EVN đề nghị bổ sung thêm lượng than cấp cho điện
EVN đề nghị Tổng công ty Đông Bắc tìm kiếm các giải pháp để bổ sung thêm lượng than cấp cho điện theo nhu cầu huy động của hệ thống các tháng sắp tới.
Tại cuộc họp với Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực EVN cho biết, thời gian tới, thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài ở miền Bắc, kèm theo điều kiện thủy văn không thuận lợi nên dự kiến các nhà máy nhiệt điện (than, dầu, khí) sẽ huy động rất cao để đảm bảo cung cấp điện.
Cụ thể, tổng sản lượng dự kiến huy động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than antracite của EVN trong hai tháng 6, 7 là 12,33 tỉ kWh, tương ứng nhu cầu than cần sử dụng là 6,03 triệu tấn than.
Nhưng tổng khối lượng theo hợp đồng đã ký với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là 4,388 triệu tấn, còn thiếu khoảng 1,642 triệu tấn so với kế hoạch. Trong đó, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Tổng công ty Phát điện 3) dự kiến chủ động bổ sung được khoảng 600.000 tấn trong tháng 6 và 7. Như vậy, khối lượng than còn thiếu khoảng 1 triệu tấn cho các nhà máy còn lại của EVN (khoảng 600.000 tấn trong tháng 6 và 400.000 tấn trong tháng 7).
Trước tình hình trên, EVN đề nghị Tổng công ty Đông Bắc thực hiện cung cấp than theo đúng hợp đồng đã ký kết, cấp bù khối lượng than còn thiếu theo hợp đồng ngay trong tháng 6. Đồng thời tìm kiếm các giải pháp để bổ sung thêm lượng than cấp cho điện theo nhu cầu huy động của hệ thống các tháng sắp tới, trong đó giảm than cấp cho các khách hàng tiêu dùng khác để tăng lượng cấp cho sản xuất điện.
Trong tháng 5, Tổng Công ty Đông Bắc đã cấp 687.560 tấn than cho các nhà máy của EVN, chưa bao gồm 5% khối lượng tăng thêm. Từ ngày 12/5 tới nay, tất cả các tổ máy nhiệt điện sử dụng antracite đã vận hành tối đa theo yêu cầu của hệ thống, không có tổ máy nào ngừng/giảm công suất do thiếu than. Trong tháng 6 (từ ngày 1 đến ngày 11/6), Tổng công ty Đông Bắc đã cấp tới các nhà máy của EVN là 147.000 tấn, bằng 21,4% khối lượng hợp đồng.
Miền Bắc tăng cắt điện trở lại
Hiện, tình hình cung ứng điện tại miền Bắc vẫn rất căng thẳng, gặp nhiều khó khăn do nhiệt điện than liên tục gặp sự cố, còn các hồ thủy điện vẫn cạn nước, chỉ phát điện cầm chừng. Trong ngày 12/6 đã có 5 nhà máy nhiệt điện than khu vực Miền Bắc bị sụt giảm công suất (Hải Phòng, Quảng Ninh, Mông Dương 1, Cẩm Phả, Thái Bình 2, Sơn Động), tổng sự cố dài ngày 2.100 MW, tổng sự cố ngắn ngày 580 MW.
Về thủy điện, thời gian vừa qua do hạn chế huy động các nhà máy thủy điện lớn đa mục tiêu (ngoại trừ nhà máy thủy điện Hòa Bình) để dự phòng các ngày nắng nóng sắp tới nên mực nước các hồ thủy điện đa mục tiêu đều đã trên mực nước chết tuy nhiên chưa nhiều. Ví dụ, mực nước hồ thủy điện Lai Châu tăng 1,2m so với ngày 11/6/2023, hồ Hòa Bình còn cách mực nước chết 22,8m.
Trong bối cảnh này, miền Bắc có dấu hiệu tăng cắt điện trở lại.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của EVN và Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), phụ tải toàn hệ thống điện ngày 12/6 đạt 817 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 401,9 triệu kWh, miền Trung khoảng 76,3 triệu kWh, miền Nam khoảng 338,2 triệu kWh. Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) cũng tăng cao hơn so với hôm qua. Cụ thể, công suất hệ thống đạt đỉnh vào lúc 14h30 đạt 40.039 MW.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn, cơ quan điện lực cho biết công suất tiết giảm điện tối đa ở miền Bắc ngày 12/6 vào khoảng 3.225 MW, con số này tăng lên so với ngày 11/6 là 2.744 MW và ngày 10/6 là 1.300 MW.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù tình hình thủy văn có thuận lợi hơn song nắng nóng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng điện cao, do đó các nhà máy thủy điện cần vận hành linh hoạt; tăng cường tích nước các hồ thủy điện. Trong khi đó, người dân, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện nhằm tránh áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nhất là ở miền Bắc.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện hiện nay.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, PVN, TKV có trách nhiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao đạt hiệu quả, khắc phục nhanh nhất các khó khăn về cung ứng điện hiện nay.
Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương trong cả nước phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục khó khăn để đảm bảo cung ứng điện.
Trong điều kiện khó khăn nhất phải điều tiết cắt giảm điện, EVN phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định và có giải pháp giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất, đời sống của nhân dân.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/evn-de-nghi-bo-sung-them-luong-than-cap-cho-dien-ar799406.html