EVFTA - 'Liều thuốc quý' không dành chữa bách bệnh
Việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay có thể coi là liều 'thuốc bổ' quý giá đúng thời điểm và rất quan trọng đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Dịch Covid-19 đã khiến kinh tế, thương mại toàn cầu gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta, bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan.
Cấp cứu đúng thời điểm
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, sau hơn một tháng có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: nông sản, thủy sản, dệt may, da giày,… đã có sự tăng trưởng.
Trong tháng 8, trị giá xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 6,5% so với tháng 7 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỷ USD. Đây là mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020. 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 50 tỷ USD và mức xuất siêu cũng ở con số kỷ lục, gần 13,5 tỷ USD. Theo các chuyên gia, thành tích này có phần dấu ấn của EVFTA.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, xuất khẩu nông thủy sản vào EU tháng 8 đạt 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng trước. Đặc biệt, đơn hàng thủy sản xuất khẩu sang EU tăng tới 10% so với tháng 7. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả cũng ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Gạo là một trong số những “điểm sáng” của xuất khẩu những tháng đầu năm. Ước tính giá trị xuất khẩu gạo tháng 8 đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so với tháng 7 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 11/9 vừa qua đã trở thành dấu mốc quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam khi những lô sản phẩm tôm đông lạnh đầu tiên của nước ta đã chính thức "lên đường" đi EU theo EVFTA. Thời gian tới, các mặt hàng cà phê, chanh leo, bưởi, dừa, thanh long sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường các nước EU với những ưu đãi theo EVFTA.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị trường này trong tháng 8 đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT nhận định, ngoài gạo, rau quả tươi, thủy sản, trái cây,... EVFTA đang tiếp sức để cà phê gia tăng trị giá xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước với giá trị xuất khẩu trung bình sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua.
Thực tế số liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cũng đã cho thấy mức độ quan tâm ngày càng tăng của doanh nghiệp đối với thị trường EU. Theo đó, từ ngày 1-31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,...
Quan hệ thương mại Việt Nam-EU phát triển mạnh mẽ trong một thập kỷ qua, từ năm 2009 - 2019, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 13,7 lần, lên mức 56,45 tỷ USD năm 2019, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần.
Bộ NN&PTNT ước tính, nếu nỗ lực và không có biến động lớn của tình hình thế giới, khả năng cao trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm 2020 đạt kế hoạch khoảng 40-41 tỷ USD.
Về cơ bản, Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với trị giá nhập khẩu chiếm 8,4% tổng trị giá nhập khẩu hằng năm. Điều đó cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường EU vô cùng lớn.
Không thể chữa bách bệnh
Tuy vậy, Hiệp định EVFTA cũng chưa thể giúp các mặt hàng khác phục hồi. Đơn cử như ngành da giày, Trước nay, EU vốn là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam, chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 8 tháng đầu năm nay ước đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Hay như dệt may, 8 tháng năm 2020, dệt may đóng góp gần 22 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, song vẫn giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2019. Bộ Công Thương dự báo, từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày và dệt may sẽ tiếp tục gặp khó, bởi đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có. Tương lai tăng xuất khẩu các mặt hàng này vào EU phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của các nước châu Âu, mặc dù động lực lớn nhất cho tăng trưởng của các ngành này lại chính là EVFTA có hiệu lực.
Mặt khác, EU là thị trường đòi hỏi rất cao với các điều kiện gia nhập không hề dễ dàng như yêu cầu về kỹ thuật, hàng hóa chất lượng cũng như các yêu cầu đảm bảo về lao động, môi trường... Đó là các yếu tố mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cải thiện rất nhiều mới có thể đáp ứng. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin về EVFTA còn rất hạn chế, mô hình, phương thức sản xuất gia công là chủ yếu...
Còn đối với các mặt hàng nông sản, để có thể tận dụng được tối đa những cơ hội và lợi thế của Hệp định, các doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và một số tiêu chuẩn khác. Khi dịch Covid-19 xảy ra, người tiêu dùng EU ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững, ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.
Đặc biệt, các doanh nghiệp thủy sản cần chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… để đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA. Việc vẫn bị Hội đồng châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với thủy sản cũng là rào cản vô cùng lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Được biết, hiện Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các FTA khác với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết FTA với Việt Nam…
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, doanh nghiệp Việt không nên xem EVFTA là “cứu cánh” mà chỉ nên xem những ưu đãi từ Hiệp định là yếu tố hỗ trợ. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội lực và sự cố gắng không ngừng của doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh cần liên kết với nhau để tạo nên quy mô lớn hơn hoặc tham gia vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của châu Âu.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà EVFTA đem lại để có thể phát triển. Có như vậy, hàng Việt mới có thể tiến sâu vào thị trường EU, mở rộng thị phần và xuất khẩu bền vững.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/evfta-lieu-thuoc-quy-khong-danh-chua-bach-benh-123906.html