EVN HANOI chú trọng ứng dụng công nghệ xanh
Ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng mặt trời tại Việt Nam đang là xu hướng được quan tâm, chú trọng đặc biệt, góp phần tiết kiệm điện năng cho quốc gia, giảm đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) đang tích cực áp dụng lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự chủ một phần điện năng tiêu thụ, giảm bớt áp lực cho hệ thống điện lúc cao điểm.
Trong những năm gần đây, phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời được đánh giá là rất có tiềm năng tại Việt Nam. Năm 2016, EVN HANOI đã thí điểm triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại Trung tâm sửa chữa điện nóng (Hotline) Yên Nghĩa thuộc Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội. Sau thời gian nghiên cứu cho kết quả khả quan, trong năm 2018, EVN HANOI đang áp dụng triển khai lắp đặt trên mái trụ sở cơ quan Tổng công ty, các Công ty điện lực và trạm biến áp 110kV-220kV. Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời sẽ góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Hà Nội có điều kiện tự nhiên thuộc vùng khí hậu Bắc Bộ với đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều, mùa đông lạnh, mưa ít. Nằm trong vùng nhiệt đới, Hà Nội quanh năm tiếp nhận lượng bức xạ mặt trời rất dồi dào và có nhiệt độ cao. Mùa hè diễn ra liên tục với nhiều đợt nắng nóng diện rộng, cường độ mạnh hơn trung bình các năm từ 2015 đến 2018, nhiều hơn so với các năm trước.
Theo dữ liệu thời tiết, Hà Nội có số giờ nắng trung bình hằng tháng vào khoảng 1.466,1 giờ/năm, thuộc khu vực có cường độ bức xạ mặt trời trung bình (từ 3,3 đến 4,1 kW giờ/ngày). Bức xạ trung bình của tháng là 3,85 kW giờ/m2/ngày; bức xạ cao từ tháng 4 đến tháng 9, trong đó cao nhất là tháng 4 với 4,59 kW giờ/m2/ngày; tháng 6 đạt 4,67 kW giờ/m2/ngày. Với điều kiện như vậy, bức xạ tại Hà Nội có dải nhiệt độ tương đối thích hợp cho hệ thống. Hiệu suất của hệ thống sẽ tỷ lệ nghịch với sự gia tăng nhiệt độ. Do đó, hiệu suất làm việc của thiết bị sẽ đạt ngưỡng cao và tăng tuổi thọ của thiết bị.
Nhằm đi đầu công nghệ, cũng như tiết kiệm năng lượng, cuối năm 2016, khi khánh thành Trung tâm sửa chữa điện nóng, EVN HANOI đã đầu tư lắp đặt 78 tấm pin năng lượng mặt trời 260Wp. Ðể phục vụ cho hệ thống hoạt động ổn định, EVN HANOI lắp đặt thêm hệ thống kích điện, nhờ đó, sản lượng điện từ những tấm pin đã đạt được ở mức cao nhất. Sản lượng điện tùy thuộc vào thời tiết, những ngày nắng nóng sẽ cho ra nhiều điện năng hơn so với những ngày thời tiết râm mát. Lượng điện do hệ thống sản xuất ra được đơn vị sử dụng vào việc vận hành hệ thống máy tính văn phòng, điều hòa nhiệt độ, ti-vi, bình nóng lạnh, chiếu sáng, máy bơm...
Ðiều đáng mừng là vào thời điểm ban ngày, lượng ánh sáng lớn, hệ thống pin năng lượng mặt trời không những sản xuất ra điện đáp ứng việc sử dụng trong sinh hoạt tại trung tâm mà còn dư thừa điện năng. Do đó, lãnh đạo đơn vị đã yêu cầu các kỹ sư nghiên cứu và đưa thành công điện năng lượng mặt trời lên hệ thống điện lưới quốc gia, tránh việc lãng phí nguồn năng lượng sạch này.
Nhờ có hệ thống này, mỗi tháng, trung tâm sửa chữa điện năng tiết kiệm khoảng hơn 2.150 kW giờ, tương đương từ bốn đến năm triệu đồng. Ðấy là chưa kể lượng điện từ trung tâm sản xuất ra, không sử dụng hết đã hòa lưới điện quốc gia. Các kỹ sư của đơn vị cho biết, qua theo dõi thời gian dài, họ nhận thấy hệ thống hoạt động rất ổn định, lượng điện sản xuất ra ổn định với chất lượng tốt. Lãnh đạo Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội đánh giá, hiện nay mái nhà của nhiều đơn vị, doanh nghiệp rất phù hợp việc lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để sản xuất điện, qua đó giảm đáng kể lượng điện năng tiêu thụ trong một tháng. Hơn nữa, khi lắp đặt sẽ chủ động được nguồn điện, góp phần giảm áp lực cho việc thiếu điện trong sản xuất và sinh hoạt ở Thủ đô, nhất là cao điểm mùa nắng nóng.
Mục tiêu của EVN HANOI trong việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng một phần cho hệ thống tiêu thụ của tòa nhà. Ðồng thời, tiết kiệm chi phí vận hành, tăng tính ổn định và tiết kiệm nguồn năng lượng truyền thống. Mô hình điện mặt trời nêu trên đang được EVN HANOI tích cực nhân rộng, trong đó có hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái trụ sở Công ty Ðiện lực Nam Từ Liêm. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cứ 1kW giờ điện năng tiết kiệm được sẽ giảm phát thải vào môi trường 0,6612 kg CO2. Do đó, mỗi năm, hệ thống điện mặt trời của EVN HANOI hiện nay góp phần giảm 20,481 tấn CO2 thải ra môi trường.
Hiện nay, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Theo đó, khách hàng là tổ chức, cá nhân có lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái có thể dễ dàng bán điện sau khi hoàn thành các thủ tục với các đơn vị điện lực. Sản lượng điện dư không sử dụng hết của hệ thống điện mặt trời cung cấp sẽ được cấp lên lưới điện thông qua đồng hồ đo đếm hai chiều và sẽ được đơn vị điện lực thanh toán theo các quy định, hướng dẫn của Bộ Công thương, Bộ Tài chính.
Hơn nữa, Quyết định số 11/2017/QÐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1-6-2017) về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai mở rộng đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo, góp phần giảm đến mức thấp nhất tiêu tốn tài nguyên, bảo vệ môi trường, tích cực ứng phó biến đổi khí hậu.