EVNNPT: Hoàn thành thêm 3 công trình truyền tải điện vào những ngày cuối cùng năm 2023
Các đơn vị thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) vừa hoàn thành đóng điện thêm 3 công trình truyền tải vào ngày 31/12/2023.
Đóng điện Dự án Cải tạo đường dây 110kV nhiệt điện Phú Mỹ - Tân Thành thành đường dây 4 mạch hỗn hợp
Vào lúc 7h10 phút, ngày 31/12/2023, Ban QLDA các công trình điện miền Nam phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công Dự án Cải tạo đường dây 110kV nhiệt điện Phú Mỹ - Tân Thành thành đường dây 4 mạch hỗn hợp 220kV - 110kV. Tổng dự toán xây dựng toàn tuyến công trình khoảng 314,9 tỷ đồng.
Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, SPMB quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận vận hành.
Dự án có quy mô xây dựng mới đường dây dây 4 mạch hỗn hợp 220-110kV từ cột cổng 220kV sân phân phối (SPP) 220kV nhiệt điện Phú Mỹ đến vị trí T02 hiện hữu thuộc đường dây 220kV 4 mạch đấu nối vào trạm biến áp (TBA) 220kV Tân Thành, tổng chiều dài khoảng 9,7 km với 38 trụ điện. Dự án đi qua địa bàn 03 phường: Mỹ Xuân, Phú Mỹ và Tân Phước (thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Phần mở rộng ngăn lộ 220kV tại sân phân phối Nhà máy điện Phú Mỹ: Lắp mới 2 ngăn lộ thiết bị 220kV trong khuôn viên hàng rào sân phân phối 220kV nhiệt điện Phú Mỹ. -Thực hiện các giải pháp thiết kế xây dựng, điều khiển - bảo vệ - đo lường, thông tin liên lạc và SCADA đồng bộ với 2 ngăn lộ thiết bị lắp mới. Thực hiện thí nghiệm hiệu chỉnh, chỉnh định rơle tại các ngăn lộ hiện hữu có liên quan đến chuyển đấu nối tại sân phân phối 220kV Phú Mỹ (271), Tân Thành (271, 272), Vũng Tàu 2 (273)
Việc hoàn thành Dự án có ý nghĩa quan trọng đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và thị xã Phú Mỹ nói riêng, sẵn sàng giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh và đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả vận hành hệ thống điện.
Đóng điện Dự án Trạm biến áp 220kV Long Khánh và đấu nối
Sáng sớm cùng ngày, Ban QLDA các công trình điện miền Nam (SPMB) đã phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công Trạm biến áp 220kV Long Khánh và đấu nối.
Đây là công trình năng lượng cấp I, nhóm B, do EVNNPT làm chủ đầu tư, SPMB quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận vận hành.
Trạm biến áp 220kV Long Khánh nằm trên đường nội bộ của khu cao su, cách quốc lộ 56 khoảng 2,5 km. Vị trí TBA 220kV Long Khánh và tuyến đường dây 220kV đấu nối thuộc xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc và xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã được UBND tỉnh Đồng Nai thỏa thuận tại Văn bản số 13121/UBND-KTN ngày 13/11/2019.
Dự án xây dựng mới TBA 220/110kV với quy mô chính gồm: Lắp đặt 02 máy biến áp 220/110 kV - 250 MVA, giai đoạn này lắp đặt 01 máy biến áp (AT1). Lắp 2 máy biến áp 110/22 kV, giai đoạn này lắp đặt 01 máy biến áp công suất 40MVA (T3).
Lắp đặt 10 ngăn lộ 220kV, giai đoạn này lắp đặt thiết bị cho 07 ngăn lộ (bao gồm ngăn lộ tổng máy biến áp AT2); dự phòng vị trí cho 03 ngăn lộ. Lắp đặt 18 ngăn lộ 110kV; giai đoạn này lắp đặt thiết bị cho 09 ngăn lộ (bao gồm ngăn lộ tổng máy biến áp AT2); dự phòng vị trí cho 09 ngăn lộ.
Dự án còn lắp đặt hệ thống điều khiển, bảo vệ, đo lường, đo đếm, thông tin liên lạc và SCADA được trang bị phù hợp quy định của EVN, EVNNPT; tuân thủ quy phạm và các quy định hiện hành.
Phần đường dây 220kV đấu nối: Xây dựng mới 02 đoạn đường dây 02 mạch để đấu nối TBA 220 kV Long Khánh chuyển tiếp vào 02 mạch của đường dây 220kV Xuân Lộc - Long Thành, với tổng chiều dài khoảng 702 m, dây dẫn chịu nhiệt lõi composite tiết diện 421 (đồng bộ với dây dẫn của đường dây 220 kV Xuân Lộc - Long Thành).
Dự án sau khi hoàn thành toàn bộ đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải của thành phố Long Khánh nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận; Giảm tải cho các máy biến áp tại TBA 220kV Long Thành, Long Bình hiện hữu.
Đóng điện thành công 02 mạch Đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa
Trước đó, vào chiều ngày 30/12/2023, Ban QLDA các công trình điện miền Nam (SPMB) phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện thành công 02 mạch Đường dây 500kV Sông Hậu - Đức Hòa. Dự án do EVNNPT làm chủ đầu tư, SPMB quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận vận hành.
Đường dây xuất phát từ cột cổng Sân phân phối 500kV Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) điểm cuối tuyến cột cổng 500kV TBA 500kV Đức Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Dự án dài hơn 133 km, đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An.
Công trình Đường dây 500kV Sông Hậu – Đức Hòa là một trong các công trình lưới đồng bộ Trung tâm Điện lực Sông Hậu được xây dựng nhằm: Truyền tải công suất của các nhà máy điện Sông Hậu 1 và Sông Hậu 2 vào hệ thống điện Quốc gia (cùng với các đường dây 500kV khác trong khu vực như Đường dây 500kV Mỹ Tho – Đức Hòa, Đức Hòa – Phú Lâm, Đức Hòa- Cầu Bông, Đức Hòa – Chơn Thành..). Dự án sẽ làm nhiệm vụ truyền tải công suất các NMĐ khu vực miền Tây Nam Bộ về trung tâm phụ tải ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, dự án giúp tạo mối liên kết 500kV giữa các vùng trong hệ thống điện, nhằm đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng của toàn hệ thống. Dự án phù hợp với đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016.
Đại diện các Ban quản lý dự án truyền tải điện thuộc EVNNPT cho biết, trong quá trình thi công công trình, gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo của EVN/EVNNPT, sự hỗ trợ của các địa phương cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm của các đơn vị tham gia đã giúp các dự án công trình hoàn thành đóng điện như kế hoạch.
Việc đóng điện các dự án trong những ngày cuối cùng của năm 2023 sẽ góp phần nâng cao năng lực hệ thống điện; tăng cường đảm bảo điện cho các địa phương. Đây cũng là hoạt động thiết thực của cán bộ công nhân viên, người lao động ngành truyền tải điện chào mừng kỷ niệm 69 năm ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954-21/12/2023), chào mừng thành công Đại hội Công đoàn Việt Nam.