EURO, World Cup không còn là chợ cầu thủ ồn ào

Trước đây, EURO và World Cup luôn là mảnh đất màu mỡ cho các CLB lớn ở châu Âu tìm kiếm, săn đón tài năng. Thị trường chuyển nhượng vì thế luôn ồn ào. Tuy nhiên, câu chuyện này không còn là lẽ đương nhiên ở mùa hè năm nay.

Trong lúc EURO diễn ra nóng bỏng trên 11 thành phố trải khắp lục địa già, thị trường cầu thủ cũng gần như đóng băng. Các CLB lớn không còn xem EURO hay World Cup là hệ quy chiếu để cải thiện đội hình. Cộng thêm tác động của dịch bệnh, cách chuyển nhượng của bóng đá châu Âu đã thay đổi.

Bước ngoặt EURO 1996

EURO và World Cup là những ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Không chỉ thu hút người hâm mộ, các giải đấu này còn kéo theo hàng tá tuyển trạch viên đến sân “xem giò” các cầu thủ. Những ngôi sao lóe sáng tại các vòng chung kết lớn luôn tạo ra sức cám dỗ khó từ chối với các CLB, những người không chỉ muốn có tài năng mà muốn có cả danh tiếng từ những tân binh.

 Cầu thủ Andrey Arshavin.

Cầu thủ Andrey Arshavin.

Xu hướng này có lẽ bắt đầu từ EURO 1996, khi bóng đá châu Âu đã phát triển lên một đẳng cấp mới và các CLB ở khắp châu Âu có khả năng cạnh tranh với nhau sòng phẳng hơn hiện tại. Khi Cộng hòa Séc vượt qua mọi sự kỳ vọng để lọt vào chung kết EURO 1996 và chỉ gục ngã trước bàn thắng vàng của Oliver Bierhoff, họ đã tự thưởng cho mình các bản hợp đồng lớn, với những con số mà trước giải đấu, có nằm mơ các cầu thủ của HLV Dusan Uhrin cũng không nghĩ đến.

Karel Poborsky với mái tóc vàng như một ca sĩ nhạc pop tỏa sáng với pha lốp bóng tung lưới Bồ Đào Nha ở tứ kết. Phần thưởng của anh là thương vụ trị giá 3,6 triệu bảng từ Slavia Prague sang Man Utd. HLV Man Utd khi đó, Sir Alex Ferguson thậm chí đến tận khách sạn của Cộng hòa Séc ở London để thuyết phục cầu thủ chạy cánh này về Old Trafford. Giá chào bán của Poborsky tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng 1 tháng. Thế nhưng, Poborsky ở Man Utd mãi mãi không bao giờ là Poborsky của Cộng hòa Séc. Anh ghi vỏn vẹn 6 bàn thắng sau 48 lần ra sân cho Quỷ đỏ và bật bãi chỉ sau 2 mùa giải.

Tương tự, Barcelona cũng “ăn đủ” với thủ môn người Bồ Đào Nha, Vítor Baia khi biến anh trở thành người gác đền đắt giá nhất thế giới ở thời điểm đó.

Thế nhưng, không phải CLB nào cũng nếm trái đắng giống như Man Utd hay Barcelona. Ngược lại, phần lớn đại gia ở châu Âu đều có các thương vụ thành công ngoài mong đợi. Liverpool có thể hài lòng khi bỏ ra 3,25 triệu bảng mua Patrik Berger từ Dortmund để đổi lại những cú sút sấm sét từ hành lang cánh trái. Pavel Nedved trở thành món hời của Lazio và sau đó, trở thành “Quả bóng vàng” châu Âu trong màu áo Juventus.

Vladimir Smicer, một viên ngọc khác của Séc chọn hành trình an toàn hơn khi chuyển đến Lens trước khi cập bến Liverpool sau 3 năm. Parma nhanh tay giành Lilian Thuram với giá 4,5 triệu bảng, trong khi Juventus chỉ mất 3,2 triệu bảng chiêu mộ tài năng trẻ của nước Pháp, Zinedine Zidane còn Inter Milan chọn Youri Djorkaeff.

 5 mục tiêu của câu lạc bộ Arsenal.

5 mục tiêu của câu lạc bộ Arsenal.

Trên khắp châu Âu, các thương vụ “bom tấn” mang đến niềm vui cho tất cả. Newcastle gây sốc với hợp đồng kỷ lục dành cho Alan Shearer, vua phá lưới của EURO 96. Real Madrid cũng cho thấy sự nhạy bén khi chiêu mộ chân sút số một của đội bóng mới nổi Croatia, Davor Suker và siêu tiền vệ của người Hà Lan, Clarence Seedorf.

Sẽ mất rất nhiều thời gian để liệt kê đầy đủ các vụ chuyển nhượng ở mùa hè 1996 với xuất phát điểm từ vòng chung kết EURO tại nước Anh. Những thành công vang dội sau đó biến World Cup và EURO trở thành chợ cầu thủ ồn ào và tốn nhiều giấy mực. Nhưng, đó cũng là thời điểm mà giá trị của các cầu thủ bị thổi phồng và các CLB thua nhiều hơn thắng trong các hợp đồng chạy theo xu hướng của họ.

Bóng ma sao xịt

Chỉ 6 năm sau EURO 1996, thị trường chuyển nhượng đã trở nên khốc liệt hơn. Khi các CLB trở nên vội vàng vì không muốn bỏ lỡ một món hời, họ bắt đầu mua hớ như một thói quen. World Cup 2002 tại châu Á đánh dấu màn trình diễn bùng nổ của tân binh Senegal. Các ngôi sao của họ lập tức được các CLB Premier League trải thảm đỏ mời về, El Hadji Diouf và Salif Diao cập bến Liverpool, Amdy Faye đến Portsmouth trong khi Papa Bouba Diop về Fulham. Đáng tiếc, không ai trong số họ đáp ứng kỳ vọng.

 Cầu thủ Harry Kane và Jack Grealish.

Cầu thủ Harry Kane và Jack Grealish.

Ngay cả những trường hợp được ngắm kỹ thêm 1 năm như Keleberson (về Man Utd) hay Rustu Recber (về Barcelona) cũng đều thất bại thảm hại.

Các giải đấu lớn tiếp theo, những thương vụ sớm nở chóng tàn như vậy liên tục lặp lại. Tottenham ôm hận với Roman Pavlyuchenko, trong khi “Giáo sư” Arsene Wenger nếm trải “bom xịt” hiếm hoi trong sự nghiệp gần 30 năm ở Emirates với Andrey Arshavin. Pavlyuchenko và Arshavin chính là hai ngôi sao tấn công hàng đầu của người Nga tại EURO 2008.

Ngay cả với những cáo già trên thị trường như Real Madrid cũng không tránh khỏi những giây phút bồng bột, điển hình là việc bạo chi 71 triệu bảng mua James Rodriguez từ Monaco sau khi tiền vệ này giành Chiếc giày vàng ở World Cup 2014. Trước đó, Bayern Munich từng “vỡ mộng” với hoàng tử nước Đức, Lukas Podolski sau World Cup 2006. Với những đội tiêu hoang như Man Utd hay Barcelona, việc mua hớ từ các giải đấu lớn đã trở thành... truyền thống.

Thế nhưng, xu hướng nào cũng đi đến hồi kết. Tác động ghê gớm của dịch COVID-19 buộc các CLB phải cẩn trọng hơn trong việc mua sắm cầu thủ, bởi lẽ ngân quỹ của họ không còn rủng rỉnh như trước. Bất cứ đồng tiền nào chi ra ở thời điểm này đều được tính toán kỹ lưỡng. Barcelona thậm chí đã sớm loại mình ra khỏi cuộc chơi với khoản nợ lên đến 1 tỷ euro. Thay vì theo đuổi những ngôi sao mới đang làm giới mộ điệu phát sốt, Barca nhanh chóng đưa về Nou Camp các tân binh miễn phí như Sergio Aguero, Eric Garcia hay Memphis Depay.

Quan trọng hơn, các CLB hiện đại đã tự tìm cách biến mình thành “người tiêu dùng thông minh”, với đội ngũ trinh sát viên hùng hậu cùng hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu khổng lồ.

EURO, World Cup không còn là chợ cầu thủ ồn ào

“Việc một cầu thủ nào đó bất ngờ nổi lên từ EURO và được săn đón đã là chuyện của quá khứ”, một tuyển trạch viên của Premier League chia sẻ. “Bây giờ, các CLB chỉ muốn chiêu mộ những cầu thủ mà họ biết rõ, những người mà họ theo dõi đủ lâu ở các giải đấu diễn ra hằng tuần thay vì tập trung trong vòng 1 tháng”.

“Tất nhiên, nếu có ai đó vốn được quan tâm mà lại tỏa sáng tại EURO, cậu ta chắc chắn sẽ thành hàng hot. Ngược lại, họ cũng không mất đi cơ hội chuyển đến các CLB lớn hơn chỉ vì một vài màn trình diễn thất vọng tại giải đấu này”.

Thực tế đang chứng minh điều này. Các CLB - đặc biệt là các đại gia tỏ ra trung thành với kế hoạch chuyển nhượng của họ. Man Utd đang hoàn tất hợp đồng kỷ lục với Jadon Sancho cho dù ngôi sao của Dortmund chỉ là kép phụ ở đội tuyển Anh. Man City quyết tâm giành Harry Kane, bất chấp tiền đạo này cho thấy vấn đề về bản lĩnh khi tịt ngòi cả 3 trận đã đấu ở EURO. Ngược lại, họ cũng không tha thiết giữ chân Raheem Sterling, người ghi cả 2 bàn mà Tam Sư có ở vòng đấu bảng.

Những câu chuyện tương tự xảy ra ở khắp nơi trên lục địa già. PSG vẫn phá két nhưng hợp đồng tiếp theo của họ là Achraf Hakimi, một ngôi sao... châu Phi. Nếu ở một vòng chung kết khác cách đây vài năm, Mikkel Damsgaard sẽ trở thành hiện tượng khi mang đến nguồn sáng tạo giúp Đan Mạch vào tứ kết, Patrik Schick chắc chắn có một hợp đồng lớn bất chấp phong độ phập phù của anh ở Roma và Leverkusen những năm vừa qua. Hậu vệ phải của Hà Lan Denzel Dumfries, tiền vệ Ukraine Mykola Shaparenko và trung vệ Attila Szalai của Hungary cũng hứa hẹn trở thành những cái tên khiến báo giới tốn giấy mực.

Nhưng, hiện tại thì không. Màn trình diễn của họ chỉ giống như gia vị giúp EURO 2020 trở nên hấp dẫn và không tạo ra bước ngoặt đáng kể nào cho thị trường chuyển nhượng. Đây chính là xu hướng mới của thị trường và buộc người hâm mộ đôi khi phải hóng các thương vụ không liên quan gì đến giải đấu đang chiếm trọn tâm trí của họ.

Arsenal nhắm mua 5 tân binh, không có ngôi sao EURO

Arsenal là một trong những đội thay đổi cách mua sắm rõ ràng nhất trong những năm qua, với việc bổ nhiệm Giám đốc thể thao Edu. Với ngân sách hạn chế hơn, các ông lớn khác ở Anh và châu Âu, Pháo thủ bắt buộc phải trở nên khôn ngoan hơn trên thị trường. Và trong mùa EURO, họ quyết định lựa chọn các mục tiêu không liên quan gì đến EURO.

Ben White sẽ là hợp đồng lớn nhất mà Arsenal có, với giá chuyển nhượng lên đến 50 triệu bảng. Tuy vậy, trung vệ 23 tuổi của Brighton chỉ có “vé vớt” dự EURO 2020 sau khi Trent Alexander-Arnold dính chấn thương. Ben White cũng không có suất đá chính ở Tam Sư cho đến thời điểm Pháo thủ tiếp cận.

Những cái tên khác mà Arsenal theo đuổi thậm chí còn ít tên tuổi hơn Ben White, bao gồm Albert Sambi Lokonga của Anderlecht (Bỉ), Tyler Adams của RB Leipzig (Đức), Mert Muldur của Sassuolo (Italia), Nuno Tavares của Benfica (Bồ Đào Nha), Aaron Ramsdale của Sheffield United, Andre Onana của Ajax...

Ben White và Lokonga là những mục tiêu chính của Arsenal, những người có thể đi thẳng vào đội hình của HLV Mikel Arteta. Sau đó, Pháo thủ sẽ tìm cách bổ sung hậu vệ trái, hậu vệ phải, số 10 và cả thủ môn. Họ hy vọng sẽ có 4 đến 5 hợp đồng ở mùa hè này nhưng tất cả đều không xuất phát từ EURO.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/euro-world-cup-khong-con-la-cho-cau-thu-on-ao-647891/