EVN cần tăng 5% giá bán lẻ điện mới đủ bù lỗ

Năm 2023, EVN đã 2 lần tăng giá điện nhưng vẫn ghi nhận lỗ hơn 26.772 tỷ đồng, tăng 28,8% so với năm trước. Chứng khoán Rồng Việt ước tính EVN cần tăng giá bán lẻ điện thêm 100 đồng/kWh mới đủ hòa vốn.

Lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp 47.519 tỷ đồng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2023 ghi nhận doanh thuần đạt 500.719 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng doanh thu bán điện đạt hơn 498.436 tỷ đồng, chiếm 99%.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên tới 487.677 tỷ đồng, chiếm đến 95% tổng doanh thu. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng lên gần 22.686 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là lãi tiền vay.

Các chi phí sản xuất kinh doanh của EVN cũng đều ghi nhận tăng so với năm trước. Trong đó, chi phí dịch vụ mua ngoài chiếm nhiều nhất 286.412 tỷ đồng, tăng 9,7%; chi phí nguyên vật liệu cũng tăng lên 101.493 tỷ đồng, tăng 9,7%. Ngoài ra, các chi phí nhân công, tiền lương, sửa chữa.... cũng tăng nhẹ.

Năm 2023, Tập đoàn EVN cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 50% xuống còn hơn 4.065 tỷ đồng, do lãi đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, lãi cổ tức lợi nhuận, lãi chênh lệch tỷ giá đã/chưa thực hiện đều giảm mạnh.

Sau khi cân đối các khoản chi phí, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.772 tỷ đồng, tăng 28,8% so với kết quả năm 2022, tương đương lỗ thêm hơn 6.025 tỷ đồng. Trong đó, lỗ sau thuế của công ty mẹ là hơn 27.847 tỷ đồng. Lũy kế 2 năm 2022 - 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lỗ hơn 47.519 tỷ đồng.

 Giá điện bán lẻ so với chi phí sản xuất (VNĐ/kW/h). Nguồn: EVN, Chứng khoán Rồng Việt.

Giá điện bán lẻ so với chi phí sản xuất (VNĐ/kW/h). Nguồn: EVN, Chứng khoán Rồng Việt.

Tại thời điểm kết thúc năm 2023, tổng tài sản của EVN đạt 648.983 tỷ đồng, giảm hơn 17.182 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả tăng so với thời điểm đầu năm lên 452.849 tỷ đồng và chiếm gần 70% tổng cộng nguồn vốn của tập đoàn, chủ yếu ở vay nợ, thuê tài chính.

Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2023, số tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của EVN này đạt mức 9.157 tỷ đồng, tăng 23,4% so với thời điểm đầu năm, giúp tập đoàn thu hơn 3.231 tỷ đồng tiền lãi trong năm vừa qua.

Lý giải về lý do lỗ, EVN cho biết, sản lượng thủy điện - là các nguồn điện có giá thành thấp giảm mạnh so với năm 2022 (giảm khoảng 15,3 tỷ kWh) và kế hoạch đầu năm 2023 (giảm khoảng 8,7 tỷ kWh), chi phí mua điện trên thị trường điện tăng cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN dự kiến lỗ năm thứ 2 liên tiếp. Trong khi phí mua điện tăng quá cao, giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh tương ứng kịp thời nên không bù đắp được chi phí mua điện.

Trong năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có 2 lần điều chỉnh tăng giá điện tuy nhiên vẫn chưa thể bù khoản lỗ lũy kế này.

“Giá điện có tăng, cũng có thể giảm”

Ngày sau khi EVN công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2023, ngày 10/7, Chứng khoán Rồng Việt đã có nhận định về điều chỉnh cập nhật ngành điện.

Sản lượng tiêu thụ điện toàn hệ thống tiếp tục diễn biến tích cực trong năm 2024 – 2025 nhờ sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp và nhu cầu tiêu thụ điện dân dụng.

Trong nhóm các doanh nghiệp ngành điện, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá nhóm các công ty thủy điện sẽ có thuận lợi cho kết quả kinh doanh hơn các công ty nhiệt điện than.

Lý do bởi sản lượng thương phẩm của các công ty thủy điện trong chu kỳ La Nina cao hơn chu kỳ El Nino khoảng 10 - 20%. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất của các công ty thủy điện và giá bán điện của các công ty thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện.

Cụ thể, chi phí sản xuất điện/kWh các công ty thủy điện đa phần nằm ở mức 400 – 600 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với mức 1.100 – 1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than.

Sau khi quan sát số liệu thống kê và kết quả kinh doanh của EVN năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt dự báo rằng EVN sẽ cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024 - 2025 ít nhất thêm 5% (tương ứng 100 đồng/kWh) để có thể hòa vốn.

Trước đó, tháng 5/2024, EVN đã được ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng theo Quyết định 5/2024 QĐ-TTg (so với 6 tháng trước đây). Việc được điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ là dư địa để EVN bớt tạo áp lực về tỷ lệ alpha và giá bán cho các công ty thủy điện.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, theo chu kỳ 3 tháng một lần, giá điện chỉ được tăng khi các khoản chi phí đầu vào khiến giá thành điện tăng tương ứng ở các mức 3%, 5% hoặc cao hơn nữa. Việc này sẽ do từng cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh.

Nhu cầu tiêu thụ điện 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng cao

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2024 đạt 151,74 tỷ kWh, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng và tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2024:

Thủy điện: 28,63 tỷ kWh, chiếm 18,9%.

Nhiệt điện than: đạt 86,34 tỷ kWh, chiếm 56,9%.

Tua bin khí: 13,12 tỷ kWh, chiếm 8,6%.

Năng lượng tái tạo: 20,73 tỷ kWh, chiếm 13,7% (trong đó điện mặt trời đạt 13,91 tỷ kWh, điện gió đạt 6,15 tỷ kWh).

Điện nhập khẩu: 2,56 tỷ kWh, chiếm 1,7%.

Nguồn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Phương Thảo

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/evn-can-tang-5-gia-ban-le-dien-moi-du-bu-lo-post176397.html