Euro trong đại dịch: Tái sinh cùng quả bóng
Trước trận Ba Lan gặp Tây Ban Nha ở vòng bảng, có một bức ảnh đã nhanh chóng biến thành hiện tượng trên mạng: một CĐV Ba Lan cố vươn người qua ban công khán đài, chỉ 'neo' người lại nhờ người bạn giữ hai mắt cá chân phía sau, để cố cột nốt cho lá cờ Tổ quốc tung bay.
Sức mạnh của lá cờ
Đấy là một hành động tương đối liều lĩnh. Nếu người giữ tuột tay, anh ta sẽ đâm đầu thẳng xuống đất và có nguy cơ gãy cổ. Nhưng vào thời điểm ấy, có lẽ chẳng ai quan tâm xem số phận của anh ta. Điều quan trọng là lá cờ phải bay.
Trên sân, các cầu thủ Ba Lan đã chơi một trận tuyệt vời, và cầm hòa đội chủ nhà TBN với tỉ số 1-1, với pha lập công của Robert Lewandowski, ngôi sao bóng đá hiếm hoi đạt đẳng cấp thế giới của họ. Bình luận viên của BBC nhớ lại hình ảnh đầu trận, và nói rằng "lá cờ được căng lên liều lĩnh này đã giúp các cầu thủ Ba Lan chơi nhiệt hơn". Trong một trận đấu bóng đá ở châu Âu, thì những gì có tính biểu tượng liên quan đến quốc gia và dân tộc đều có ý nghĩa hơn thường lệ.
Giải vô địch các quốc gia châu Âu bắt đầu từ thời kỳ lục địa già có tính hội nhập cao nhất. Vào ngày 1/6/1955, sáu người đàn ông đại diện cho sáu quốc gia châu Âu (bao gồm Bỉ, Pháp, Tây Đức, Ý, Luxembourg và Hà Lan) họp quanh một chiếc bàn ở Messina, Sicily, để đàm phán thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của EU.
Ba tháng sau, Sporting Lisbon chạm trán Partizan Belgrade trong trận đấu đầu tiên của lịch sử Cúp C1, tiền thân của Champions League ngày nay. Và vào tháng 6/1958 tại Stockholm, các liên đoàn bóng đá trên toàn châu lục đã đồng ý bắt tay tổ chức Cúp các quốc gia châu Âu, tiền thân của EURO. Nhiều thế hệ người hâm mộ châu Âu đã tìm hiểu địa lý ở lục địa già chỉ thông qua tên của các câu lạc bộ, từ Braga đến Dnepropetrovsk.
Ngày nay, trao đổi kiến thức diễn ra rất đa dạng ở bóng đá châu Âu, giống như tương tác về mặt văn hóa. Các CLB tốt nhất thi đấu với nhau liên tục và học hỏi. Sau khi Chelsea đánh bại Real Madrid, những người Tây Ban Nha sẽ vò đầu bứt tai tìm hiểu xem Chelsea đã làm gì tốt hơn, và từ đó môn thể thao này phát triển. TBN đã học hỏi lối chơi chuyền bóng và định hướng không gian của người Hà Lan, rồi đến Đức và Anh lại học từ người TBN.
Các học viện ở Anh hiện đã đào tạo ra những cầu thủ như Mason Mount hay Phil Foden, có lối chơi kỹ thuật và tinh tế. Chủ nghĩa ngoại lệ ở Anh đã chết kể từ năm 1993, khi giải Ngoại hạng phát triển mạnh mẽ và lối chơi bóng dài truyền thống không còn tỏ ra hiệu quả. Đó là điểm khác biệt giữa bóng đá và tư tưởng chính trị: trong bóng đá, thành công và thất bại thường rất rõ ràng. Bạn có thể đổ lỗi cho trọng tài vì tỉ số một trận đấu, nhưng rồi sau nhiều năm, bạn vẫn phải bắt đầu học hỏi từ người khác.
Các phiên bản khác của việc trao đổi kiến thức cũng diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác. Đức đã học hỏi được từ hệ thống các trường học nước ngoài khác sau "cú sốc Pisa" vào năm 2001, khi những trường học của quốc gia này bị tụt sâu trên bảng xếp hạng giáo dục OECD. Người Bắc Âu thì học hỏi về ẩm thực từ người Pháp và người Ý.
Nhưng bóng đá cho thấy điều này có thể được thực hiện tốt như thế nào, và vượt qua các rào cản của chủ nghĩa dân tộc ra sao. Kiến thức được truyền bá rộng rãi khắp lục địa bởi các huấn luyện viên biết nhiều ngôn ngữ như Juergen Klopp hay Pep Guardiola, những người được tôn kính ở các quốc gia họ làm việc, và giúp quảng bá hình ảnh cho quê hương họ. Trong năm qua, người Anh đã gõ lên thanh tìm kiếm Google tên của Klopp nhiều hơn gấp bốn lần so với Thủ tướng Đức Angela Merkel; Guardiola được tìm kiếm nhiều hơn 39 lần so với Thủ tướng TBN, Pedro Sanchez.
Không còn ngăn cách
Nền dân chủ của châu Âu cũng được đền đáp trong bóng đá. Bạn không thể chọn lựa ra một nhà vô địch tương lai chỉ bằng cách chọn lựa ra một đứa trẻ to xác từ sớm. Cách duy nhất để tạo ra tài năng là để hàng triệu trẻ em ở mọi nền tảng được chơi trên những sân đấu tử tế, với những HLV có trình độ.
Lục địa bình đẳng nhất thế giới làm tốt nhất điều này: những ngôi sao như Goran Pandev (Bắc Macedonia) hay Luka Modric (Croatia) có xuất phát điểm khó khăn và lớn lên trong bối cảnh chiến tranh, rốt cục vẫn có cơ hội để được chơi bóng và thừa nhận với đẳng cấp cao nhất. Ngày nay, bóng đá châu Âu thậm chí còn trao cho các cô gái những cơ hội.
Và do đó, EU, với 6% dân số trên hành tinh, đã trở thành siêu cường duy nhất của bóng đá. Quốc gia không thuộc EU duy nhất nằm trong Top ba World Cup kể từ năm 2006 là Argentina của Lionel Messi. Bốn quốc gia thành viên EU khác nhau đã vô địch bốn kỳ World Cup liên tiếp.
Năm 1990, tuyên bố khoe khoang của huyền thoại người Đức Franz Beckenbauer rằng một đội tuyển Đức sau thống nhất hai miền sẽ trở nên bất bại đã được chứng minh là sai. Thay vào đó, việc kiến thức lan rộng đã trao cơ hội đăng quang cho tất cả, từ trung tâm lục địa già đến phía Nam ít giàu có hơn: TBN (2 lần), Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã vô địch bốn kỳ EURO gần nhất.
Tất nhiên là sự chia rẽ lịch sử sâu sắc nhất của lục địa già vẫn tồn tại: Giống như kinh tế, Đông Âu tụt hậu về bóng đá. Nhưng việc Croatia lọt vào trận chung kết World Cup 2018 cho thấy rằng khi châu Âu được kết nối tốt, thì quả bóng vẫn lăn suôn sẻ về phía Đông. Trong một trận đấu kiên cường được cổ vũ nồng nhiệt từ các khán đài đầy ắp CĐV, Hungary đã gây bất ngờ khi ghi bàn trước và cầm hòa ĐKVĐ thế giới Pháp, trong một trận đấu mà đội tuyển Đông Âu này thậm chí đã chơi hay hơn.
Bóng đá châu Âu cho thấy cấp độ địa phương, quốc gia lẫn châu lục đều có thể phát triển mạnh cùng lúc. Sự giàu có của Manchester City không ngăn được những người hàng xóm Blackpool và Morecambe thăng hạng từ các hạng đấu thấp hơn trong các trận play-off. Macclesfield Town ở gần đó được tái sinh chỉ vài tuần sau khi rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ bậc nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Và bất chấp những bất đồng, bóng đá cho thấy một châu Âu thống nhất có thể tồn tại cùng với chủ nghĩa dân tộc. Marko Arnautovic (Áo) đã bị treo giò vì những lời xúc phạm nhắm vào Alioski của Bắc Macedonia. Đội tuyển Pháp, như thường lệ, vẫn đến EURO với một đội hình nhiều mâu thuẫn vì đa văn hóa và chủng tộc. Nhưng trên hết, họ vẫn có thể sống chung với nhau. Lần bùng phát bạo lực đáng kể duy nhất tại các giải VĐQG châu Âu kể từ năm 2000 là do các CĐV Nga gây ra, va chạm với CĐV Anh ở Marseille vào năm 2016.
Sau trận Pháp gặp Tây Đức vào năm 1982, bình luận viên truyền hình huyền thoại Georges Caunes nói rằng cú đá mà thủ môn người Đức Toni Schumacher hạ knock-out Patrick Battiston (khiến ông gãy 3 cái răng và rạn nứt 3 xương sườn) gợi lại những ký ức về chiến tranh. Ngày 16/6 vừa qua, trận đấu vòng bảng giữa họ đã diễn ra căng thẳng, nhưng vô cùng hấp dẫn và không hề có bạo lực.
Tại EURO, các cầu thủ châu Âu vẫn chơi bóng như "lên đồng" khi nhìn thấy màu cờ và đồng bào của họ trên khán đài, nhưng những xung đột không còn căng thẳng như trước. Đặc biệt là sau một năm đen tối với hơn một triệu người chết, EU cần một sự chữa lành về mặt tinh thần. Bóng đá, thay vì đào sâu thù địch, giờ là ngôn ngữ của hòa bình và sự tái sinh. Năm nay, một kỳ EURO với 10 nước chủ nhà có thể là nơi mà các quốc gia không chỉ chia sẻ kiến thức, mà còn chia sẻ những nỗi đau đã trải qua.