EVFTA: Đường rộng có dễ đi?

Tham gia ký kết các FTA có nghĩa là Việt Nam đã bước vào 'sân chơi lớn', chấp nhận đương đầu với khó khăn, thách thức với kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam 'thay da đổi thịt'. Nhưng đường mới liệu có dễ đi?

Bài liên quan

Cánh cửa nào cho hàng Việt?

“Made in Vietnam”: Những khoảng trống cần được lấp đầy!

Biết mình, hiểu bạn - Phần thắng của hội nhập

Nỗi niềm doanh nghiệp

Nên có cách tiếp cận phù hợp với thị trường EU

Đâu là những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt khi mang những sản phẩm của mình tới xứ người? Nhà báo và Công luận xin ghi lại ý kiến của một số chuyên gia kinh tế xung quanh những trăn trở này.

TS. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế:

“Cần thêm các nông sản chất lượng mang thương hiệu Việt Nam”

Chúng ta đề cập tới nông sản Việt nhưng chưa đề cập tới kinh tế số, thương mại điện tử cho lĩnh vực này. Vì vậy trong thời gian tới cần phải nhanh chóng kết nối một chuỗi giá trị để đem lại hiệu quả cho ngành xuất khẩu, đưa Việt Nam thành 1 nước phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Tôi đề nghị chúng ta nên có một chủ đề về: “Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số trong nông nghiệp và nông thôn” để thúc đẩy xuất khẩu, bởi vì bây giờ muốn xuất khẩu mà cứ đi theo con đường truyền thống thì sẽ rất xa so với xu hướng hiện nay. Nếu chúng ta nhìn vào bức tranh xuất khẩu có thể thấy xuất khẩu sang EU cần phải có kết nối qua thương mại điện tử, chúng ta phải kết nối thành một chuỗi giá trị và bảo đảm chất lượng ổn định và giám sát được.

Thậm chí là chúng ta lắp camera để đối tác các nước biết được quy trình sản xuất. Tôi cho rằng, cơ hội của các hiệp định thương mại đối với nông sản của chúng ta là rất lớn, cho nên chúng ta hãy đẩy mạnh thương mại điện tử, kinh tế số và chất lượng của hàng nông sản Việt Nam, giảm bớt các thủ tục, giảm bớt chi phí như vậy sẽ đưa được nông sản của chúng ta ra thị trường nước ngoài.

Không phải công nghiệp, nông nghiệp và du lịch mới là mũi nhọn của ngành kinh tế Việt Nam. Tại thị trường CPTPP nói riêng và thị trường quốc tế nói chung, Việt Nam với xuất phát điểm là nước nông nghiệp nên lĩnh vực này gần như luôn theo sau trong mọi lĩnh vực công nghiệp hóa, số hóa, trí tuệ nhân tạo AI… Do đó, Chính phủ từ lâu đã duy trì quan điểm ưu tiên ngành nông nghiệp, tận dụng nguồn lực và lợi thế cạnh tranh trong nước. Nông nghiệp và du lịch là hai thế mạnh gắn bó chặt chẽ trong cơ cấu ngành, đặc biệt là khi ngành du lịch ẩm thực Việt Nam đa dạng, gây ấn tượng lớn với bạn bè quốc tế.

Để làm được điều này, trước mắt theo tôi cần chú ý đến 3 vấn đề: Thứ nhất, cần ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dây chuyền công nghệ, giống, bảo quản, làm sạch nông sản..., qua đó đa dạng hóa và hoàn thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường quốc tế.

Thứ hai, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng từ cơ cấu Chính phủ cho đến doanh nghiệp, cập nhật những tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất để vực dậy nền tảng quốc gia có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam. Tăng cường trao đổi, liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố kỷ luật, giám sát sản xuất đồng bộ, đúng quy trình, xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng Việt Nam.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV:

“Chú trọng xây dựng quy trình sản xuất an toàn, thân thiện môi trường”

Để hội nhập, theo tôi cần phải tập trung xử lý nhiều vấn đề lớn, trong đó cần tập trung vào 4 nhóm sau: Thứ nhất, phát triển hệ thống thông tin thị trường xuất khẩu; tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý thông tin và xúc tiến thương mại thực chất, hiệu quả, tránh theo phong trào. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển, cho khả năng chi phối thị trường và cho thành công của DN. Việc thu thập thông tin thị trường cần được thực hiện bài bản trên cơ sở khoa học và liên tục cập nhật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng giới thiệu hàng hóa để thâm nhập thị trường nước ngoài đồng thời xây dựng, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu hàng hóa và thương hiệu doanh nghiệp; phát triển thương hiệu quốc gia, kết hợp hình ảnh quốc gia với các sản phẩm đặc thù và có thế mạnh của Việt Nam. Theo đó, cần chú trọng quảng bá thông tin về doanh nghiệp, đối tác chiến lược, sản phẩm chủ lực; trong đó cần đầu tư xây dựng và vận hành website bằng cả tiếng Anh.

Thứ hai, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá về thị trường, các doanh nghiệp cần chú trọng đến xuất xứ hàng hóa, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng. Đối với các nước tham gia CPTPP hay tham gia ký kết các hiệp định thương mại đều là những thị trường có yêu cầu và tiêu chuẩn cao về xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm tương đối chặt chẽ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý về quy trình sản xuất an toàn, thân thiện môi trường, có khả năng truy suất nguồn gốc hàng hóa dễ dàng, đặc biệt chú trọng đầu tư cho các khâu trong chuỗi giá trị, từ sản xuất, đến chăm sóc, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nhằm đảm bảo cho chất lượng hàng hóa xuất khẩu ổn định từ khâu đầu đến khâu người tiêu dùng.

Thứ ba, doanh nghiệp, người nông dân và các thành phần tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu cần chủ động nâng cao năng lực thông qua việc gia tăng mối liên kết, phát triển các hình thức hợp tác để tăng năng lực cạnh tranh, khả năng sản xuất quy mô lớn và bài bản. Ngoài ra, các hình thức liên kết, hợp tác cũng sẽ giúp cho các DN tiếp cận thông tin, đối tác, thị trường và nguồn vốn thuận lợi hơn, nhất là khi tham gia liên kết “5 nhà” nêu trên.

Thứ tư, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động, rủi ro, DN cần bám sát, theo dõi, thu thập và cập nhật thông tin về căng thẳng thương mại, rủi ro địa chính trị, về đối tác, thị trường xuất khẩu của mình; chủ động có giải pháp ứng phó như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; chú trọng quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tỷ giá, lãi suất và cần xem xét phương án thông qua các ngân hàng thương mại.

Cuối cùng, doanh nghiệp hết sức chú trọng nâng cao năng lực, nhất là năng lực quản trị tài chính, quản trị doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư, phát triển công nghệ thông tin mới có thể theo kịp, tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức thời nông nghiệp 4.0.

PGS,TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế:

“Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác”

Đối với ngành nông nghiệp, hiện có 3 thách thức lớn đang phải đối mặt đó là: Năng suất lao động thấp, tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ. Hiện Việt Nam được coi là một trong 5 vùng bị tổn thương lớn nhất về các cơn bão, áp thấp, biến đổi khí hậu (Biến đổi khí hậu mỗi năm gây thiệt hại 1-2 tỷ USD), ảnh hưởng nặng nề tới nông dân - nông thôn và Hội nhập thương mại tự do vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi trình độ khoa học công nghệ chưa cao, năng suất thấp, giai đoạn đầu khó cạnh tranh.

Ba thách thức đó của nền nông nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, không còn là vấn đề tự sản tự tiêu, mà là sản xuất để bán cho thị trường trong nước và thị trường thế giới. Đối với thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa hơn 40%, trong điều kiện hội nhập cạnh tranh gay gắt yêu cầu chất lượng cao hơn thì đây cũng là thị trường cần hết sức quan tâm. Đối với thị trường thế giới với 7,5 tỷ dân, đặc biệt 10 thị trường trong CTTPP có nhiều đòi hỏi về tiêu chuẩn, thời gian, chủng loại, chất lượng rất khắt khe, do đó cần phải thay đổi tư duy để sản xuất, tiêu thụ cho phù hợp.

Hoàng Lâm (Ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/evfta-duong-rong-co-de-di-post67448.html