EURO 2020: Vì sao đương kim vô địch Bồ Đào Nha thảm bại trước Đức?
Thất bại 2-4 của Bồ Đào Nha trước Đức gây choáng váng về tỷ số, nhưng rất hợp lý với thế trận và thể hiện của hai đội trên sân.
Sau trận hòa 1-1 của Pháp trước Hungary, Bồ Đào Nha chỉ cần 1 điểm trước Đức để đặt một chân vào vòng 16 đội. Tuy nhiên, thầy trò HLV Fernando Santos lại thua thảm 2-4, với 4 bàn thua xuất hiện dồn dập trong 25 phút nối từ hiệp 1 sang hiệp 2.
Thất bại toàn diện ở Allianz Arena khiến năng lực của Bồ Đào Nha bị nghi ngờ. Phải chăng, Cristiano Ronaldo cùng đồng đội không mạnh như người ta vẫn nghĩ?
Lớp mặt nạ rơi xuống
Bồ Đào Nha xây đắp vinh quang trên tuyến phòng ngự vững chãi. EURO 2016, đội tuyển có biệt danh "Brazil châu Âu" chỉ thủng lưới 1 bàn trong 4 trận (450 phút thi đấu tổng cộng) ở vòng knock-out. Nhờ phòng ngự tốt, Bồ Đào Nha chỉ thắng một trận trong 90 phút, vẫn đủ sức lên ngôi vô địch.
Ở EURO 2020, HLV Santos có lực lượng tấn công hùng hậu và chất lượng hơn nhiều, nhưng ông không thay đổi cấu trúc đội bóng. Bồ Đào Nha phòng ngự lùi sâu chịu sức ép và chờ thời cơ tung đòn đáp trả.
HLV người Hy Lạp càng có lý do lựa chọn cách đá này khi ở trận ra quân, Đức cũng bất lực trước khối phòng ngự của Pháp. Tại sao Bồ Đào Nha không thể nghĩ đến điều tương tự?
Tuy nhiên, Bồ Đào Nha không thể sao chép cách chơi phòng ngự của Pháp khi không có hàng tiền vệ khỏe, khéo và tranh chấp tốt để khống chế khu trung tuyến của Đức. Danilo Pereira và William Carvalho rất khỏe, nhưng không thể luân chuyển bóng giúp Bồ Đào Nha chuyển trạng thái phản công.
Ở hai biên, Raphael Guerrero và Nelson Semedo càng không phải những hậu vệ "thuần thủ". Semedo có thiên hướng leo biên tấn công khi còn khoác áo Barcelona. Tương tự, Guerrero đằm mình trong cách đá tấn công khoáng đạt của Borussia Dortmund. Cả hai không giỏi đứng vị trí để đảm bảo cân bằng trong khối phòng ngự.
Nắm rõ điểm yếu của Bồ Đào Nha, HLV Joachim Loew đã bố trí sơ đồ 3-4-3. Khi tấn công, Đức giăng ngang 5 cầu thủ với bộ đôi Robin Gosens - Joshua Kimmich ở hai cánh dâng cao như những tiền đạo, kết hợp với Kai Havert, Sergie Gnabry và Thomas Muller tạo thành hàng ngang kéo giãn hàng thủ Bồ Đào Nha.
Khi tấn công vào một cánh, Đức sử dụng ít nhất 3 cầu thủ tạo thành tam giác ban bật ở biên, nhằm kéo nghiêng tuyến phòng ngự sang một phía, trước khi bất ngờ đẩy bóng sang cánh còn lại để cầu thủ chạy biên xâm nhập ghi bàn.
Ở trận này, Kimmich đóng vai trò "mồi nhử" ở cánh phải. Anh cùng Gnabry, Muller và Havertz khống chế cánh trái Bồ Đào Nha. Khi Guerrero bị bao vây, Pepe và Ruben Dias phải dạt trái để tiếp ứng, còn hậu vệ phải Semedo bó vào như một trung vệ. Lúc này, Gosens sẽ âm thầm băng lên khoảng trống đã bị Semedo bỏ lại để tạo nguy hiểm.
Bài tấn công đảo cánh của Đức rất cơ bản trong bóng đá. Đây gần như là miếng đánh "tủ" của sơ đồ 3-4-3, được HLV Pep Guardiola, Thomas Tuchel hay Antonio Conte áp dụng nhuần nhuyễn. Nhưng, Đức vẫn đánh sập hàng thủ Bồ Đào Nha bởi hai nguyên nhân.
Thứ nhất, Đức có đội hình hoàn hảo để thực hiện cách chơi này. Gosens và Kimmich là những cầu thủ chạy cánh với tư duy chiến thuật và khả năng xâm nhập ấn tượng. So với Guerrero và Semedo, dàn cánh của Đức ở đẳng cấp khác. Do đó, cả hai phối hợp tốt với tiền đạo và tìm được khe hở trong tuyến phòng ngự bị căng ngang của Bồ Đào Nha.
Ngoài ra, yếu tố quyết định để Đức vận hành lối đá là những pha đảo cánh chỉ bằng một đường chuyền. Đức có những cầu thủ là bậc thầy đảo cánh như Toni Kroos, Ilkay Gundogan, Kimmich. Trong cả trận, Đức xoay hướng tấn công linh hoạt, khiến hàng phòng ngự khu vực của Bồ Đào Nha phải đổi trọng tâm liên tục, dẫn đến mất phương hướng.
Thứ hai, Bồ Đào Nha không đủ phương án chống đỡ khi hàng thủ bị vây ráp, còn hàng tiền vệ không biết che chắn. Nếu Pháp có N'Golo Kante và Paul Pogba thi đấu vững chãi để hỗ trợ cho bộ tứ vệ, bộ đôi Carvalho và Pereira của Bồ Đào Nha không có ý thức vị trí.
Bàn thắng thứ ba của Đức là một minh chứng. Khi Gosens âm thầm thoát xuống ở cánh, tiền vệ trung tâm của Bồ Đào Nha không lùi về bọc lót, tạo điều kiện cho cầu thủ Đức thoải mái căng ngang vượt qua tầm với của Semedo - lúc này đã bó vào như một trung vệ.
Đến bàn thua thứ tư, một lần nữa Gosens thoải mái xâm nhập từ biên trái, khi các cầu thủ Bồ Đào Nha đã hướng cả vào vị trí của Kimmich.
Thảm họa chờ Ronaldo
Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016 nhờ khối phòng ngự vững chắc. Nhưng 5 năm qua, chiến thuật bóng đá đã cải tiến rất nhiều. Vị trí tiền đạo ảo được ưa chuộng, sơ đồ 3-4-3 lên ngôi, gegen-pressing đạt đến đỉnh cao. Trong khi đó, Bồ Đào Nha gần như không thay đổi.
Hệ thống 3-4-3 với 5 cầu thủ tấn công giăng ngang của Đức cũng là phương án khắc chế những đội thích lùi sâu chờ thời như Bồ Đào Nha.
HLV Santos không sai về cách tiếp cận. Ông đã bố trí Diogo Jota, Bernardo Silva lùi rất sâu để hỗ trợ cho đôi cánh. Song, đội hình của Santos không có sự cân bằng.
Bồ Đào Nha có tới 4 cầu thủ mang thiên hướng tấn công là Ronaldo, Bruno Fernandes, Jota và Bernardo trên sân. Đây là nhóm tiền vệ, tiền đạo giàu kỹ thuật, tốc độ, nhưng chỉ phù hợp với lối đá tấn công có kiểm soát.
Còn khi bị đẩy vào thế rượt đuổi và tranh cướp bóng, hàng công Bồ Đào Nha trở thành gánh nặng. Ronaldo, Jota pressing không đủ tốt, giúp cho Đức dễ dàng vượt qua lớp phòng ngự đầu tiên của Bồ Đào Nha.
Khác với trận gặp Pháp, Kroos, Gundogan thoải mái dâng cao, đảo cánh và cầm nhịp. Để đội bóng có kỷ luật chiến thuật và bài vở sắc sảo như Đức thoải mái chơi bóng, Bồ Đào Nha cầm chắc thất bại.
Bồ Đào Nha sẽ gặp khó hơn nữa trong cuộc tái đấu với Pháp, bởi Kylian Mbappe, Antoine Griezmann, Kingsley Coman bên phía "Les Bleus" còn chất lượng hơn Gosens hay Havertz trên lý thuyết. Pháp cũng giỏi chồng cánh, đánh biên và chuyển trạng thái nhuần nhuyễn nhờ đẳng cấp của của các tiền vệ.
Một Bồ Đào Nha ở phải dồn lên liệu có đủ sắc sảo để chống đỡ thế trận phản công của người Pháp? Đây là bài toán khó với HLV Fernandos Santos cùng học trò. Không giải được, Bồ Đào Nha sẽ sớm trở thành cựu vương.