EVN đề xuất cấp điện cho Côn Đảo bằng cáp ngầm 5.000 tỷ
Cho rằng giá thành điện gió cao, EVN vẫn đề xuất phương án cấp điện cho Côn Đảo bằng tuyến cáp ngầm vượt biển với tổng vốn đầu tư trên 4.950 tỷ đồng.
EVN vừa có đề xuất gửi Bộ Công Thương về phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bằng tuyến cáp ngầm vượt biển sau khi đơn vị tư vấn là Ban quản lý dự án điện 3 (thuộc EVN) đã rà soát nhu cầu phụ tải điện và xây dựng các phương án.
Theo báo cáo của EVN, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân của Côn Đảo giai đoạn 2015-2019 tăng 16-22%. Dự báo nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn tới, lên cao nhất hơn 27% vào năm 2025.
EVN cũng đề xuất phương án đưa điện từ Sóc Trăng ra Côn Đảo với đường dây dài 23,1 km trên bờ, cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm dưới đất 6,1 km cùng với hệ thống trạm biến áp 110 kV. Dự kiến hoàn thành năm 2025.
Trên cơ sở tăng trưởng phụ tải điện của Côn Đảo, Ban Quản lý dự án điện 3 đã đưa ra 5 phương án cấp điện. Bao gồm phát triển nguồn nhiệt điện tại chỗ; phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió trên mặt đất; điện gió ngoài khơi; nguồn điện gió ngoài khơi kết hợp nguồn diesel và mặt trời hiện hữu; hoặc kết hợp với hệ thống lưu trữ điện; cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển.
Qua so sánh các giải pháp, cơ quan tư vấn thấy rằng phương án cấp điện gió hoặc điện mặt trời mặt đất với quy mô công suất lớn sẽ chiếm dụng nhiều diện tích đất, nên không phù hợp với quy hoạch chung.
Bởi theo quy hoạch của huyện Côn Đảo được phê duyệt, quỹ đất cho công trình năng lượng có tỷ trọng thấp, chiếm 0,04% diện tích tự nhiên, tức chỉ tương ứng với 2,89 ha.
Với phương án nguồn điện gió ngoài khơi, cơ quan tư vấn cho rằng khu vực biển Côn Đảo có tiềm năng gió lớn, thuận lợi cho phát triển điện gió trên biển. Tuy vậy, nguồn điện này có tính chất không ổn định, đặc biệt là các tháng chuyển mùa. Khi gió suy yếu thì công suất, lượng điện năng cung cấp giảm tới 80-90%. Vì vậy không đảm bảo cung cấp điện liên tục.
EVN tính toán chi phí đầu tư xây dựng dự án điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2025-2029 để cấp điện cho Côn Đảo ước tính 2,91 triệu USD/MW (trước VAT) và sau đó giảm về khoảng 2,71 triệu USD/MW kể từ năm 2030. Ước tính, với chi phí đầu tư điện gió, mỗi kWh có giá thành lên tới 6.016 đồng. Nếu kết hợp với việc chạy dầu diesel, giá thành điện sẽ còn cao hơn.
Trong đó, nếu tích hợp với công nghệ lưu trữ điện (công nghệ BESS), giá thành sản xuất 1 kWh điện gió sẽ là 7.476 đồng. Trường hợp, tích hợp cả BESS và chạy dầu diesel cho các giai đoạn công suất suy giảm, giá thành sẽ lên tới 8.705 đồng/kWh, trong khi đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng tuyến cáp ngầm vượt biển thì giá thành điện năng sẽ là 2.142 đồng/kWh.
"Việc đầu tư điện gió có giá thành điện năng cao hơn nhiều so với đầu tư tuyến cáp ngầm vượt biển", EVN khẳng định.