EVNSPC khuyến cáo phòng tránh tai nạn điện mùa mưa

Để hạn chế tình trạng tai nạn điện giật, dẫn đến tử vong và hư hại tài sản, người dân ở khu vực miền Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp sử dụng điện an toàn mùa mưa, nhất là khu vực sông nước.

Miền Nam hiện đang là mùa mưa nên rất dễ xảy ra tai nạn về điện, nhất là trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và trồng cây nông nghiệp. Ông Lâm Xuân Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, mặc dù các đơn vị điện lực tại 21 tỉnh thành miền Nam đã tăng cường công tác kiểm tra, phổ biến kiến thức đến người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền sông nước... về các biện pháp sử dụng điện an toàn, kỹ năng cơ bản phòng chống tai nạn về điện, tuy nhiên các sự cố về điện vẫn còn xảy ra.

Cà Mau và Sóc Trăng là hai địa phương có nghề nuôi tôm khá phát triển và tai nạn về điện gần đây thường xảy ra. Ông Đỗ Anh Duy - Phó phòng an toàn - Công ty Điện lực Sóc Trăng - cho biết, năm 2019 tại Sóc Trăng đã xả ra 30 vụ tai nạn về điện, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay có 25 vụ tai nạn về điện, gây tử vong 5 người và 4 người bị thương. Các sự cố về điện xảy ra tại địa bàn Sóc Trăng tập trung nhiều ở lĩnh vực nuôi tôm. Nguyên nhân chủ yếu do người dân sử dụng điện bất cẩn, sử dụng điện qua hình thức câu móc thiếu an toàn.

Tại Cà Mau, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 21 vụ tai nạn điện, gây tử vong 19 người, 2 người bị thương, trong đó có 3 vụ tai nạn trong hoạt động nuôi tôm công nghiệp. Ông Thiều Văn Minh - Phó giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau - thông tin, năm ngoái ngành điện đầu tư hơn 12 tỷ đồng để xóa 2.423 hộ sử dụng điện câu móc thiếu an toàn trên địa bàn trong năm nay nhưng tai nạn về điện vẫn xảy ra.

Nhân viên điện lực hướng dẫn người dân nuôi tôm cách phòng trách tai nạn về điện

Nhân viên điện lực hướng dẫn người dân nuôi tôm cách phòng trách tai nạn về điện

Tai nạn về điện trong sản xuất, sinh hoạt hiện nay được ngành điện thống kê phần nhiều do bất cẩn, sử dụng điện sai cách. Ông Thạch Kim Xa ( xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, để giảm chi phí, nhiều hộ nuôi tôm ở khu vực Thạnh Phú chỉ kéo một dây điện (dây nóng) đấu nối vào mô- tơ để quạt ô xy cho tôm, dây nguội còn lại đấu nối dẫn xuống đất nên nhiều người đã bị điện giật tử vong do chạm phải dây điện khi thu hoạch tôm, súc rửa ao nuôi hoặc khi trời mưa to.

Tại tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, hiện nay nhiều hộ dân kéo dây điện ra vườn gắn bóng đèn chong cho hoa cúc, thanh long sớm nở hoa cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn về điện, nhất là thời điểm mưa bão thất thường như hiện nay. Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 8.000 ha đất trồng thanh long và dùng hàng triệu bóng đèn để cho thanh long nở hoa ngịch vụ. Do tiện lợi và giảm một phần chi phí, nhiều bà con thường đấu nối bóng đèn với dây điện bằng gim sắt, bỏ dây điện trên mặt đất rất dễ xảy ra rò rỉ điện và dẫn đến tai nạn.

Tuyên truyền lắp đăt đường dây điện an toàn

Tuyên truyền lắp đăt đường dây điện an toàn

Nhằm hạn chế tai nạn về điện trên những thửa ruộng ở tỉnh Tiền Giang, ngành điện lực đã khuyến cáo người dân trồng thanh long không dùng ghim thép, đinh ghim xuyên vào lõi dây dẫn điện để cấp điện cho bòng đèn. Thay vào đó, người dân nên sử dụng mối nối an toàn bóng đèn compact 20W, vừa tiết kiệm điện lại đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Theo ông Lâm Xuân Tuấn, tại khu vực miền Nam khi môi trường bị ẩm ướt, nhiều khu vực bị ngập sâu nên rất dễ bị rò rỉ điện, trong khi nhiều hộ dân sử dụng điện còn bất cẩn trong khi sử dụng nên rất dễ xảy ra tai nạn về điện. Để hạn chế tai nạn do điện gây ra, ngoài tiếp tục đầu tư và hệ thống lưới điện, EVNSPC đã chỉ đạo các đơn vị điện lực thành viên tại 21 tỉnh thành khu vực miền Nam tăng cường công tác tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, đúng cách đến từng hộ dân đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn điện trên địa bàn.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evnspc-khuyen-cao-phong-tranh-tai-nan-dien-mua-mua-148295.html