EVN Genco 1 phải trả hơn 18 tỷ đồng cho đối tác
Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Tổng công ty Phát điện 1 (EVN Genco1)
Năm 2016, EVN Genco 1 và Công ty TNHH Vận tải biển và xuất nhập khẩu HTK ký hợp đồng mua bán và vận chuyển than. Quá trình thực hiện hợp đồng, 2 bên xảy ra tranh chấp và khởi kiện vụ việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
Đầu năm 2019, VIAC ban hành phán quyết buộc EVN Genco1 phải thanh toán số tiền 18,2 tỷ đồng; gồm 16,2 tỷ đồng chi phí lưu tàu quá hạn; 1,4 tỷ đồng chi phí chậm thanh toán và 100 triệu đồng chi phí thuê luật sư và 488 triệu đồng chi phí trọng tài.
Sau đó, EVN Genco1 đã nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết với lý do phán quyết trọng tài vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận, định đoạt của các bên.
EVN Genco1 nói gì?
Theo EVN Genco1, các bên có thỏa thuận thời hạn gửi thông báo bằng văn bản, gửi đến địa chỉ trụ sở làm việc.
Điều khoản trong phụ lục hợp đồng cũng quy định, các bên thỏa thuận, Công ty HTK được quyền yêu cầu thanh toán phí dôi nhật chậm nhất 30 ngày kể từ ngày hoàn tất việc bốc dỡ hàng. Nếu công ty không có yêu cầu, EVN Genco1 sẽ không chịu trách nhiệm với phí dôi nhật phát sinh.
Tuy nhiên, khi thực hiện hợp đồng, Công ty HTK chỉ đề nghị đối chiếu dôi nhật qua email mà không gửi văn bản chính thức qua bưu điện hoặc giao bằng tay. Đến ngày 2/3/2017, Công ty HKT mới có văn bản đề nghị thanh toán phí dôi nhật. Công văn này chỉ đáp ứng cho 4 chuyến hàng cuối. Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài cho rằng giữa các bên không có thỏa thuận về việc gửi yêu cầu bằng bưu điện hoặc giao bằng tay là trái với thỏa thuận của các bên.
Mặt khác, phụ lục hợp đồng cũng quy định hai bên thỏa thuận “thông báo sẵn sàng làm hàng” được trao không được xem là hiệu lực nếu bản sao các hồ sơ hợp lệ để thông quan không được bên bán đệ trình cho bên mua qua email hoặc fax trong vòng 5 ngày kể từ ngày vận đơn được phát hành. Như vậy, thông báo sẵn sàng (NOR) làm hàng được trao được xem xét có hiệu lực khi việc thông quan đã hoàn tất.
Theo EVN Genco1, Điều 24, Luật Hải quan năm 2014 quy định, tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ có liên quan đến hàng hóa…
Theo khoản 1, Điều 5, Thông tư 39/2015 của Bộ Tài chính quy định về trị giá hải thì trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định các phương pháp quy định tại khoản 2 điều này. Như vậy, với lô hàng thanh toán phải có chứng nhận bảo hiểm.
Ngoài ra, tại phụ lục hợp đồng quy định việc phân tích mẫu tại cảng xếp và trách nhiệm bên bán phải phát hành chứng nhận phân tích (COA). Bên yêu cầu có quyền không dỡ hàng nếu COA không đạt yêu cầu. Yêu cầu này để kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng như quyền nhận hoặc từ chối nhận lô hàng.
Tuy nhiên, hội đồng trọng tài cho rằng, hồ sơ hàng hóa nhập khẩu gồm tờ khai hàng hóa nhập khẩu, hóa đơn thương mại, giấy phép nhập khẩu (nếu có), thông báo miễn kiểm tra, kiểm dịch. Như vậy, chứng nhận bảo hiểm và chứng nhận phân tích chất lượng, khối lượng tại cảng xếp hàng không thuộc hồ sơ nhập khẩu. Việc sai sót, thiếu hồ sơ chứng nhận bảo hiểm và chứng nhận phân tích chất lượng, khối lượng tại cảng xếp hàng không ảnh hưởng đến hiệu lực của NOR.
EVN Genco1 lập luận, tại email ngày 4/12/2016, Công ty HTK đã được hướng dẫn lập bộ hồ sơ hàng hóa liên quan đến đơn bảo hiểm, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phải nêu người nhận hàng là 3 bên. Công ty HTK đã có email xác nhận và cung cấp 8/11 bộ C/O đúng yêu cầu.
Không chấp nhận hủy phán quyết
Công ty HTK cho rằng, bên yêu cầu cố tình dịch sai nhiều câu, chữ trong phán quyết để làm sai lệch sự tật, cố tình chậm trễ, thoái thác trách nhiệm.
Chẳng hạn như việc gửi yêu cầu bằng văn bản, các bên chỉ thỏa thuận “vì mục đích kịp thời của thông tin, ở đâu có quy định điều kiện này về việc gửi hay phát hành sự chấp thuận, chứng nhận, đồng ý, xác định, thông báo và yêu cầu, một bên sẽ thông báo cho bên kia bằng điện tín, qua fax hoặc email, sau đó thông tin này sẽ được gửi chính thức qua đường bưu điện hoặc trao tay”.
Hội đồng xét đơn cho rằng, các căn cứ mà bên yêu cầu nêu ra thuộc về nội dung vụ tranh chấp, thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Theo Điều 71, Luật Trọng tài thương mại, Hội đồng xét đơn không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp. Do đó, tòa án không chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.