Evgenia Kostrikova - nữ đại đội trưởng xe tăng quả cảm
Chọn nghề binh nghiệp, Kostrikova là một trong ba nữ quân nhân tốt nghiệp trường sĩ quan thiết giáp của Liên Xô
Mồ côi với một người cha còn sống
Mẹ mất sớm, bố đi bước nữa và quá bận vì công việc, không có thời gian để mắt đến con gái, cô bé Evgenia Sergeyevna Kostrikova (con gái của Sergei Mironovich Kirov (họ thật là Kostrikov) - Bí thư thứ nhất Thành ủy Leningrad) phải sống trong một trại trẻ. Số phận run rủi, năm 13 tuổi, cô mồ côi luôn cả bố, do ông bị ám sát. Năm 1938, theo học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Moscow mang tên Bauman, nhưng Evgenia không có ý định trở thành một nhà khoa học hay kỹ sư.
Nhiều cô gái và chàng trai mơ ước được mặc quân phục, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc đã háo hức gia nhập quân đội và Evgenia Kostrikova cũng không là ngoại lệ. Kostrikova rất muốn được cống hiến và thể hiện, nhưng chính chiến tranh đã trở thành bi kịch cá nhân đối với cô. Trong chiến tranh Liên Xô - Phần Lan năm 1940, khi biết chiếc xe tăng mang tên người bố - "Sergey Mironovich Kirov" sẽ chiến đấu với người Phần Lan, Evgenia đã mơ ước được tham gia chiến đấu với kẻ thù trên chính chiếc xe tăng đó.
Từ Moscow đến Kursk
Khi chiến tranh chống quân Đức xâm lược nổ ra, Evgenia tốt nghiệp khóa y tá loại xuất sắc (nhờ đó, cô đã được trao huy chương “Vì Lòng dũng cảm”) và tình nguyện ra mặt trận. Y tá Evgenia Kostrikova được phân về trung đội quân y của một tiểu đoàn xe tăng độc lập. Trong các trận chiến đấu bảo vệ Moscow, cô băng bó và sơ tán các chiến sĩ bị thương dưới hỏa lực dày đặc của kẻ thù. Sau những trận đánh khó khăn năm 1942, Kostrikova đã được tặng Huân chương Sao Đỏ.
Nhưng thử thách khắc nghiệt hơn vẫn là trận đấu tăng lớn nhất lịch sử - tại vòng cung Kursk, vào mùa hè năm 1943 - nơi mà trong một trận đánh, Evgenia đã phải kéo những người lính bị thương ra khỏi những chiếc xe tăng đang cháy, cứu sống hai mươi bảy người…, cho đến khi cô bị thương nặng bởi một mảnh đạn. Với thành tích này, Evgenia đã được tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại hạng 2, và sau khi bị thương - Huân chương Chiến đấu Cờ Đỏ.
Lập được nhiều thành tích, được đồng đội và đồng nghiệp nể trọng, nhưng Evgenia vẫn luôn mơ về xe tăng. Mong ước của cô dường như viễn vong vì không phải ngẫu nhiên mà phụ nữ không được chấp nhận tham gia kíp lái xe tăng - để đạp bàn đạp của bộ ly hợp chính xe tăng T-34, đòi hỏi một lực hai mươi lăm kg. Evgenia bướng bỉnh nhiều lần xin nhập học tại Trường tăng Kazan nhưng đều bị từ chối.
Chỉ với sự can thiệp của Nguyên soái Kliment Efremovich Voroshilov - người quen cũ của cô (có tài liệu nói là Đại tá A.P. Ryazansky - Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn), nhà trường đã buộc phải nhận trung úy Evgenia Kostrikova làm học viên. Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, khoảng 20 phụ nữ Liên Xô đã trở thành lính tăng, nhưng chỉ ba người được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này, trong đó có Kostrikova, và cô trở lại mặt trận.
Kết thúc tại Prague
Evgenia Kostrikova không chỉ là một người lính tăng thực thụ mà còn làm một nghề trong lực lượng thiết giáp Hồng quân chưa có tiền lệ tương tự tại thời điểm đó - Thượng úy Kostrikova trở thành chỉ huy một trung đội xe tăng của Quân đoàn Cơ giới Cận vệ số 5. Kostrikova đã chiến đấu ở Ukraine, và vào tháng 1/1945, khi Quân đoàn được điều đến Mặt trận Ukraine 1, cô tham gia vào chiến dịch tấn công Vistula-Oder.
Sau đó là những trận đánh giành Berlin. Vào thời điểm này, Evgenia Sergeevna đã là Đại úy, chỉ huy của một đại đội xe tăng. Trên tờ báo Krasnaya Zvezda các phóng viên đã nhiều lần viết về Đại đội trưởng xe tăng dũng cảm Kostrikova. Đầu tháng 5/1945, những chiếc T-34 của Quân đoàn Cơ giới Cận vệ số 5 đã đột kích táo bạo qua dãy núi Ore để hỗ trợ Prague (Tiệp Khắc) nổi dậy. Nhờ tham gia vào các chiến dịch Berlin và Prague, Evgenia Sergeyevna đã được trao tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất.
Cuộc đời không suôn sẻ
Cuộc sống cá nhân của con gái Kirov không thật suôn sẻ, và nghịch lý thay, chính nguồn gốc con ông cháu cha của cô đã gây ra điều đó. Trong chiến tranh, cô đã kết hôn với một viên đại tá tham mưu - người đã lợi dụng gốc gác của vợ mình để thăng tiến. Sử dụng các mối liên hệ của vợ, dễ dàng có được quân hàm cấp tướng, nhưng sau năm 1945, anh ta lặng lẻ trở về với gia đình hợp pháp mà anh ta luôn giấu kín.
Evgenia Sergeevna đã rất khó khăn vượt qua cú xốc này. Một người phụ nữ trung thực và mạnh mẽ không thể dung thứ hành động như vậy từ phía một người đàn ông đã nguyện thề mãi mãi bên nhau. Kostrikova không có con, và quyết định sống một mình, không muốn vướng bận với người đàn ông nào nữa.
Sau chiến tranh, Đại úy cận vệ Evgeny Sergeyevna Kostrikova xuất ngũ, trở thành người nội trợ, và bị lãng quên. Bà qua đời vào năm 1975, ở tuổi 54, được mai táng tại nghĩa trang Vagankovsky ở thủ đô Moscow. Đến dự đám tang người cựu chiến binh bạc mệnh đã một thời oanh liệt và trải qua nhiều tai ương, chỉ có một trong những người lính của bà - một bác sĩ quân y./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/evgenia-kostrikova-nu-dai-doi-truong-xe-tang-qua-cam-1017845.vov