EVN co kéo dòng tiền, vốn chiếm dụng từ nhà cung cấp tăng lên gần 3,3 tỷ USD
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 cho thấy khoản lỗ ròng 20.748 tỷ đồng đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền của EVN, đồng thời khiến các bên bán điện phải lo lắng.
Thu 100 đồng doanh thu, lãi gộp chưa đến 3 đồng
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây công bố Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 với khoản lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 20.747 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh tăng, nhưng biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 8,98% xuống 2,28% đã khiến gánh nặng lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp trở nên “quá sức” với tập đoàn này.
Doanh thu thuần cả năm 2023 đạt 463.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%, đóng góp 456.445 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng thêm gần 38.800 tỷ đồng (+9,29%), lợi nhuận gộp giảm tới 72,3% về còn 10.580 tỷ đồng. Bình quân mỗi 100 đồng doanh thu mang về, EVN chỉ thu về lại 2,28 đồng lợi nhuận gộp.
Tăng trưởng doanh thu vẫn thấp hơn nhiều chi phí giá vốn, chủ yếu do EVN mua điện với giá cao hơn cùng kỳ do hàng loạt các yếu tố đầu vào như giá than, khí đã tăng cao trong năm qua.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính giảm lãi, doanh thu tài chính cũng giảm hơn nửa, chủ yếu do thu hẹp khoản lãi chênh lệch tỷ giá. Diễn biến tỷ giá năm qua đã tác động tiêu cực đến đến các doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ, EVN cũng là một điển hình. Lỗ chênh lệch tỷ giá tăng, chi phí lãi vay cũng nhích lên đáng kể từ 13.703 tỷ đồng lên 14.504 tỷ đồng đã kéo chi phí tài chính tăng gần 24%.
Chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2022 đạt 14.380 tỷ đồng, cũng là một trong những khoản chi phí lớn của EVN. Cả năm 2022, EVN lỗ trước thuế 18.613 tỷ đồng. Sau khi trừ thêm chi phí thuế TNDN gần 2.066 tỷ đồng, lỗ sau thuế của tập đoàn này đạt 20.747 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng 14.725,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây là Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của EVN, với riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, tình hình xấu hơn nhiều.
Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm 31/3/2023, đại diện Bộ Công thương cho biết, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Còn giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 đã tăng thêm tới 9,27%, lên 2.032,26 đồng /kWh.
Với thực tế này, tổng cộng hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN đã mang lại khoản lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Cũng theo Bộ Công thương, trong năm 2022 còn 14.725 tỷ đồng chưa hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015,80 tỷ đồng; của năm 2020 với khoảng 4.566,94 tỷ đồng; của năm 2021 là khoảng 3.702,257 tỷ đồng và phát sinh trong năm 2022 là 3.440,83 tỷ đồng.
Co kéo dòng tiền trả nợ, tăng chiếm dụng vốn từ bên bán điện
Khoản thua lỗ trên cùng việc tăng chi trả các khoản nợ vay đã kéo quy mô tài sản/nguồn vốn của EVN giảm khá mạnh, từ mức 705.403 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 666.165 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ tại tập đoàn này ở mức 66,2%, cao hơn mức 64,85% đầu năm.
Cũng bởi khoản lỗ ròng 20.748 tỷ đồng, dòng tiền của EVN chịu tác động tiêu cực. Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm hơn 33.900 tỷ đồng, tương đương mức thâm hụt gần 32.075 tỷ đồng cùng kỳ, chủ yếu do chi trả nợ gốc vay. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư chỉ còn âm hơn 14.470 tỷ đồng, thâm hụt ít hơn đáng kể mức âm 55.100 tỷ đồng cùng kỳ. Nguyên bởi EVN giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản, giảm đầu tư góp vốn và giảm đáng kể khoản tiền gửi ngân hàng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn giữ được trạng thái thặng dư 47.287 tỷ đồng, qua đó đáp ứng được nhu cầu vốn, đặc biệt trong việc đảm bảo nghĩa vụ chi trả nợ gốc vay. Do đó, số dư tiền và tương đương tiền chỉ giảm nhẹ trong năm 2022, đạt xấp xỉ 38.641 tỷ đồng vào cuối năm.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2022 có được trạng thái thu nhiều hơn chi, một phần cũng nhờ EVN tích cực thu hồi các khoản phải thu trong khi tăng chiếm dụng vốn từ các nhà cung cấp.
Khoản mục phải thu dài hạn khác giảm còn gần 232.100 tỷ đồng nhờ thu hồi về 13.600 tỷ đồng trong năm 2022. Trong khi đó, khoản phải trả người bán cả ngắn và dài hạn đều tăng mạnh, thêm hơn 16.700 tỷ đồng. Đây chủ yếu là khoản tiền EVN nợ các doanh nghiệp sản xuất điện do mua chịu chưa thanh toán và một số nhà thầu đang thi công dự án.
Đến cuối năm 2022, EVN còn phải trả các bên cung cấp 79.620 tỷ đồng. Trong đó, 30% (khoảng 1 tỷ USD) là nợ phải trả người bán là bên liên quan (công ty con, công ty liên kết…) của EVN. Con số này cao gấp hơn 2 lần thời điểm đầu năm.
Theo cập nhật ở thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp là bên bán điện cho EVN cũng phản ánh tình trạng chưa thể thu hồi công nợ từ tập đoàn.
Khó khăn của EVN đang tạo ra hiệu ứng domino ảnh hưởng đến các bên khác. Tại cuộc họp đầu tháng 7/2023, PV Power (công ty con của PVN) cho biết số tiền do EVN nợ đọng xấp xỉ 13.000 tỷ đồng và là yếu tố đang gây khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp điện này.
Đối với các doanh nghiệp điện không có bộ đệm vốn mạnh hay chỉ qua giai đoạn đầu tư, việc bị chiếm dụng vốn ảnh hưởng càng rõ ràng hơn. CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam chậm thanh toán cả nợ lãi và gốc hồi cuối tháng 6. Một trong 6 nguyên nhân lãnh đạo công ty này chỉ ra là do EVN chậm thanh toán tiền. Với không ít nhà đầu tư khác, tài chính của EVN gặp khó khăn dẫn tới thanh toán chậm đã khiến lợi nhuận trên thực tế bị ảnh hưởng so với tính toán trên sổ sách.
Mặc dù theo tính toán, giá điện phải tăng 10% mới đủ để bù đắp khoản lỗ và có nguồn lực cho đầu tư các dự án mới nhưng thực tế, giá bán lẻ điện bình quân chỉ được điều chỉnh tăng thêm 3%, lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày ngày 4/5/2023 chỉ giảm bớt chút ít mức độ trầm trọng về tài chính của EVN.
Theo tính toán, EVN chỉ thu thêm được khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2022 từ tăng giá bán lẻ điện bình quân và rõ ràng chưa thể bù đắp lại những khó khăn đã diễn ra trong năm 2022, chứ chưa nói tới việc hạch toán gần 15.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đang được treo lên như trên.
Ý kiến kiểm toán ngoại trừ do chưa thu thập đầy đủ tài liệu về BCTC của Tư vấn Xây dựng điện 1
Deloitte - đơn vị thực hiện kiểm toán đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ cho báo cáo tài chính năm 2022 của EVN. Nguyên nhân bởi kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ tài liệu thích hợp về số liệu báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1) - công ty con do EVN sở hữu 54,34% vốn điều lệ.
PECC1 là một trong 17 công ty con do EVN sở hữu cổ phần với tỷ lệ chi phối (trên 50%).
Hai trong ba tổng công ty phát điện của EVN đã chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần. Sau cổ phần phần hóa, tỷ lệ sở hữu của EVN tại các tổng công ty này vẫn ở mức cao, lần lượt là 99,19% tạo EVNGENCO3 (PGV) và 99,87% tại EVNGENCO2 (GE2).
Hiện các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức Báo cáo quyết toán cổ phần hóa của cả hai tổng công ty. Đây cũng là một trong các nội dung Deloitte nhấn mạnh tại báo cáo tài chính năm 2022.