EVNGENCO 2: Bom tấn hay… bom xịt?
Ngày 8/2/2021, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với số cổ phần tương đương gần 48,9% vốn điều lệ.
Với mức giá khởi điểm là 24.520 đồng/cổ phần, EVNGENCO2 được định giá gần 29.100 tỷ đồng. Số tiền Nhà nước dự kiến thu về từ đợt IPO này là gần 14.225 tỷ đồng.
Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp công bố giá trị doanh nghiệp tại ngày 1/1/2019 của EVNGENCO2 là 46.102 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 26.605 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện IPO của EVNGENCO 2 không muộn hơn ngày 17/2/2021 mà không phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp.
EVNGENCO2 được IPO sau khi phiên đấu giá gần 139 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) do Bộ Xây dựng sở hữu vào ngày 16/12/2020 bị hủy vì không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Nhà đầu tư không mặn mà với đợt thoái vốn nhà nước tại Hancorp, dù đây là một thương hiệu lớn trong ngành xây dựng và với quy mô bán vốn lớn, nhà đầu tư có thể chi phối doanh nghiệp.
Tình trạng tương tự liệu có xảy ra với EVNGENCO2, doanh nghiệp có tổng công suất đứng thứ 4 trong 5 tổng công ty phát điện lớn nhất cả nước và Nhà nước có định hướng giảm sở hữu xuống dưới mức chi phối?
Hiện EVNGENCO2 đang sở hữu danh mục đầu tư được đánh giá là hấp dẫn với các đơn vị thành viên như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Hải Phòng, Thủy điện Thác Mơ, Thủy điện Trung Sơn và nhiều dự án đang đầu tư mới như Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Sông Bung 2, Điện gió Công Hải 1, Điện gió Hướng Phùng 1…
Theo báo cáo tài chính quý III/2020, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, EVNGENCO2 đạt doanh thu hơn 3.348 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Tổng công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 173 tỷ đồng do chi phí bao gồm giá vốn, chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn tổng doanh thu.
Nhờ lợi nhuận khác đạt gần 605 tỷ đồng, EVNGENCO2 ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 432 tỷ đồng, gấp 6,72 lần cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, EVNGENCO2 đặt mục tiêu doanh thu 29.784 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.435 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và giảm 32% so với thực hiện năm 2019. Như vậy, sau 9 tháng, Tổng công ty mới thực hiện được 12% doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.
EVNGENCO2 có nợ vay lớn, khoản tiền trả nợ chiếm tỷ trọng cao trong dòng tiền hoạt động kinh doanh.
Đáng lưu ý, EVNGENCO2 có nợ vay lớn. Tính đến cuối năm 2019, Tổng công ty có dư nợ vay 27.960 tỷ đồng, chiếm 52,5% tổng nguồn vốn, bao gồm 3.800 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn (chủ yếu là vay dài hạn đến hạn trả) và 24.160 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Tỷ lệ này gần như được duy trì tới cuối quý III/2020. Theo đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 15.893,7 tỷ đồng, chiếm 57,4% tổng nguồn vốn.
Trong năm 2019, GENCO2 đã chi trả nợ ròng 1.822 tỷ đồng (năm 2018 là 2.321 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng khá lớn trong dòng tiền hoạt động kinh doanh (91,7% trong năm 2019 và 47,7% trong năm 2018).
Trước EVEGENCO2, có 2 doanh nghiệp điện lực lớn khác tiến hành cổ phần hóa là EVEGENCO3 và PVPower với diễn biến trái ngược.
Nếu như phiên đấu giá của PVPower thành công khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua với khối lượng cao hơn 4,9% lượng chào bán và giá trúng bình quân đạt 14.938 đồng/cổ phiếu, cao hơn 3,7% giá khởi điểm, thì phiên đấu giá cổ phần của EVNGENCO3 chỉ có khối lượng đăng ký mua đấu giá là 7,5 triệu cổ phần, tương ứng 2,8% số cổ phần chào bán.
Khác biệt về 2 kết quả IPO trên chủ yếu là do khác biệt về giá khởi điểm. Trong khi GENCO3 có giá khởi điểm là 24.600 đồng/cổ phần thì PVPOWER - doanh nghiệp có cơ cấu nguồn vốn ít phụ thuộc vào nợ hơn, quy mô tài sản nhỏ hơn, nhưng lợi nhuận năm liền trước IPO cao hơn, có mức giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phần.
Việc 2 doanh nghiệp cùng ngành, quy mô khá tương đồng, IPO gần nhau khiến nhà đầu tư có tâm lý lựa chọn doanh nghiệp có mức định giá hấp dẫn hơn.
Sau IPO, GENCO3 đăng ký giao dịch trên UPCoM từ 21/3/2018, còn PVPOWER niêm yết trên HOSE từ 14/1/2019.
Từ đó đến nay, cổ phiếu GENCO3 dao động phổ biến trong khoảng 10.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu, gần đây có diễn biến tăng, đóng cửa phiên cuối tuần qua tại 19.000 đồng/cổ phiếu. Còn cổ phiếu PVPOWER có nhiều đợt tăng giảm, trong tuần qua dao động quanh mức 14.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá của 2 cổ phiếu nhìn chung kém khả quan có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong đợt IPO của EVEGENCO2, nhưng cũng không ngoại trừ khả năng đợt đấu giá sẽ thành công trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang thu hút dòng tiền mạnh mẽ.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/evngenco-2-bom-tan-hay-bom-xit-post259524.html