EVNNPT đẩy nhanh tiến độ công trình 3 trạm biến áp miền Trung
Lãnh đạo EVNNPT đã đến kiểm tra công trường của các dự án trạm biến áp 220kV Vũng Áng, Nam Cấm và Khu kinh tế Nghi Sơn, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo vận hành an toàn.
Đây là 3 dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 1 tiếp nhận vận hành.
Dự án TBA 220kV Vũng Áng và đấu nối được xây dựng trên địa bàn phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Phần đường dây 220kV đấu nối dài 13,42 km, gồm 45 vị trí móng cột đi qua địa phận các xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Thịnh, phường Kỳ Trinh thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh.
Mục tiêu của dự án nhằm mục đích đảm bảo vận hành an toàn, nâng cao độ tin cậy cho lưới điện tỉnh Hà Tĩnh và khu công nghiệp Vũng Áng nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển phụ tải ngày càng tăng cao của tỉnh.
Theo bản quản lý dự án, hiện nay phần trạm biến áp còn 2 hộ gia đình đủ điều kiện giao đất ở có thu tiền sử dụng đất nhưng chưa có đất để giao nên chưa tháo dỡ nhà ở và vật kiến trúc. Phần đường dây đấu nối còn rất nhiều vướng mắc mặt bằng.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết, hiện nay mặt bằng dự án trạm biến áp đã cơ bản hoàn thành, đề nghị CPMB chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; tiếp tục làm việc với UBND thị xã Kỳ Anh và hội đồng bồi thường để sớm hoàn thiện khu tái định cư để có đất giao cho 2 hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Đối với phần đường dây đấu nối, cần làm việc và đôn đốc hội đồng bồi thường thị xã Kỳ Anh vận động các hộ dân tại 03 vị trí đã phê duyệt nhưng chưa nhận tiền bàn giao mặt bằng trong tháng 12/2023. Tiếp tục phối hợp các đoàn thể thị xã, hội đồng bồi thường thị xã tuyên truyền, vận động các hộ dân ở Tổ dân phố Tây Yên đồng thuận triển khai công tác đo vẽ 10 vị trí còn lại trong tháng 12/2023.
Trong công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, CPMB tiếp tục bám sát Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
Trạm biến áp 220kV Nam Cấm và đường dây đấu nối (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) có quy mô xây dựng mới TBA 220/110kV gồm 2 máy biến áp 250MVA, giai đoạn này lắp đặt 1 máy biến áp 250MVA. Phần đường dây đấu nối 220kV xây dựng mới 2 tuyến đường dây 2 mạch từ TBA 220kV Nam Cấm đến điểm đấu nối trên các đường dây 220kV Quỳnh Lưu - Hưng Đông dài khoảng 2,9km và đường dây 220kV Ba Chè - Hưng Đông dài khoảng 3,9km, tổng chiều dài khoảng 6,8km.
Mục tiêu của dự án giúp tăng cường cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Nghệ An và khu vực lân cận. Góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện cho lưới điện khu vực. Hiện dự án vẫn còn một số vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng cả ở phần trạm biến áp và đường dây đấu nối.
Phó Tổng Giám đốc EVNNPT nhấn mạnh: “Hiện nay công tác san nền phần trạm biến áp đang chậm. Việc chưa hoàn thành công tác san nền dẫn đến chưa thể triển khai được các hạng mục công việc khác. Vì vậy, CPMB cần yêu cầu nhà thầu tăng cường nhân lực, phương tiện triển khai đồng loạt các hạng mục được giao. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, cần bám sát chính quyền địa phương để sớm tháo gỡ các vướng mắc còn lại đảm bảo mục tiêu tiến độ Tổng công ty giao”.
Dự án Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đấu nối có quy mô xây dựng mới TBA 220/110 kV gồm 2 máy biến áp công suất 250 MVA. Phần đường dây đấu nối 220kV: Xây dựng mới đường dây 04 mạch, gồm 12 vị trí cột, tổng chiều dài khoảng 4,1km.
Vị trí của TBA 220kV được đặt tại khu đất đồi gần khu công nghiệp Ferocrom thuộc phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đường dây đấu nối 220kV: Hướng tuyến đường dây đi qua địa phận phường Hải Thượng, Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Ban quản lý dự án cho biết, hiện nay dự án còn 2 hộ dân chưa nhận. Lý do đề nghị được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất rừng khoanh nuôi tự nhiên. Cùng với đó còn vướng mắc trong thủ tục thuê đất.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Ngọc Tân yêu cầu CPMB tiếp tục làm việc, đôn đốc các cấp thẩm quyền sớm chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích rừng tự nhiên. Đồng thời cần phối hợp với các sở/ngành liên quan hoàn thiện thủ tục nộp tiền trồng rừng thay thế ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương; phối hợp với hội đồng bồi thường thị xã Nghi Sơn vận động 2 hộ dân còn lại nhận tiền bồi thường theo quy định phê duyệt phương án bồi thường để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.