Euro 2024: Ronaldo bị điều tra về hành vi 'quảng cáo trá hình'?

Hình ảnh bản dữ liệu nhịp tim của Cristiano Ronaldo ở trận thắng của Bồ Đào Nha trước Slovenia vòng 1/8 có thể là bằng chứng để UEFA quy kết hành vi 'quảng cáo trá hình' và phạt nặng siêu sao này.

Dư âm chiến thắng nghẹt thở sau loạt đá luân lưu với Slovenia cho đến nay có lẽ vẫn còn khiến nhiều cầu thủ lẫn người hâm mộ Bồ Đào Nha ngây ngất. Người ta nói mọi chuyện về "người nhện" Diogo Costa sau khi anh đẩy được ba cú sút luân lưu 11 m; tung cả bản dữ liệu nhịp tim của Cristiano Ronaldo cao bất thường (104-176 nhịp/phút so với khoảng 60-100 nhịp/ phút của người bình thường)…

Ronaldo bật khóc khi đá hỏng phạt đền, khiến trận đấu phải bước vào loạt đá luân lưu

Ronaldo bật khóc khi đá hỏng phạt đền, khiến trận đấu phải bước vào loạt đá luân lưu

Không ai nghĩ (hoặc không tưởng tượng tới) khi truyền thông châu Âu vô tình – hoặc có chủ ý – tung ra bản dữ liệu nhịp tim của Ronaldo như một cách mô tả về một "siêu anh hùng" ở một trận cầu đẳng cấp, điều đó đã vô tình tiếp tay cho hành vi "quảng cáo trá hình" của siêu sao người Bồ, như quy kết của Ricardo Fort, cựu giám đốc tài trợ toàn cầu tại Visa và Coca-Cola.

Bản dữ liệu nhịp tim của Ronaldo do WHOOP cung cấp xuất hiện rộng rãi

Bản dữ liệu nhịp tim của Ronaldo do WHOOP cung cấp xuất hiện rộng rãi

Theo Ricardo Fort, bài đăng là một ví dụ rõ ràng về "quảng cáo trá hình" và cả cầu thủ lẫn công ty liên quan cần phải bị phạt nặng. "Cristiano Ronaldo và Công ty WHOOP đang quảng cáo trá hình liên quan đến Euro 2024. Đó là hành vi bất hợp pháp và phải bị phạt nặng. Bài đăng nói về một trận đấu của UEFA, sử dụng tên của hai đội tuyển quốc gia thi đấu, ghi bàn và một cầu thủ cụ thể trên sân. Nếu dữ liệu được thu thập trong quá trình tập luyện tại nhà thì có thể được xem xét lại".

Bài đăng của WOOP cho thấy cựu ngôi sao Manchester United 'bước vào trạng thái dòng chảy (trạng thái hoàn toàn tập trung) và giảm nhịp tim' ngay trước khi anh ghi bàn đầu tiên trong số ba cú sút luân lưu của Bồ Đào Nha. Nhịp tim của anh tăng lên 180bpm khi Bernardo Silva tự tin thực hiện cú đá quyết định đưa đội bóng của Roberto Martinez vào tứ kết. Ronaldo khi đó đang đeo sản phẩm thu thập dữ liệu của WHOOP ở cổ tay.

Ronaldo sút hỏng phạt đền trong trận

Ronaldo sút hỏng phạt đền trong trận

Hành vi bất hợp pháp cho thấy một công ty cố gắng liên kết sản phẩm hoặc dịch vụ của họ với một sự kiện đã có nhà tài trợ chính thức. Trường hợp tương tự từng xảy ra tại Euro 2012 khi tuyển thủ Đan Mạch Nicklas Bendtner mừng bàn thắng bằng cách kéo cao vạt áo, để lộ một chiếc quần lót mang nhãn hiệu Paddy Power. Cầu thủ này sau đó bị phạt 80.000 bảng và bị cơ quan quản lý cấm thi đấu một trận quốc tế.

Nicklas Bendtner từng bị phạt nặng vì "quảng cáo trá hình" nhãn hàng Paddy Power

Nicklas Bendtner từng bị phạt nặng vì "quảng cáo trá hình" nhãn hàng Paddy Power

Trong trường hợp này, sự chú ý tập trung vào mối quan hệ hợp tác giữa Ronaldo với Công ty thể hình WHOOP, nhà thiết kế các thiết bị đeo được theo dõi một loạt các biện pháp bao gồm nhịp tim, hiệu suất thể thao và điểm số giấc ngủ của người sử dụng.

Nếu bị phạt thời điểm này, e Ronaldo khó lòng tham gia tiếp chiến dịch Euro 2024 của Bồ Đào Nha. May mắn là UEFA vẫn chưa thông tin về khả năng có mở cuộc điều tra về vấn đề này hay không.

Đông Linh - Ảnh: Reuters

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/euro-2024-ronaldo-bi-dieu-tra-toi-quang-cao-tra-hinh-196240704171408336.htm