Euro 2024: Ronaldo và kỷ lục... tịt ngòi không mong muốn

Khi Cristiano Ronaldo chưa ghi bàn ở Euro 2024 và trải qua 8 trận liên tiếp tại 2 giải đấu lớn tịt ngòi, nhiều người bắt đầu nhắc lại kỷ lục buồn của Messi: Từng sớm rời World Cup 2010 mà chẳng có lần nào phá được lưới đối phương...

Ronaldo đã kết thúc trận đấu vòng 1/8 gặp Slovenia với 20 cú sút (tính cả Euro 2024) và nâng số bàn thắng kỳ vọng (xG) lên 2,8, nhưng vẫn chưa ghi được bàn thắng nào.

Quay trở lại năm 1966, chỉ có 11 cầu thủ có nhiều cú sút hơn ở World Cup/Euro mà không ghi bàn.

Đến đây, nhiều nhà thống kê bóng đá bất ngờ nhắc tên Lionel Messi khi siêu sao Argentina đang dẫn đầu kỷ lục không mong muốn này - tịt ngòi tại vòng chung kết World Cup 2010 dù tung 29 cú sút. Hậu quả là Argentina tại Nam Phi năm đó chỉ đi đến vòng tứ kết rồi gục ngã đau đớn với tỉ số 1-4 trước Đức.

Xét về số lần sút, Ronaldo không chỉ thực hiện nhiều hơn mọi cầu thủ tại giải mà còn sút nhiều hơn cả đội Scotland - tuyển chỉ có 17 lần sút (mặc dù ít hơn một trận do dừng bước sau vòng bảng).

Tám trong số 20 cú sút của Ronaldo được thực hiện trong trận đấu với Slovenia, một nửa trong số đó đến từ các quả đá phạt; không có cầu thủ nào thực hiện hơn bốn cú sút từ các quả đá phạt trong một trận đấu tại Euro hoặc World Cup kể từ Gheorghe Hagi gặp Thụy Điển tại World Cup 1994 (5 cú sút).

Hơn nữa, Ronaldo còn đạt kỷ lục ghi được một bàn thắng từ 60 cú đá phạt tại các giải đấu lớn – tương ứng với tỉ lệ chuyển đổi là 1,7%.

Lần gần nhất Ronaldo có hơn ba cú sút trong một trận đấu ở cấp độ quốc tế hoặc câu lạc bộ và hơn một nửa trong số đó là đá phạt là vào tháng 2 năm 2013 khi Real Madrid gặp Barcelona.

Vấn đề là Ronaldo phải là trung tâm của "vũ trụ" Bồ Đào Nha khi anh ấy đá chính. Mọi thứ phải xoay quanh anh ấy, với đội hình được thiết lập chủ yếu để tạo cơ hội cho anh ấy. Do đó, Bồ Đào Nha chiếm vị trí thứ ba trong sáu đội đứng đầu về số lần tạt bóng mở trong một trận đấu duy nhất tại Euro 2024.

Vấn đề là ở tuổi 39, CR7 đã không còn đủ nhanh nhạy trước sự áp sát của các hậu vệ to khỏe để tận dụng tốt các cơ hội. Giờ đây, ngay cả các pha sút phạt của Ronaldo cũng kém hiệu quả, Bồ Đào Nha đang tự triệt tiêu đi cơ hội có thể phá vỡ thế bế tắc khi chân sút phạt hàng đầu của đội là Bruno Fernandes đang "thất nghiệp".

Lẽ ra, HLV Martinez phải cho anh dưỡng sức ở trận vòng bảng cuối cùng gặp Georgia để tiền đạo đội trưởng có thể sung sức hơn khi đối đầu Slovenia. Hệ quả, Ronaldo có trận đấu bị chấm điểm 4/10, sút hỏng quả phạt đền ở hiệp phụ và giờ đây phải tích cực hồi sức để có thể chiến đấu với các trung vệ, tiền vệ phòng ngự đẳng cấp cao.

Truyền thông Bồ Đào Nha đã kêu gọi cất CR7 lên ghế dự bị và tung anh vào đầu hiệp 2. Với sự có mặt của Goncalo Ramos trong đội hình, hàng công Bồ Đào Nha sẽ có sức trẻ và sự am hiệu về bóng đá Pháp khi chân sút này đang khoác áo PSG. Thành tích ghi bàn của Ramos ở Ligue 1 mùa rồi không tệ, trung bình 1 bàn sau 129 phút cho PSG.

Sau khoảng 60 phút Ramos khiến các trung vệ Pháp căng mình theo đuổi thì việc tung Ronaldo vào sân sẽ có lợi. Khi đó, Ronaldo đang sung sức và hàng thủ Pháp bắt đầu thấm mệt và đó là thời cơ để lão tướng 39 tuổi bùng nổ.

Ronaldo ngồi dự bị trong trận gặp Pháp rạng sáng 6-7, tại sao không?

Ronaldo ngồi dự bị trong trận gặp Pháp rạng sáng 6-7, tại sao không?

Vấn đề là HLV Martinez có dám mạo hiểm với "canh bạc" này khi đối thủ Pháp được đánh giá mạnh và đồng đều hơn

Vấn đề là HLV Martinez có dám mạo hiểm với "canh bạc" này khi đối thủ Pháp được đánh giá mạnh và đồng đều hơn

Nhưng xem ra, HLV R.Martinez không dám mạo hiểm vì cái bóng của CR7 quá lớn. Vì thế, nếu nhà cầm quân người Tây Ban Nha không dám mạo hiểm, CĐV Bồ Đào Nha có thể phải tiếp tục chứng kiến sự khô hạn của Ronaldo một khi anh tiếp tục được đá chính...

Trần Đoàn; Ảnh: REUTERS

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/euro-2024-ronaldo-va-ky-luc-tit-ngoi-khong-mong-muon-196240705103627023.htm