Theo tờ Sohu ngày 10-1, sau khi Iran phóng hàng loạt tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq hôm 8-1, Lầu Năm Góc đã điều phi đội máy bay chiến đấu số 388 với những máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35A đến Vịnh Ba Tư, trong đó có F-35A xuất phát từ căn cứ ở UAE.
Tuy nhiên, động thái điều động máy bay tàng hình của Mỹ đã không qua được con mắt trinh sát của Iran.
Để đáp trả, Không quân Iran đã quyết định điều tới 24 chiếc F-14, F-4 phối hợp với một số hệ thống radar và tên lửa đất đối không để tiến hành nhiệm vụ ngăn chặn.
Không rõ tình huống đối đầu trên không, nhưng theo thông báo của Không quân Iran, với lực lượng được huy động, không khó để Iran buộc đội bay gồm 6 chiếc F-35 của Mỹ phải đổi hướng về căn cứ ngay khi chúng vừa tiếp cận không phận nước này để tiến hành không kích.
Thành công của chiến dịch ngăn chặn này khiến Tehran tự tin cho rằng họ đủ khả năng đẩy lui bất kỳ cuộc tấn công đường không nào từ Mỹ.
Bởi bên cạnh việc nắm trong tay nhiều tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến của Nga mà nổi bật là S-300PMU2 thì Iran còn tự sản xuất được nhiều vũ khí, khí tài có tính năng rất đáng nể, trong đó có cả tên lửa siêu xa dành cho F-14.
Mỹ đã từng bán tới 79 chiếc tiêm kích hạng nặng F-14 cùng tên lửa tối tân AIM-54 cho Iran. Căng thẳng giữa Iran và Mỹ đang lên cao có nguy cơ biến thành xung đột.
Viễn cảnh những chiếc F-14 sẽ quay trở lại tấn công Mỹ không phải là không thể xảy ra.
F-14 Tomcat do Mỹ sản xuất còn có biệt danh "Mèo đực". Đây được coi là loại máy bay tiêm kích cánh cụp cánh xòe mạnh nhất thế giới.
Mặc dù Mỹ đã loại biên loại máy bay này, chặn tất cả các kênh cung cấp phụ tùng, nhưng Iran dưới sự trợ giúp của Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì thành công hoạt động của loại chiến đấu cơ nguy hiểm này.
Lẽ dĩ nhiên các vũ khí của Mỹ sản xuất được trang bị hệ thống nhận diện bạn - thù, nhưng do Iran đã thay đổi kết cấu hệ thống điện tử, nên những chiếc F-14 vẫn có thể quay lại bắn thẳng vào không quân Mỹ.
Ước tính bằng nhiều cách khác nhau kể cả việc trang bị radar do Trung Quốc sản xuất và động cơ do Nga phát triển, không quân Iran vẫn còn tới 40 chiến đấu cơ F-14.
F-14 cùng tên lửa cực nguy hiểm AIM-54 vẫn đủ sức tạo ra những tình huống bất ngờ buộc Mỹ không thể khinh suất.
F-14 Tomcat là sản phẩm của tập đoàn Grumman (nay là Northrop Grumman) phát triển cho Hải quân Mỹ. Máy bay cất cánh lần đầu vào năm 1970, được đưa vào sử dụng trong Hải quân Mỹ từ năm 1974.
Phiên bản được sản xuất đầu tiên là F-14A sử dụng động cơ TF-30, được đánh giá có lực đẩy yếu và độ tin cậy thấp.
Phi công phải sử dụng buồng đốt 2 lần để cất cánh từ tàu sân bay. F-14 phiên bản A và B được trang bị radar AWG-9 có năng lực khá yếu, những phiên bản sau được trang bị radar mạnh cho khả năng tác chiến tốt hơn.
Từ phiên bản F-14B và D, nhà sản xuất lắp động cơ GE F-110 mới có lực đẩy mạnh hơn. Phi công có thể cất cánh mà không cần sử dụng đến buồng đốt 2 lần giúp đảm bảo an toàn hơn.
Phiên bản chiến đấu cơ F-14 Iran được trang bị động cơ phản lực Saturn AL-31F (loại trang bị cho dòng Su-27SK, Su-30MK), hai loại động cơ này có lực đẩy khá tương đồng, do vậy đảm bảo được khả năng vận động cho Tomcat.
Những chiếc F-14 khi chuẩn bị cất cánh sẽ hạ thấp tối đa bánh trước nhằm tăng thêm lực đẩy khi máy phóng đẩy máy bay đi, giải pháp này tương tự như kỹ thuật bốc đầu ở trong đua xe.
F-14 Tomcat không có khả năng cơ động ấn tượng như F-16, nhưng nó có khả năng ổn định ngang rất tốt đưa nó trở thành một trong những máy bay không chiến đáng sợ trên bầu trời.
Vũ khí chính của Tomcat là 6 tên lửa AIM 54 Phoenix tầm bắn tới 190 km. Nó là tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất của Mỹ.
Những năm 1970, Iran đã quyết định chọn mua máy bay F-14 thay vì F-15. Không quân Iran đã sử dụng tên lửa Phoenix để bắn hạ máy bay Iraq trong chiến tranh Iran-Iraq, điều mà Không quân Mỹ chưa bao giờ thực hiện.
Hiện F-14 là chiến đấu cơ mạnh nhất của không quân Iran. Chúng "cái khiên" để đánh chặn tiêm kích đối phương một khi xảy ra xung đột.
Việt Hùng