EVFTA – Cơ hội thu hút đầu tư và phát triển kinh doanh Việt Nam – Hà Lan
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến 'Giới thiệu về EVFTA - EVIPA -Thu hút đầu tư và phát triển cơ hội kinh doanh Việt Nam – Hà Lan' diễn ra ngày 9/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: 'Khi EVFTA vào hiệu lực, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan sẽ bước sang trang mới, đầy hứa hẹn và mở rộng để tận dụng lợi thế, vượt qua những khó khăn hiện tại'
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Liên đoàn Công nghiệp & Hiệp hội giới chủ Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan cũng như các cơ quan hữu quan của hai bên đã tổ chức Diễn đàn này, đáp ứng lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thứ trưởng cho biết, Hà Lan hiện là quan hệ đối tác thương mại top 2 của Việt Nam tại Châu Âu, thị trường này đóng vai trò quan trọng là cửa ngõ và là trung tâm trung chuyển hàng hóa vào thị trường châu Âu.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hà Lan đạt 7,56 tỷ USD trong năm 2019. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD, nhập khẩu từ Hà Lan đạt 661 triệu USD. 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hà Lan đạt hơn 3,83 tỷ USD, tăng 0,46% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến các nền kinh tế châu Âu rất nặng nề, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Hà Lan vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu rất lạc quan trong bối cảnh tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang EU trong 7 tháng đầu năm giảm 5,96% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, Hà Lan tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất của EU vào Việt Nam với 316 dự án, đạt 10,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp Hà Lan đang làm ăn hiệu quả tại Việt Nam, có thể kể đến như: FrieslandCampina, De Heus, Unilever, Philips, AkzoNobel, Shell và Damen. Các doanh nghiệp này đang hoạt động tại nhiều địa phương và hợp tác rất tốt với các đối tác Việt Nam.
Theo đó, hai bên có cơ hội rất lớn để tận dụng những lợi thế mà EVFTA mang lại. Có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển, là hiệp định tiên tiến nhất và đạt độ mở cửa sâu rộng nhất mà Việt Nam đạt được với một đối tác thương mại phát triển.
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam với lộ trình tối đa là 20 năm và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của EU với lộ trình tối đa là 7 năm, đặc biệt là các sản phẩm 2 bên có thế mạnh.
Cùng với hàng hóa, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư EU vào Hà Lan, khi đã tham gia 13 FTA đang đàm phán và EVIPA đang chờ có hiệu lực… Đặc biệt, EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh Việt Nam bước đầu kiểm soát tốt dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, là một trong số ít nước được World Bank dự báo tăng trưởng dương mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Hà Lan có thể khuyến khích nhiều doanh nghiệp của nước này có mặt tại Việt Nam hoặc các dự án đang hoạt động sẽ tiến hành tăng vốn, mở rộng năng lực sản xuất.
Tuy nhiên, Việt Nam và Hà Lan hiện cũng đang đứng trước một số thách thức đến từ các cuộc xung đột thương mại trên thế giới khiến sự phát triển thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng, xu hướng bảo hộ gia tăng ở một số quốc gia và cam go nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang làm các nền kinh tế toàn thế giới có nguy cơ khủng hoảng, làm thay đổi hoặc đứt gãy chuỗi giá trị; thúc đẩy dịch chuyển dòng đầu tư, đa dạng hóa đối tác, thay đổi môi trường, cách thức, giá trị kinh doanh.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bày tỏ Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác Hà Lan trong những ngành của thế mạnh của Hà Lan như nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao….Đồng thời, khuyến khích hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có thể tận dụng lợi thế từ EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến thực phẩm…
“Việt Nam và EU, đặc biệt là Hà Lan đã khai thông con đường hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp hai bên cần tiếp tục phát huy thế mạnh hợp tác, phát triển với hỗ trợ của sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan Hà Lan” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Joost Vrancken Peeters, luật sư và là Chủ tịch Phòng Thương mại Hà Lan-Việt Nam (NVCC) cũng đã có bài giới thiệu về EVFTA, các ngành hàng hưởng lợi từ cắt/giảm thuế nhập khẩu và tác động đến xuất khẩu từ Việt Nam vào EU/Hà Lan và nhập khẩu từ EU/Hà Lan vào Việt Nam. Ông cũng đã báo cáo tóm tắt về kết quả nghiên cứu trực tuyến do chuyên gia tư vấn thực hiện về các nhu cầu chuyển dịch đầu tư và đa dạng hóa nguồn cung ứng; động lực và trở ngại chính cho các doanh nghiệp Hà Lan/EU đầu tư vào Việt Nam.
Còn tại hai phiên thảo luận, hai bên đã trao đổi và trả lời các câu hỏi thiết thực liên quan đến các chủ đề về Sản xuất/chế tạo/nhập khẩu/xuất khẩu/; và Logistics/Hải quan/thị thực/nhân lực.
Các chuyên gia tham gia thảo luận là những lãnh đạo doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm đã có nhiều năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, hữu ích về những chủ đề mà doanh nghiệp Hà Lan quan tâm khi mở rộng kinh doanh/ đầu tư tại Việt Nam như các lợi ích từ EVFTA, các thách thức đối với doanh nghiệp Hà Lan khi đầu tư vào Việt Nam, hay những thông tin hữu ích và hỗ trợ của Bộ Công Thương đối với cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam…