Euro và câu chuyện trẻ hóa
Một tháng 'ăn ngủ cùng Euro' sắp khép lại với trận chung kết giữa hai đội tuyển bóng đá Anh - Tây Ban Nha. Mặc dù chỉ mới lần đầu tiên hai đội bóng này gặp nhau trong một trận chung kết nhưng họ đều là những cường quốc bóng đá với các giải Ngoại hạng Anh và La Liga, 2 giải vô địch quốc gia đứng đầu thế giới, cũng là những nơi cung cấp nhiều cầu thủ nhất cho các đội bóng tại Euro lần này.
Nhưng điều thú vị của trận đấu cuối của Euro 2024 đó là dòng máu trẻ đang cuộn chảy. Nếu đội tuyển bóng đá Anh có tuổi bình quân trẻ thứ 3 tại giải thì Tây Ban Nha đem đến cho thế giới một Lamine Yamal, “thần đồng” đang khoác áo CLB Barcelona, người trẻ nhất từng ra sân và ghi bàn trong lịch sử Euro. Nếu HLV Southgate (Anh) kể từ khi nhậm chức năm 2016 đến nay liên tục trẻ hóa đội tuyển đi kèm với những thành tích quốc tế nổi bật thì bóng đá Tây Ban Nha quyết định chọn một người chuyên huấn luyện bóng đá trẻ là De la Fuente để tạo ra cuộc cách mạng chiến thuật ở đội tuyển, thay cho lối chơi kiểm soát bóng tiki-taka là phong cách tấn công trực diện dựa trên nền tảng tốc độ và tính phiêu lưu của các cầu thủ trẻ.
Dù ai đăng quang ở Euro 2024 thì cả Anh và Tây Ban Nha đều được xem là đã thành công với những chọn lựa của mình khi đặt niềm tin vào bóng đá trẻ. Trong khi đó, các đội bóng dựa quá nhiều vào kinh nghiệm của cựu binh như Pháp, Bồ Đào Nha… thì thất bại dù sở hữu rất nhiều ngôi sao của bóng đá thế giới đương đại. Với nước chủ nhà Đức, họ không vào được bán kết khi để thua Tây Ban Nha nhưng người hâm mộ của họ hài lòng khi đã trình làng một thế hệ trẻ trung.
Là một trong những sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh, Euro 2024 có nhiều bài học nhưng có lẽ gần gũi nhất với bóng đá Việt Nam đó chính là cách mà các đội bóng thành công “trẻ hóa” đội tuyển quốc gia của họ. Euro 2024 cho thấy một xu hướng không thể khác, đó là phải đặt niềm tin vào bóng đá trẻ và kiên trì thực hiện điều đó một cách liên tục, có phương pháp khoa học, dựa trên nền tảng “trẻ hóa” từ chính giải vô địch quốc gia.
Ngay tại khu vực Đông Nam Á xu hướng này cũng được áp dụng rộng rãi, tiêu biểu như trường hợp của Indonesia. Suốt từ năm 2018 đến nay, đất nước vạn đảo trở thành điểm đến của các giải bóng đá trẻ của khu vực lẫn đẳng cấp thế giới (U17 World Cup). Có khoảng 15 giải quốc tế lớn nhỏ dành cho độ tuổi U được Indonesia tổ chức trong 6 năm qua.
Đây cũng là một khuôn mẫu đang được thực hiện bởi Uzbekistan và Qatar, những quốc gia Trung và Tây Á này trong 5 năm qua trở thành điểm đến quen thuộc của các giải đấu hàng đầu châu Á, thế giới ở nhiều lứa tuổi. Cả Indonesia, Qatar lẫn Uzbekistan đều nằm trong nhóm các quốc gia phát triển rất mạnh về bóng đá trẻ, còn đội tuyển quốc gia thì có thành tích tốt dần lên, đạt đến tầm tốp 10 châu Á. Đó chính là “quả ngọt” từ chiến lược dài hơi và rất tốn kém này.
Để đăng cai nhiều giải đấu như vậy cần có tài chính tốt, sân bãi đẹp và quan hệ với các liên đoàn mạnh. Nói cách khác, đây là một cách đầu tư có trọng tâm, thể hiện được khao khát vươn tầm cũng như giúp người hâm mộ trong nước quan tâm nhiều đến bóng đá trẻ. Để thay đổi đẳng cấp của nền bóng đá không có con đường đi tắt nào cả mà bắt buộc phải có tầm nhìn và chiến lược đầu tư đúng đắn, khoa học, bền bỉ.
Chính Euro 2024 cho chúng ta thấy, ngay cả những cường quốc bóng đá cũng không có ngoại lệ, vẫn phải dũng cảm trẻ hóa. Với bóng đá Việt Nam, lại càng không có chọn lựa nào khác. Làm sao để những cầu thủ trẻ được ra sân chơi bóng nhiều hơn, có nhiều sân chơi đẳng cấp cho họ là mục tiêu cần phải đạt được trước khi nói đến chuyện vươn tầm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/euro-va-cau-chuyen-tre-hoa-post749072.html