Đòn tấn công đã khiến ít nhất 17 tay súng thuộc lực lượng thân Iran thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Địa điểm xảy ra cuộc tấn công tại Syria và gần biên giới với Iraq do Kataib Hezbollah kiểm soát.
Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận chiến dịch không kích là động thái trả đũa loạt vụ tấn công bằng rocket nhằm vào các cơ sở ngoại giao và quân sự Mỹ tại Iraq, khiến ít nhất hai người thiệt mạng.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong thông cáo: "Lực lượng Mỹ triển khai các cuộc không kích do Tổng thống Biden ủy quyền nhằm vào các cơ sở ở miền đông Syria do các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn sử dụng".
"Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ các binh sĩ Mỹ và liên quân. Chúng tôi hành động một cách chủ ý nhằm giảm leo thang tình hình chung tại miền đông Syria lẫn Iraq".
Quyết định tấn công nhằm vào mục tiêu ở Syria thay vì Iraq giúp giảm bớt áp lực cho Baghdad trong quá trình điều tra vụ tập kích rocket nhằm vào căn cứ Erbil hôm 16/2 khiến một số lính Mỹ bị thương.
Tại hiện trường cuộc không kích, các nhà điều tra Syria đã tìm được những mảnh vỡ của vũ khí được tiêm kích F-15E Mỹ sử dụng. "Từ những gì thu thập được có thể thấy, đây gần như chắc chắn là những tên lửa AGM-154", Kênh truyền hình Al Hadath của Saudi Arabia dẫn nguồn tin từ Syria cho biết.
AGM-154 JSOW (Joint Standoff Weapon) là vũ khí dẫn đường chính xác cao tấn công mục tiêu ngoài tầm tác chiến phòng không của đối phương, được trang bị cho Không quân và Hải quân Mỹ.
Mặc dù mang kiểu dáng của một quả tên lửa hành trình nhưng AGM-154 được xếp vào dạng bom liệng - vũ khí nổ phá không cần động cơ, nó thay đổi các đặc điểm bề mặt khí động để thay đổi đường bay so với đường đạn đạo.
AGM-154 nếu được phóng ở tầm cao có thể đạt tầm bắn lên tới 130km, còn phóng ở tầm thấp thì đạt cự ly chỉ 22km.
Nó có thể mang phóng trên các máy bay tiêm kích F/A-18, F-16, F-15, F-35 và máy bay ném bom chiến lược B-1B, B-2, B-52H.
AGM-154 dài 4,1m, đường kính thân 330mm, sải cánh 2,69m, trọng lượng 483-681kg, có thể mang nhiều kiểu đầu đạn khác nhau gồm:
Đầu đạn chứa 145 quả bom con BLU-97/B hoặc chứa một quả bom BLU-111/B.
Nó cũng có thể trang bị một đầu đạn đa tầng BROACH thích hợp để xuyên phá mục tiêu kiên cố như xe tăng, thiết giáp, công sự phòng ngự.
Hoặc loại đầu đạn chứa 6 đạn con BLU-108/B, mỗi đạn coi lại chứa 4 quả đạn nhỏ lắp cảm biến hồng ngoại tự do mục tiêu.
Loại đạn này khi được thả xuống sẽ tự phát hiện mục tiêu, và phát nổ trên không tạo luồng xuyên chọc thủng vỏ thép xe tăng, thiết giáp.
AGM-154 JSOW được dẫn bằng hệ thống quán tính INS và hệ thống định vị toàn cầu GPS, nó có khả năng hoạt động trong điều kiện ngày/đêm và thời tiết bất lợi. Biến thể AGM-154C được trang bị bộ cảm biến hồng ngoại để tìm kiếm mục tiêu trong giai đoạn cuối.
AGM-154 được chấp nhận đưa vào trang bị sớm hơn 1 năm so với kế hoạch và quá trình phát triển không gặp bất cứ khó khăn về kỹ thuật nào.
Sự ra đời của loại vũ khí này đã cho phép Không quân và Hải quân Mỹ có thêm một vũ khí đắc lực trong các chiến dịch áp chế phòng không của đối phương.
Những biến thể đời đầu của AGM-154 JSOW đã được sử dụng trong chiến dịch đánh bom Iraq năm 1998 với tên mã "Cáo sa mạc", chiến dịch không kích Kosovo năm 1999, chiến dịch "Tự do bền vững" ở Afghanistan năm 2001, chiến dịch "Tự do cho Iraq" năm 2003.
Trải qua các cuộc chiến này, AGM-154 đã chứng minh là một vũ khí cực kỳ hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu mặt đất.
Việt Hùng