'EVN sẽ duy trì hệ thống điện quốc gia bảo đảm an toàn'
Tại cuộc trao đổi với báo chí hôm qua (7/6) về tình hình cung ứng điện, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Thủy điện Hòa Bình có thể duy trì phát điện đến 13/6
Theo thông tin ông Hòa đưa ra, hiện, về nguồn thủy điện, tính đến ngày 6/6/2023, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng 2 hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. “Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12 - 13/6” - ông Hòa nói.
Như vậy, tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc sẽ ở mức 5.000MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Do đó, tính đến ngày 6/6/2023, công suất khả dụng của thủy điện là 3.110MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Về nguồn nhiệt điện, theo ông Hòa, mặc dù nguồn nhiên liệu than cho phát điện đã được cấp tương đối bảo đảm nhưng cập nhật đến ngày 6/6/2023, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934MW, tương đương 76,6% công suất lắp.
Nói về khả năng truyền tải điện, ông Hòa cho biết, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500kV Bắc - Trung hiện luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 - 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 -17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 - 2.700MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (qua cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.
“Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh)” - ông Hòa nói.
Xử lý tiết giảm điện ra sao?
Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, trong những ngày vừa qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc. Theo đó, ngày 5/6 tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264MW. Đồng thời khẳng định, sẽ tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6/2023.
Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết, từ tháng 4 đến nay, EVN đã gặp phải khó khăn trong cung cấp điện; EVN đã báo cáo và được Thủ tướng, Phó Thủ tướng cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương tích cực chỉ đạo; Dưới dự chỉ đạo sát sao này, các đơn vị cung cấp nhiên liệu than, dầu khí đã tăng lượng cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện nhưng vì nhiều tổ máy gặp sự cố nên không thể huy động được hết nguồn điện này;
Do đó, EVN đã phối hợp với các Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc trong vấn đề tiết giảm điện trong tình thế thiếu nguồn cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. “Từ nay cho đến khi nước về hồ thủy điện, EVN sẽ duy trì hệ thống điện quốc gia bảo đảm an toàn” - ông Nhân nói.
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết thêm, do công suất khả dụng nguồn phát điện chỉ đạt 17.000MW, trong khi đó, những ngày nắng nóng cao điểm toàn miền Bắc cần trên 20.000MW. Lượng công suất tiết giảm cao nhất vào khoảng 30%, sản lượng tiết giảm trung bình cả ngày ở mức từ 6 - 10% tùy thuộc vào ngày nắng nóng hay thời tiết dịu mát.
Hiện, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đang xử lý tiết giảm điện theo Thông tư 34/2011/TT-BCT quy định về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện của Bộ Công Thương. Theo đó, A0 sẽ căn cứ vào nguồn khả dụng để phân bổ công suất cho EVNHANOI và EVNNPC. Từ đó, 2 Tổng Công ty này sẽ phân bổ sử dụng nguồn cho các điện lực từng tỉnh, thành; Sau khi có công suất cụ thể, điện lực địa phương sẽ xây dựng kế hoạch ưu tiên với từng đối tượng sử dụng trên nguyên tắc của Thông tư 34 và các Công ty điện lực sẽ báo cáo UBND các tỉnh, thành về kế hoạch tiết giảm điện.
Thông tin cụ thể về đối tượng tiết giảm điện, đại diện Ban Kinh doanh EVN cho biết, với mức tiết giảm 6 - 10% công suất; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) sẽ dựa trên nguyên tắc: ưu tiên phụ tải với khách hàng quan trọng đã được UBND các tỉnh, thành phê duyệt; Tiếp đến là các sự kiện chính trị; Các khách hàng còn lại sẽ tùy từng địa phương sắp xếp theo thực tế như sinh hoạt dân cư, các hoạt động dịch vụ thiết yếu, các khu vực quan trọng trong chuỗi sản xuất, cơ sở sản xuất nhiều lao động. “Tất cả kế hoạch này đều được báo cáo để các tỉnh giám sát thực hiện” - đại diện Ban Kinh doanh EVN nói.