EVN và sứ mệnh của ngành điện phía sau bản kết luận
Sau nhiêu năm, Điện lực Việt Nam đã thành công thực hiện 'điện đi trước một bước', thì bỗng nhiên miền Bắc bị thiếu điện từ cuối tháng 5/2023 đến nay khiến nhiều khu dân cư, doanh nghiệp, cơ quan chịu cảnh bị cắt điện, thậm chí không được báo trước.
Thử xem những nguyên nhân thiếu điện
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đang lên phương án chuyển Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn điện lực (EVN) về Bộ Công Thương. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về Trung tâm này, coi đây là nguồn cơn của mọi cảnh bị cắt điện.
Sau nhiều ngày làm việc, sáng 12/7/2023 Thanh tra Bộ Công Thương đã công bố kết luận của mình về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị liên quan (như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than-Khoáng sản).
Theo đó: Lỗ của EVN là do giá mua cao hơn giá bán, và do việc thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay vẫn chưa đi đến ngã ngũ; Còn thiếu điện, đó là do vận hành thủy điện chưa sát thực tế; do một số nhà máy nhiệt điện bị thiếu than; do nguồn điện chậm vào vận hành mà quan trọng nhất là do đầu tư xây dựng đều chậm tiến độ tới vài ba năm (như dự án Ô Môn III và IV, dự án Quảng Trạch, dự án mở rộng Trị An, dự án đường dây 500KV mạch 3...).
Với kết luận này, Trung tâm A0 đã không còn là nơi duy nhất phải gánh chịu búa rìu dư luận như những ngày đầu xảy ra cắt điện. Nhưng nguyên nhân được công bố như vậy vẫn là chưa đủ để Điện lực Việt Nam thoát ra được thực cảnh hiện nay, và tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển “điện lực đi trước một bước” để tạo nền tảng cho phát triển.
Ngược dòng thời gian, kể từ năm 1894 khi thành phố Hải Phòng là nơi có ánh sáng điện đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương, đến nay đã tròn 130 năm tuổi đời của Điện lực Việt Nam. Ở thuở ban đầu, máy phát điện ở đâu chỉ ở đó có điện, nơi khác miễn bàn, không có rắc rối gì về truyền tải điện, về lưới điện, về mạng điện, về nơi thừa nơi thiếu điện, về giá cả lên xuống và lỗ lãi về điện.
Đến nay Điện lực Việt Nam đã lớn, mạnh, trưởng thành toàn diện gấp nghìn-vạn lần, rất khó hình dung ra đối với người ở tuổi đôi tám hiện nay.
Tuy nhiên, đối với Quản lý nhà nước dù khó đến mấy cũng phải hình dung cho được đâu là Điện lực, đâu là Ngành điện, đâu là Tập đoàn điện lực (EVN), đâu là Trung tâm A0, đâu là Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), đâu là Bộ Công Thương, đâu là các bộ/ngành có liên quan đến phát triển Điện lực Việt Nam.
Nếu chỉ nhìn vào nguyên nhân của bản kết luận ngày 12/7/2023 và thực hiện giải pháp cụ thể về Trung tâm A0 thì chưa chắc đã giải được những nút thắt của Điện lực Việt để đáp ứng được những yêu cầu về tiêu dùng điện và đòi hỏi của phát triển trong những năm tới.
EVN và nỗ lực ‘điện rẻ’
EVN là một đơn vị thuộc thành phần kinh tế nhà nước, cùng với những thực thể kinh tế khác của nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển Điện lực Việt Nam. Tập đoàn này đã và đang sở hữu những tài sản cố định và lưu động lớn nhất trong Điện lực Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất điện và truyền tải điện .
Nền tảng sở hữu này cho phép Tập đoàn có vị thế cao trong kinh doanh điện tại Việt Nam. Những tổ chức quan trọng nhất của Tập đoàn là các nhà máy điện, hệ thống truyền tải điện, trung tâm điều độ hệ thống điện, tất cả đều gắn bó mật thiết với nhau như môi với răng, không thể tách rời.
Ngay từ đầu tới nay, các tổ chức đó đã gắn bó như vậy và đã tạo ra nhiều kỳ tích, nhất là làm thỏa mãn nhu cầu điện cho phát triển đất nước, cung cấp điện tới gần 99% số hộ gia đình trên toàn lãnh thổ Việt Nam bất kể là đô thị hay nông thôn, vùng sâu, vùng xa hay vùng đặc biệt khó khăn.
Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã tạo ra được nhiều lợi thế giá rẻ trong cạnh tranh toàn cầu, nhất là trong thu hút các nguồn vốn FDI thì EVN đã có đóng góp xứng đáng về “điện giá rẻ”. Tập đoàn điện lực Việt Nam xứng đáng được nhận những danh hiệu thi đua cao quí của Nhà nước.
Tuy nhiên, lịch sử như một dòng chảy, có quanh co uốn khúc. Trong khi Điện lực Viêt Nam cần tiến lên, thì Tập đoàn điện lực lại dừng lại.
Hàng loạt nút thắt cần gỡ bỏ
Về sản xuất điện, đã qua rồi thời thủy điện làm mưa làm gió; điện than bị lỗi thời thì trời lại ban cho điện gió, điện mặt trời, điện dầu khí, điện hạt nhân... Thế nhưng Tập đoàn điện lực đã bỏ qua một sự lựa chọn cần thiết và sáng suốt (dù ở mức tham mưu hay xác quyết). Kết quả là từ chỗ thừa điện phải tính đến xuất khẩu điện sang Singapore, nay rơi vào tình thế thiếu điện, cần nhập khẩu nhưng không có nơi sẵn sàng bán với giá có thể chấp nhận.
Về phân phối điện, càng tự hào bao nhiêu với đường 500kv đã được xây dựng và kịp thời đưa điện từ miền Bắc (dư điện) vào miền Nam (thiếu điện). Vậy mà giờ đây, miền Nam đang dư điện, miền Bắc thiếu điện, đành bó tay, không có cách nào chuyển điện ngược trở ra miền Bắc.
Rõ ràng, Tập đoàn điện lực đã tự thua mình so với vinh quang đã đạt được từ những thập kỷ trước. Tập đoàn Điện lực đã thực hiện một chiến lược không nên làm, chẳng những không sử dụng được các thế mạnh của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, mà còn mang tiếng là “độc quyền”, “lộng giá”, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nhập nhằng lỗ lãi…
Phê phán về những tụt hậu của Tập đoàn điện lực Việt Nam đã được in đậm trên hàng loạt trang báo và truyền khẩu từ người này sang người khác trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, một mình EVN không thể tạo ra tất cả những tụt hậu đó.
Sẽ là thiếu công bằng nếu không kể tới nền tảng của sự tụt hậu này đến từ Bộ chủ quản, cơ quan cấp trên trực tiếp của EVN. Cũng sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những bất cập của thể chế, chính sách, biện pháp quản lý của nhà nước đối với Điện lực Việt Nam, Ngành điện Việt Nam.
Chưa bao giờ Điện lực Việt Nam lại bị thách thức lớn lao như sự cố cắt điện vừa qua. Đó là sự thách thức của chiến lược “đi trước” nhưng nay lại đang đi sau; Thách thức của lợi thế “điện giá rẻ” trong thu hút vốn FDI nhưng nay lại bị cắt điện; Thách thức của thể chế xóa bỏ kinh tế Kế hoạch hóa tập trung/quan liêu/bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước” trong chiến lược điện lực.
Chung qui lại, đó là sự chưa thành công hoặc bất cập trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần do kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Theo đó, điện lực Việt Nam phải được phát triển với nhiều thành phần, trong đó EVN chỉ trực tiếp đảm nhận những gì mà các thành phần khác chưa làm, không làm, hoặc sẽ làm khi có chính sách hấp dẫn.
Thủy điện nhỏ là một dẫn chứng sinh động về phát triển điện nhiều thành phần của Việt Nam. Tuy nhiên, với điện than, điện khí thì chẳng có bao nhiêu là thuộc thành phần ngoài quốc doanh. Thậm chí điện gió, điện mặt trời thì mặc dù thành phần ngoài quốc doanh đã sớm vào cuộc nhưng nhiều “trạm gác” đã mọc ra, cản đường cho tới hiện nay, khi đang thiếu điện.
Cần giải pháp tổng thể không chỉ của ngành điện
EVN lỗ là do giá mua cao hơn giá bán. Trên thực tế đúng là như vậy, bất cứ ai tiêu tiền cũng đều biết điều đó. Nhưng tại sao lại xảy ra nghịch lý này đối với ngành điện? EVN không dại gì tự mình lại tạo ra nghịch lý này trong kinh doanh, nhất là kinh doanh dài hạn. Đây là lỗi từ các cấp trên của EVN, trong đó có cấp trên trực tiếp và các cấp trên gián tiếp. Nguồn cơn của lỗi này là từ cơ chế tập trung/quan liêu/bao cấp chưa được xóa bỏ trong ngành điện. EVN phải hạch toán kinh doanh, theo đó bao nhiêu lỗ đều do Công ty mẹ gánh hết, bao nhiên lãi đều được phân bổ cho các Công ty con.
Còn nguồn điện chậm vào vận hành thì lỗi chính là từ đầu tư công cho tất cả các ngành, không loại trừ ngành điện. Sửa lỗi này sẽ không từ một ai, từ qui hoạch/kế hoạch, đến địa điểm/đất đai, đến tài chính/tiền tệ, đến chỉ đạo/điều hành, đến thủ tục xin/cho... Cái lỗi to đùng này đã tự nó không cho phép bất cứ công trình nguồn điện nào được đi vào vận hành đúng tiến độ, không đội vốn.
Ở tuổi 130, Điện lực Việt Nam đang đạt đỉnh cao chưa từng có. Tuy đang gặp rủi ro, biểu đồ phát triển có thể đi xuống do có lỗi bộ phận, lỗi hệ thống, hoặc mắc cả hai lỗi cộng lại hoặc nhân lên, nhưng Điện lực Việt Nam vẫn còn đó một Tập đoàn hùng hậu, một lực lượng vô bờ bến của các thành phần kinh tế, một Bộ quản lý nhà nước có bề dầy thực tiễn đáng nể.
Tất cả đều phải vào cuộc. Đã đến lúc cần đến sự vào cuộc của cả hệ thống để đưa Điện lực Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.