EVN cần chủ động giảm giá điện khi chi phí hạ
Ngay sau khi Bộ Công Thương công bố đề xuất bảng tính giá điện mới, nhiều ý kiến lo ngại khi giá bán lẻ điện bình quân được 'chốt cứng' trên cơ sở tính đủ các chi phí đầu vào: phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý ngành… giúp ngành điện đủ vốn, tái đầu tư. Bên cạnh đó, cũng có sự băn khoăn là khi đã có lãi cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có chủ động giảm giá điện hay không.
Bộ Công Thương cho biết, theo quy định hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ được tăng giá điện nếu giá bán lẻ điện bình quân thực tế tăng từ 3% do biến động thông số đầu vào. Nhưng để chủ động trong điều chỉnh và hạn chế EVN không giảm giá điện, trong khi có thêm quyền tăng giá, Bộ Công Thương đề xuất, chỉ cần chỉ tiêu này tăng hoặc giảm từ 1%, giá điện có thể thay đổi.
Việc giữ con số 1%, Bộ Công Thương giải thích nhằm đảm bảo giá điện phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tác động tới chi phí sản xuất kinh doanh điện. Điều này tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh.
Bên cạnh đó, dù kết quả tính toán giá bán lẻ điện bình quân giảm ở bất kỳ mức nào, Bộ Công Thương khẳng định khi chi phí hạ, để đảm bảo an sinh xã hội, EVN phải có trách nhiệm chủ động giảm giá bán lẻ điện bình quân tương ứng. Thời gian giảm giá điện vào ngày 1-10 của năm ghi nhận biến động giảm giá thành.
Theo TTXVN
T.H
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/evn-can-chu-dong-giam-gia-dien-khi-chi-phi-ha/