EVFTA: Doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh khai thác thị trường ngách

Cơ hội từ EVFTA rất lớn nên doanh nghiệp Việt phải tự ý thức làm ăn bài bản, để thiết lập các quan hệ bền vững, lâu dài với EU. Đồng thời, bên cạnh việc khai thác các thị trường truyền thống, việc khai thác các thị trường nhỏ hơn, các thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là hết sức quan trọng.

Sau 10 năm đàm phán, rà soát pháp lý và phê chuẩn, Sau khi được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ hôm nay (ngày 1/8).

Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á. Đồng thời, đây cũng là hiệp định tiên tiến, mở cửa nhất Việt Nam từng tham gia với những cam kết thuận lợi chưa từng có.

Hai bên cam kết xóa bỏ gần như tất cả dòng thuế theo lộ trình 7-10 năm. Số ít dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%. Đồng thời, EU và Việt Nam cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ và đầu tư hấp dẫn như tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, logistics... và những lĩnh vực mới như mua sắm chính phủ, thương mại và phát triển bền vững...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao công hàm thông báo phê chuẩn EVFTA cho Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti ngày 18/6. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao công hàm thông báo phê chuẩn EVFTA cho Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti ngày 18/6. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Tại diễn đàn trực tuyến thương mại và công nghiệp với đối tác liên minh châu Âu "EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững" diễn ngày 31/7 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho biết, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ hôm nay sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường.

Đồng thời, cũng giúp các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế hơn ở Việt Nam để phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường vốn được coi là năng động nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ của khu vực. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều thách thức nên doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt để tránh mắc phải những vi phạm giúp việc thực thi hiệp định đạt hiệu quả.

Bà Nguyễn Hoàng Thúy - tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển cho biết, trong 27 nước thành viên EU, thì các doanh nghiệp Việt chỉ mới tập trung khai thác một số thị trường các nước Tây Âu truyền thống và vẫn còn bỏ ngõ các nước khác trong khu vực. Trong khi theo đánh giá về tiềm năng xuất khẩu của Trung tâm thông tin thương mại ITC, đây là những thị trường còn nhiều dư địa xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Thúy phân tích, cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa qua cho thấy rõ một điều, trong bối cảnh toàn cầu nền kinh tế phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống đem lại rủi ro lớn, việc đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và chuỗi cung ứng sẽ là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro.

“Do đó, khi EVFTA đi vào thực thi, bên cạnh việc khai thác các thị trường truyền thống, việc khai thác các thị trường nhỏ hơn, các thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hết sức quan trọng”, tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Thụy Điển nói.

Việc khai thác các thị trường nhỏ, thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là hết sức quan trọng.

Việc khai thác các thị trường nhỏ, thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là hết sức quan trọng.

Còn Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU - Trần Ngọc Quân khuyến nghị Việt Nam cần quản lý chặt chẽ doanh nghiệp và hàng xuất khẩu sang EU, đảm bảo không có doanh nghiệp nào lợi dụng cơ hội FTA để đưa hàng không phải của Việt Nam vào EU. Đồng thời, EU đang triển khai CO điện tử và tự chứng nhận CO, Việt Nam nên bắt kịp chuyển đổi số trong EVFTA để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần tăng cường hậu kiểm.

Theo ông Quân, đối với doanh nghiệp nước ta, cơ hội từ EVFTA rất lớn nên mỗi doanh nghiệp phải tự ý thức làm ăn bài bản, để thiết lập các quan hệ bền vững, lâu dài với EU.

Bên cạnh đó, nên có tinh thần bảo vệ mình và ngành của mình, không nên tham gia vào các hành vi gian lận thương mại, chuyển tải hàng hóa để nước khác trục lợi từ EVFTA. Đây là cơ hội cho các mối quan hệ kinh doanh lâu dài, bền vững.

“Hiện nay EU đẩy mạnh việc kiểm soát các hành vi gian lận thương mại. Do vậy, các Hiệp hội cần có vai trò hơn đối với các doanh nghiệp của ngành mình, phát hiện xu hướng tiêu cực tại doanh nghiệp để phối hợp với cơ quan chức năng sớm có biện pháp”, ông Quân cho hay.

Trong những năm qua, EU là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên gần 56,5 tỷ USD vào năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN và là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Khảo sát mới nhất trong Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy 74% lãnh đạo doanh nghiệp thành viên nhận định EVFTA sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian ngắn. Về dài hạn, tỷ lệ đánh giá tích cực lên đến 90%.

Phạm Đức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/evfta-doanh-nghiep-viet-can-day-manh-khai-thac-thi-truong-ngach/20200801100529194