EVN giải thích lý do tăng giá điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá điện tăng không quá 3%.

Sáng 16-5, báo Thanh Niên tổ chức Tọa đàm trực tuyến về giá điện.

Tại tọa đàm, bạn đọc Kiều Minh, quận 11 đặt câu hỏi vì sao ngành điện chọn mùa nắng nóng để điều chỉnh giá điện? Và vì sao ngành điện không tăng giá điện cho những hộ dân sử dụng trên 400kWh hay giảm số bậc thang giá điện xuống?

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết lần điều chỉnh giá điện gần nhất của EVN là vào tháng 3-2019.

Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu như phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện.. để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Tuy nhiên, 4 năm qua ngành điện chưa được điều chỉnh giá điện, EVN đã gặp nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo sản xuất kinh doanh cung ứng đủ điện. Đồng thời, EVN mất cân bằng về tài chính dù cắt giảm chi phí rất lớn.

Ông Dũng cho biết khi kết quả kinh doanh năm 2022 được kiểm toán vào đầu 2023, EVN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đề nghị cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (kiến nghị vào đầu năm).

Trước khi tăng giá điện, EVN đã có đánh giá trên các nhóm đối tượng, tổng số hộ sử dụng điện trên toàn quốc là trên 30 triệu hộ dân. Trong đó, nhóm hộ dân sử dụng trên 200kWh chiếm trên 36%, ước tính tiền điện sẽ tăng thêm 11.000 đồng/tháng. Đối với hộ sử dụng trên 300kWh/tháng chiếm 17,7% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt sẽ tăng thêm 18.000 đồng. Tiền điện tăng thêm của hộ dân tiêu thụ trên 400kWh chỉ chiếm 7,9%, tăng khoảng 27.000 đồng.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN lý giải về việc điều chỉnh giá điện. Ảnh: ĐỘC LẬP

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN lý giải về việc điều chỉnh giá điện. Ảnh: ĐỘC LẬP

Chia sẻ về giá điện 6 bậc, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết giá điện theo bậc thang nhằm sử dụng điện tiết kiệm. Hiện nay cũng đang có kiến nghị giảm bậc thang và nếu được Chính phủ cho phép thì số bậc sẽ rút xuống.

Ông Lâm cho biết để đảm bảo cung ứng điện, ngành điện đã phải huy động đủ cung cầu, và điện cũng không thể dự trữ được.

"Đã có những lúc ngành điện phải huy động điện kể cả từ dầu với giá thành hơn 5.000 đồng/kWh, trong khi giá điện bình quân 1.920 đồng/ kWh"- ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết giá điện được điều chỉnh từ năm 2019 và từ đó tới nay thị trường biến động rất nhanh và chi phí sản xuất điện đều theo chiều hướng tăng lên.

Từ năm 2019-2022, lạm phát đã tăng khoảng 10%, chi phí đầu vào của sản xuất điện, nguyên nhân vật liệu cung ứng cho sản xuất tăng khoảng 20-30%.

Giá thành điện của EVN đã kiểm toán năm 2022 tăng so với 2021 là 9,27%. Theo đó, nếu không có bù đắp chi phí cho đơn vị sản xuất thì dòng tiền của EVN bị tắc. Khi đó EVN sẽ không có điều kiện để sản xuất kinh doanh, cung ứng điện cho nền kinh tế.

Ông Thỏa cho biết theo quy định, Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh giá khoảng 3% thì không cần báo cáo, còn nếu giá điện tăng 10% trở lên phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Hiện ngành điện đã điều chỉnh không quá 3%, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/evn-giai-thich-ly-do-tang-gia-dien-post733457.html