Evergrande lại bên bờ vực vỡ nợ, cổ phiếu lao dốc kỷ lục 11 năm
Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande một lần nữa lại đứng bên bờ vực vỡ nợ, giá cổ phiếu chạm đáy, xuống mức thấp kỷ lục 11 năm.
Tập đoàn bất động sản Trung Quốc China Evergrande đang chật vật xoay xở với nghĩa vụ nợ hơn 300 tỷ USD. Nếu tập đoàn này vỡ nợ, một cú sốc lớn sẽ xuất hiện trên thị trường bất động sản Trung Quốc và nguy cơ lan rộng sẽ rất lớn.
Trung Quốc từng yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn dùng tài sản cá nhân để trả nợ cho Evergrande. Ảnh: Getty Images.
Trong 2 tháng qua, Evergrande nhiều lần “thoát nguy” nhờ 3 lần kịp thanh toán lãi suất trái phiếu ngay trước thời hạn chót. Tuy nhiên, Evergrande lại một lần nữa đối mặt với khoản trái phiếu trị giá 82,5 triệu USD khi thời gian ân hạn 30 ngày kết thúc vào hôm 6/12.
Trong một tuyên bố vào cuối tuần trước, Evergrande cho biết các chủ nợ đã yêu cầu thanh toán 260 triệu USD nhưng họ không xoay xở đủ tiền để trả. Ngay sau thông tin này, trong phiên giao dịch đầu tuần hôm 6/12, cổ phiếu của Evergrande đã lao dốc 20% xuống 1,82 HKD, mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua.
Ngoài ra, trái phiếu đáo hạn vào tháng 11/2022, một trong hai trái phiếu có thể bị vỡ nợ khi không thanh toán được trong hôm 6/12, cũng lao xuống mức 18,56 cent/USD, giảm mạnh so với mức 20,083 cent cuối tuần trước.
Cuối tuần trước, chính quyền tỉnh Quảng Đông, nơi tập đoàn Evergrande đặt trụ sở, đã triệu tập Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn và cho biết họ sẽ cử một đội để giám sát việc tái cấu trúc của Evergrande. Đây được coi là động thái công khai đầu tiên của nhà nước Trung Quốc nhằm trực tiếp kiểm soát những ảnh hưởng lây lan của “bom nợ” hơn 300 tỷ USD này.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc, các cơ quan quản lý về ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán cũng trấn an thị trường rằng những rủi ro từ lĩnh vực bất động sản “có thể được kiểm soát”.
Ngân hàng này cũng cho rằng, khả năng sẽ có một cuộc thảo luận tái cơ cấu nợ với các chủ nợ nước ngoài sau khi các hoạt động được ổn định. Các nhà phân tích cho rằng, nỗ lực phối hợp của các nhà chức trách cho thấy Evergrande đã bước vào quá trình tái cơ cấu tài sản nợ một cách có quản lý.
Morgan Stanley cho biết, quy trình này sẽ bao gồm sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm duy trì hoạt động của các dự án, đàm phán với các chủ nợ trong nước để đảm bảo tài chính cho việc hoàn thiện các dự án vẫn còn đang dang dở.
Evergrande chỉ là một trong rất nhiều nhà phát triển địa ốc Trung Quốc đang đứng bên bờ vực vỡ nợ khi không thể thu xếp tài chính để thanh toán cho các khoản trái phiếu phát hành ở nước ngoài đến hạn.
Evergrande đã gặp khó khăn trong việc huy động vốn thông qua xử lý các tài sản và chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu ông Hứa Gia Ấn phải dùng tài sản cá nhân để trả nợ cho công ty.
Chi phí đi vay cao đang ảnh hưởng xấu đến các công ty nợ nần nhiều trong ngành bất động sản Trung Quốc. Nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn này, kể từ tháng 10, giới chức quản lý Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng nới lỏng cho vay đối với nhu cầu tài chính thông thường và cho phép nhiều công ty bất động sản bán trái phiếu trong nước.
Khó khăn trong ngành bất động sản đã đẩy lợi suất trái phiếu “rác” niêm yết bằng USD của Trung Quốc lên cao kỷ lục. Việc này khiến các nhà phát triển địa ốc nước này ngày càng khó tái cấu trúc nợ tại thị trường nước ngoài, và châm ngòi cho làn sóng vỡ nợ tại Trung Quốc.
Theo Bloomberg, tập đoàn bất động sản Trung Quốc Sunshine 100 China Holdings cũng vừa tuyên bố vỡ nợ khi không thể thanh toán khoản trái phiếu quốc tế và lãi suất có tổng trị giá 179 triệu USD đáo hạn vào ngày 5/12.
Hồi tháng 8 năm nay, hãng phát triển địa ốc này đã tuyên bố không thể trả tiền gốc và lãi đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2021. Việc vỡ nợ lần này có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều khoản vay khác của họ.
Hương Vũ (Theo CNBC, Bloomberg)