lý do gì, người hâm mộ đang hưởng lợi bởi được chứng kiến đam mê cháy bỏng, tinh thần đồng đội, những giá trị thuần túy nhất, tinh túy nhất của môn thể thao này. Các cầu thủ chơi vì tình yêu, trải nghiệm và trách nhiệm”, ông Wise chia sẻ.
Theo tờ The Guardian, EURO 2020 rõ ràng đã mang một diện mạo rất khác, nơi chủ nghĩa tôn sùng cá nhân đã không còn được xướng lên. “Ronaldo có thể vẫn gây phấn khích trên sân, tạo ra một làn sóng khi tẩy chay Coca-Cola và kiếm bộn tiền nhờ một bài đăng trên mạng xã hội nhưng anh vẫn bất lực nhìn Bồ Đào Nha bị loại. Theo thống kê, chỉ còn 7 cầu thủ từng vô địch Champions League mùa giải 2020 - 2021 còn trụ lại EURO 2020. Đây có lẽ không đơn thuần chỉ là một hiện tượng, nó chắc chắn có tác động tới tư tưởng xây dựng đội bóng trong tương lai”, tờ The Guardian nêu quan điểm.