Eurozone: Tăng lương không phải là yếu tố gây tăng lạm phát

Mặc dù việc điều chỉnh tăng lương theo lạm phát đã được thực hiện, nhưng quý I/2024, 16 nước thuộc OECD, trong đó có một số nước Eurozone vẫn có mức lương thực tế thấp hơn trước đại dịch.

Khách hàng mua sắm trong siêu thị tại Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách hàng mua sắm trong siêu thị tại Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù việc điều chỉnh tăng lương theo lạm phát đã được thực hiện, nhưng quý I/2024, 16 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có một số nước thuộc khu vực đồng euro (Eurozone), vẫn có mức lương thực tế thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19, tức là vào cuối năm 2019.

Báo Les Echos (Pháp) dẫn báo cáo của OECD cho biết, 29 trong số 35 quốc gia thành viên được khảo sát trong quý I/2024 cho thấy tốc độ tăng giá hàng hóa trên thực tế đã giảm rõ rệt trong 1,5 năm qua.

Nhưng những tổn thất về sức mua vẫn chưa được giải quyết triệt để tại nhiều nước. Nguyên nhân là do, trong quý đầu năm 2024, 16 quốc gia OECD có mức lương thực tế thấp hơn mức lương trung bình ba tháng cuối năm 2019. Đặc biệt, tại Eurozone, tiền lương thực tế trong quý I/2024 đã giảm khoảng 2% so với cuối năm 2019.

Chuyên gia François Geerolf, nhà kinh tế học tại Trung tâm Quan sát Điều kiện Kinh tế Pháp (OFCE), nhận xét, tỷ lệ lợi nhuận của các doanh nghiệp trong khu vực đồng euro vào cuối năm 2023 cao hơn 2 điểm so với mức cuối năm 2019. Đáng chú ý, lạm phát không được tạo ra bởi tiền lương mà bởi lợi nhuận.

Đang có tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng tình trạng “sương mù” do lạm phát gây ra để tăng giá bán. Điều này khiến lạm phát không thể giảm và việc tăng lương chắc chắn vẫn sẽ là chủ đề được đề cập đến trong những tháng tới tại Eurozone.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/eurozone-tang-luong-khong-phai-la-yeu-to-gay-tang-lam-phat/340931.html