EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022
Đây là thông tin mới công bố của Bộ Công thương liên quan tới kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN.
Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm dựa trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện; Tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành.
Cụ thể, năm 2022, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN ghi nhận khoản lỗ khoảng 36.300 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện là gần 10.100 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ khoảng 26.230 tỷ đồng (không tính thu nhập từ sản xuất khác).
Theo kết quả kiểm tra, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá (CLTG) thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.015 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.600 tỷ đồng; năm 2021 khoảng 3.700 tỷ đồng; năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng chi phí khâu phát điện là khoảng 412.240 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là khoảng 1.698 đồng/kWh. So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng khoảng 72.850 tỷ đồng.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là khoảng 16.855 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đồng/kWh.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện khoảng 62.544 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 257,68 đồng/kWh.
Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.623 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,69 đồng/kWh.
Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 388 tỷ đồng.
Kiểm tra cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 (khoảng 2.032 đồng/kWh), tăng 9,27% so với năm 2021. Trước đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 (khoảng 1.860 đồng/kWh) tăng 1,84% so với năm 2020.
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là khoảng 243 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 khoảng 456.970 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là khoảng 1.883 đ/kWh, tăng 1,46% so năm 2021.
Đại diện EVN cho biết, năm 2022 Tập đoàn lỗ chủ yếu do chi phí điện đầu vào cao (như than, dầu, khí, đặc biệt là giá than tăng hơn 3 lần), nhiều phát sinh tăng lên. Ngoài ra, giá điện cũng chưa được điều chỉnh trong 4 năm qua.
Liên quan tới thời điểm điều chỉnh giá điện, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Việc tăng giá điện phải báo cáo Thủ tướng xem xét, tùy theo mức điều chỉnh, sẽ thuộc thẩm quyền của các đơn vị khác nhau. Nếu các yếu tố đầu vào làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên, giá điện sẽ được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm sẽ được điều chỉnh giảm.
“Theo quy định, nếu giá điện được tính toán tăng dưới 5%, thẩm quyền sẽ thuộc EVN, 5-10% thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, 10% trở lên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”- ông Trần Việt Hòa thông tin.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/evn-lo-hon-26000-ty-dong-nam-2022-1680340075099.htm