EVFTA - bước ngoặt mới trong tiến trình hội nhập
Gần một thập kỷ nỗ lực đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết và thực thi từ ngày 1/8/2020.
Như vậy, cùng với việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc EVFTA thực thi được coi là sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia hội nhập với khu vực kinh tế được coi là mạnh vào bậc nhất thế giới.
Hiệp định toàn diện, chất lượng cao
Khi nói đến Hiệp định EVFTA, không thể không nói đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị trong suốt cả một thập kỷ từ khi Việt Nam và Liên minh châu Âu đồng ý tiến hành nghiên cứu khả thi việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước vào tháng 10 năm 2010.
Nói về những ngày đầu tham gia đàm phán Hiệp định quan trọng này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh luôn nhấn mạnh rằng, EVFTA là Hiệp định được hai bên vô cùng mong đợi bởi những cơ hội giao thương cũng như những lợi ích kinh tế to lớn mà hai bên cùng sẽ được hưởng.
EVFTA lại là một hiệp định thế hệ mới toàn diện, tiêu chuẩn cao, mức độ hội nhập sâu rộng. Trong EVFTA có rất nhiều cam kết trong nhiều lĩnh vực mà chúng ta chưa từng có trong bất kỳ FTA nào trước đây như Chỉ dẫn địa lý (GI), Mua sắm chính phủ (GP), hay Thương mại phát triển bền vững (TSD). Ngoài ra, có rất nhiều nội dung cam kết có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các cách tiếp cận của ta trong các FTA trước đây.
Ví dụ như nguyên tắc Đối xử quốc gia trong WTO và trong các FTA khác mà Việt Nam tham gia được áp dụng nếu doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh cùng một mặt hàng. Tuy nhiên, theo cam kết trong EVFTA, nguyên tắc Đối xử quốc gia được áp dụng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này có nghĩa là cam kết còn xét thêm các yếu tố khác, không chỉ phụ thuộc vào việc kinh doanh những mặt hàng giống nhau.
Bên cạnh đó, để mang lại Hiệp định EVFTA, tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện đúng chủ trương và định hướng của Bộ Chính trị đã cùng phối hợp với nhau bàn bạc, thảo luận và đi tới thống nhất tất cả những mục tiêu quan trọng, đặt lợi ích tổng thể, lợi ích của đất nước lên hàng đầu.
Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ cam kết mở cửa sâu và với diện các vấn đề được điều chỉnh đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực cả thương mại và phi thương mại, cả truyền thống và hiện đại, EVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành động lực giúp Việt Nam đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng và giảm nghèo.
Xung lực mới của nền kinh tế
Được đánh giá là xung lực cho nền kinh tế Việt Nam, EVFTA được đưa vào thực thi đồng nghĩa với việc cánh cổng bước vào thị trường 18 nghìn tỷ USD với 508 triệu dân đang mở rộng hơn bao giờ hết với hàng hóa của Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 – 3,25%; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, nhờ EVFTA, Việt Nam là một số ít các quốc gia có thể có tốc độ tăng trưởng dương trong tất cả các kịch bản.
Ở lĩnh vực xuất khẩu, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% trong 5 năm đầu thực thi Hiệp định. Tăng trưởng xuất khẩu đặc biệt lớn ở các ngành mà ta có thế mạnh như nhóm hàng nông sản (gạo), nhóm ngành chế biến chế tạo (dệt may, giày dép) và nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không…). Cánh cửa vào thị trường khắt khe nhất thế giới cho ngành nông sản Việt Nam cũng ngày càng rộng mở với việc EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Như vậy, ngành sản xuất trong nước càng sôi động sẽ là cơ hội cho lao động việc làm gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành gây ra những khó khăn cho nền kinh tế hiện nay, Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD với mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế. Ngoài ra, các danh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
“Điều này càng nâng cao kỳ vọng của cả hai bên vào EVFTA trong việc thúc đẩy kim ngạch thương mại Việt Nam - EU phát triển, từ đó giảm bớt phần nào tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Một điểm đáng chú ý ở Hiệp định EVFTA là các cam kết sâu và rộng trong lĩnh vực đầu tư, giúp hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư EU đến Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong nước. Theo đánh giá, Hiệp định sẽ giúp tăng thêm 146.000 việc làm/năm.
Không chỉ tăng số lượng việc làm, Hiệp định còn được dự báo sẽ giúp tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Qua đó giúp cải thiện thu nhập bình quân đầu người, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Khác với những FTA khác, khi tham gia EVFTA, Việt Nam khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm các cam kết về kinh tế đi kèm với các cam kết về bình đẳng giới, cam kết về môi trường và các cam kết về phát triển xã hội khác sẽ là điều kiện quan trọng để Việt Nam hướng tới xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững hơn.
Có thể nói, toàn cầu hóa mang lại cho các nước trên thế giới nhiều lợi ích khi tham gia vào một nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển, khi mở ra các cơ hội đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, có thêm nguồn lực để giải quyết vấn đề nghèo đói và đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Cùng với công cuộc Đổi mới, hội nhập toàn cầu là một trong những động lực chính tạo nên những thành tựu nổi bật về tăng trưởng và giảm nghèo của nước ta trong 3 thập kỷ qua.
Mà một trong những hiệp định thương mại tự do rất được kỳ vọng chính là EVFTA.
* “EVFTA chính là điểm sáng trong trong lộ trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Khi được thực thi, EVFTA sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan, đồng thời mở ra các lĩnh vực mới cho đầu tư. Với lộ trình thực hiện kéo dài một thập kỷ, EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU. EVFTA sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu với khoảng 500 triệu dân - một thị trường với tiềm năng khai thác rộng mở. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu. EVFTA cũng góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đưa quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư châu Âu ở châu Á”, ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
* “Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. Cùng đó, các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới”, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/evfta--buoc-ngoat-moi-trong-tien-trinh-hoi-nhap-506146.html