EVN tập trung nguồn lực hoàn thành và khởi công các công trình trọng điểm
Về đầu tư xây dựng, EVN tập trung nguồn lực để hoàn thành và khởi công các công trình trọng điểm hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 7, EVN tập trung vào việc tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương về đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trong năm 2025 và giai đoạn 2026–2030.
Tập đoàn chủ động triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng các công trình nguồn và lưới điện theo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, đồng thời bám sát kế hoạch thực hiện của các địa phương.
Về đầu tư xây dựng, EVN tập trung nguồn lực để hoàn thành và khởi công các công trình trọng điểm hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bao gồm: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I, đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên cùng các trạm biến áp và đường dây 220kV, 500kV quan trọng khác.
Trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng điện, EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) để vận hành hiệu quả hệ thống điện quốc gia trong mùa lũ; bảo đảm cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho các nhà máy điện; duy trì độ khả dụng cao của tổ máy; thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn hồ đập và các công trình đầu mối.
Đồng thời, EVN cũng chỉ đạo các đơn vị truyền tải đảm bảo khả dụng tối đa của đường dây và thiết bị, tăng cường rà soát và triển khai các giải pháp giảm thiểu sự cố lưới điện.
Các tổng công ty điện lực, công ty điện lực địa phương được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để thực hiện hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, đồng thời tăng cường công tác bảo đảm an toàn điện tại các khu dân cư, khu vui chơi, nơi công cộng.
Bên cạnh đó, EVN tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2026; triển khai đồng bộ các nội dung trong kế hoạch phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu khách hàng, dữ liệu điều hành theo yêu cầu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân trong mọi tình huống, EVN kêu gọi sự chia sẻ và phối hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả – đặc biệt trong các khung giờ cao điểm trưa (13h–15h) và tối (21h–23h).Người dân được khuyến nghị sử dụng điều hòa hợp lý, chỉ bật khi thực sự cần thiết và đặt nhiệt độ từ 27°C trở lên, đồng thời hạn chế sử dụng đồng thời nhiều thiết bị có công suất lớn trong cùng thời điểm. Việc sử dụng điện tiết kiệm không chỉ góp phần giảm áp lực cho hệ thống mà còn giúp giảm nguy cơ sự cố và kiểm soát chi phí tiền điện.
Bước vào tháng 7, thời điểm chính vụ mùa lũ ở miền Bắc và khởi đầu mùa lũ tại miền Trung, miền Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp chặt chẽ với Công ty Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) để khai thác ở mức cao các hồ thủy điện đa mục tiêu tại miền Bắc, đồng thời tăng dần khai thác các hồ thủy điện ở miền Trung và miền Nam.

Lực lượng vận hành tập trung cao độ để đảm bảo sản xuất. Ảnh: EVNGENCO1
Việc vận hành được triển khai nhằm tối ưu hiệu quả các loại hình nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu về phòng lũ, đảm bảo an toàn công trình hồ đập và các công trình đầu mối.
Trong tháng 6 năm 2025, EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, EVN đã cung cấp điện ổn định, an toàn cho các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong tháng 6 đạt 28,2 tỷ kWh. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng toàn hệ thống đạt 155,79 tỷ kWh; trong đó, sản lượng ngày lớn nhất đạt 1,04 tỷ kWh, công suất lớn nhất đạt 51.672 MW. Tỷ trọng huy động các loại hình nguồn điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm như sau: thủy điện đạt 36,5 tỷ kWh (chiếm 23,4%); nhiệt điện than 84,6 tỷ kWh (54,3%); tua bin khí 10,27 tỷ kWh (6,6%); năng lượng tái tạo 20,98 tỷ kWh (13,5%) – trong đó điện mặt trời 13,63 tỷ kWh, điện gió 6,71 tỷ kWh; điện nhập khẩu 3,24 tỷ kWh (2,1%).
Sản lượng điện truyền tải tháng 6 ước đạt 22,7 tỷ kWh; lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 124,7 tỷ kWh. Công suất truyền tải tối đa qua giao diện Bắc - Trung đạt 3.959 MW và giao diện Trung - Nam đạt 5.625 MW.
Trong việcc kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực bám sát đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động dịch vụ khách hàng ổn định; thống nhất mô hình tổ chức; chuyển đổi quản lý dữ liệu, giữ nguyên mã khách hàng; cập nhật đơn vị hành chính mới.
Đến nay, tất cả các tổng công ty đã hoàn thành thống nhất mô hình tổ chức và công tác giao tiếp khách hàng; dịch vụ điện được duy trì ổn định, các hoạt động lập hóa đơn, thu tiền, chăm sóc khách hàng qua các kênh trực tuyến và tổng đài diễn ra bình thường, không bị gián đoạn.
Về đầu tư xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2025, lãnh đạo EVN thường xuyên kiểm tra tại các công trường trọng điểm, chỉ đạo xử lý kịp thời các vướng mắc, nhất là việc bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan. Một số kết quả nổi bật gồm: khởi công 2 dự án nguồn điện là Thủy điện tích năng Bác Ái và Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng; tổ chức khởi công và phát động thi đua xây dựng Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên.
EVN cũng đã khởi công 80 công trình và hoàn thành đóng điện 124 công trình lưới điện từ 110 đến 500kV, gồm các dự án quan trọng như đường dây 500kV Monsoon – Thạnh Mỹ, đường dây 220kV Huội Quảng – Nghĩa Lộ, trạm biến áp 220kV Phú Bình 2. Nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư như: các trạm 500kV Quỳnh Lưu, Ninh Sơn; đường dây 500kV Hải Phòng – Thái Bình; các đường dây 220kV Sơn La – Điện Biên, Lào Cai – Than Uyên, Long Biên – Mai Động, Hải Phòng – Gia Lộc, Hồng Ngự – Châu Đốc, Tân Sơn Nhất – Thuận An, Long Thành – Công Nghệ Cao; cải tạo đường dây 220kV Châu Đốc – Kiên Bình.

Kiểm tra, vận hành phát điện tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình. Ảnh: TTXVN
Trong việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, EVN đã hoàn thành việc tinh gọn bộ máy giúp việc Công ty mẹ: giảm số lượng ban, văn phòng; kết thúc hoạt động của 2 đơn vị hạch toán phụ thuộc; thành lập Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch trực thuộc EVN để chuẩn bị tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I. Tập đoàn cũng đã phê duyệt đề án sắp xếp tổ chức của 9 tổng công ty; hoàn thành sắp xếp các công ty điện lực đồng bộ với thay đổi đơn vị hành chính từ ngày 1/7/2025.
Về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, EVN đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ hoạt động cốt lõi với 26 hệ thống phần mềm dùng chung, tạo nên 12 kho dữ liệu chuyên ngành như: khách hàng dùng điện, đo đếm điện năng, đầu tư xây dựng, nhà thầu, giá vật tư thiết bị.
EVN cũng đã thực hiện chuyển đổi các hệ thống công nghệ thông tin theo mô hình địa danh hành chính mới và chính quyền 2 cấp; hoàn thành hệ thống quản lý thông tin khách hàng; chuẩn hóa dữ liệu khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sẵn sàng tích hợp theo yêu cầu của Chính phủ; kết nối dịch vụ công quốc gia sau thay đổi địa danh hành chính.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã có nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực với tổng giá trị khoảng 69,3 tỷ đồng, trong đó điển hình là việc tích cực tham gia tài trợ, ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở nhiều địa phương với tổng số tiền là 44,8 tỷ đồng.