F-16 có phát huy tác dụng ở Ukraine?

Lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên từ phương Tây bắt đầu được chuyển giao cho Ukraine, trong khi quân đội Nga liên tục không kích các sân bay hậu cần của Ukraine nhằm phá hủy các cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho F-16. Ngay cả khi Ukraine có những chiếc F-16 này trong tay thì cũng sẽ khó có thể vận hành chúng trong chiến đấu.

Những thách thức đối với Ukraine khi tiếp nhận F-16

Theo Reuters, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis và một quan chức Mỹ hôm 31/7 cho biết lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên đã được chuyển đến Ukraine. Tờ New York Times trước đó đưa tin Ukraine hi vọng triển khai lô máy bay tiêm kích F-16 đầu tiên được phương Tây hỗ trợ để chống lại ưu thế trên không của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (ngoài cùng bên phải) trước một máy bay chiến đấu F-16 ở Eindhoven, Hà Lan tháng 8 năm 2023. Ảnh AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (ngoài cùng bên phải) trước một máy bay chiến đấu F-16 ở Eindhoven, Hà Lan tháng 8 năm 2023. Ảnh AP

Tuy nhiên, Marina Miron thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc phòng tại King’s College London đã chỉ ra những thách thức mà Ukraine phải đối mặt khi sở hữu F-16.

Để vận hành được máy bay chiến đấu F-16, các phi công Ukraine phải đi học khóa đào tạo cấp tốc khoảng 9 tháng tại Mỹ và Châu Âu, trong khi khóa học thông thường dành cho phi công phương Tây là 3 năm. Điều đó có nghĩa là hiệu suất của phi công Ukraine sẽ bị hạn chế.

F-16 cũng cần một số lượng lớn nhân viên hỗ trợ, chẳng hạn như kỹ sư bảo dưỡng lành nghề, người nạp đạn, nhà phân tích tình báo và phi hành đoàn khẩn cấp.

Nếu muốn triển khai máy bay chiến đấu F-16, Ukraine cũng phải thiết lập một sân bay có đường băng đủ dài, mạng lưới các trạm radar, nguồn cung cấp phụ tùng thay thế và hệ thống tiếp nhiên liệu. Ngoài ra, các căn cứ này cần có nhà chứa máy bay hoặc nhà kho để chứa đạn dược, tên lửa không đối không và không đối đất cũng như nhà chứa máy bay xây bằng bê tông để đảm bảo máy bay chiến đấu không bị tiêu diệt nếu gặp phải các cuộc tấn công trên mặt đất.

Phản ứng của Nga

Quân đội Nga gần đây đã tăng cường ném bom các căn cứ không quân ở miền trung và miền tây Ukraine trong nỗ lực phá hủy cơ sở hạ tầng mà các máy bay chiến đấu F-16 cần để cất cánh và hạ cánh.

Mặc dù Ukraine giữ bí mật về nơi F-16 sẽ được triển khai nhưng Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói rằng kể từ đầu tháng 7, quân đội Nga đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo để tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn vào nhiều căn cứ không quân ở Ukraine, bao gồm Myrhorod ở miền trung Ukraine, Starokostiantinov ở phía tây và Căn cứ không quân Dorgintsevo ở vùng Dnipro. Quân đội Nga tuyên bố đã tiêu diệt một số máy bay chiến đấu của Ukraine trong cuộc không kích, nhưng các nhà phân tích quân sự cho rằng nhiều khả năng mục đích thực sự của quân đội Nga là nhắm vào cơ sở hạ tầng của các căn cứ không quân như đường băng và kho chứa.

Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Ảnh AFP

Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Ảnh AFP

Một nguồn tin công nghiệp quốc phòng phương Tây nói với AFP rằng căn cứ không quân Starokonstantinov là lựa chọn lý tưởng để triển khai F-16. Nơi này được trang bị một số hầm ngầm từ thời Liên Xô và có thể đối phó tốt hơn với các cuộc tấn công của Nga.

Trang Sputnik của Nga dẫn lời Đại tá quân đội Nga đã nghỉ hưu và là nhà phân tích quân sự Viktor Litovkin hôm 28/7nói rằng căn cứ không quân Starokonstantinov có tất cả cơ sở hạ tầng đáp ứng cho máy bay F-16. Ông giải thích rằng các cuộc tấn công liên tục của quân đội Nga vào Starokonstantinov và các căn cứ không quân khác của Ukraine có nghĩa là giới chức cấp cao của Moscow biết ý định triển khai máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine và đang rất chú ý đến động thái của các sân bay này. Ông Litovkin cho rằng mục tiêu chính của cuộc không kích là phá hủy các cơ sở liên quan. Để đạt được mục đích này, quân đội Nga có thể sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander cực mạnh để gây thiệt hại tối đa cho các sân bay quân sự Ukraine.

Tờ New York Times cho biết, để đối phó với các sân bay hậu cần này của Ukraine, quân đội Nga cũng áp dụng một chiến thuật hoàn toàn mới. Thông thường, một máy bay không người lái của Nga xuất hiện trên căn cứ không quân Ukraine mà không báo trước. Chỉ vài phút sau khi truyền dữ liệu thu được về trung tâm chỉ huy của Nga, một loạt tên lửa đạn đạo sẽ tấn công căn cứ quân sự Ukraine. Theo New York Times, Nga đã triển khai máy bay trinh sát không người lái trên bầu trời Ukraine nhưng phạm vi bay bị hạn chế. Nga chủ yếu dựa vào vệ tinh do thám để giám sát các căn cứ không quân Ukraine. Đối với các máy bay chiến đấu có thể được triển khai linh hoạt, các vệ tinh trinh sát của Nga không thể cung cấp thông tin cập nhật mới nhất về các căn cứ này theo thời gian thực.

Nhưng giờ đây chiến thuật của máy bay không người lái của Nga đã thay đổi. Người phát ngôn Không quân Ukraina, ông Yury Ignat cho biết, Nga đang cải tiến phương thức chiến đấu của máy bay không người lái trinh sát, “để chúng tôi không thể can thiệp bằng tác chiến điện tử”. Đồng thời, quân đội Nga cũng đã lập trình sẵn cho máy bay không người lái trinh sát tầm xa, cho phép máy bay trinh sát xâm nhập sâu vào Ukraine mà không phát ra tín hiệu điện tử rõ ràng, khiến khó bị phát hiện hơn.

Ở trên không, các máy bay F-16 của Ukraine sẽ phải đối đầu với các hệ thống tên lửa đất đối không di động S-300 và S-400 đáng gờm của Nga, có thể nhắm mục tiêu vào nhiều máy bay cùng một lúc. Quân đội Nga cũng ước tính có hàng trăm máy bay chiến đấu đang hoạt động, cũng như các radar giám sát trên không tinh vi.

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga sẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với F-16. Loại máy bay này có radar tầm xa cho phép theo dõi và tấn công tới 8 mục tiêu cùng một lúc trên một khu vực rộng lớn.

Ukraine sẽ bảo vệ F-16 như thế nào?

Liên quan đến ý định của quân đội Nga nhằm phá hủy căn cứ không quân bằng các cuộc không kích, tờ New York Times cho rằng, quân đội Ukraine đã sử dụng chiến thuật đánh lừa để gây nhầm lẫn cho quân trinh sát Nga. Ông Yury Ignat cho biết, không quân Ukraine đã áp dụng các chiến thuật đánh lừa, chẳng hạn như sử dụng máy bay mô hình có cùng kích thước làm mồi nhử để tạo ra hiệu ứng ngụy trang chân thực nhất có thể, chúng cũng cần phải được di chuyển thường xuyên để bảo vệ những chiếc hiện có.

Justin Bronk, chuyên gia quân sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia tại Anh, cho biết cho đến nay, Không quân Ukraine chủ yếu dựa vào "các hoạt động phân tán" để đảm bảo máy bay chiến đấu của họ không bị tiêu diệt. Ông giải thích rằng bằng cách di chuyển máy bay chiến đấu không thường xuyên trong căn cứ hoặc giữa các căn cứ, có thể gây khó khăn cho các cuộc không kích của Nga trong việc tìm kiếm mục tiêu. Tuy nhiên, nếu Ukraine muốn đảm bảo máy bay chiến đấu F-16 của mình có thể cất cánh và chiến đấu thì tình hình này có thể phải thay đổi. Bởi vì máy bay chiến đấu F-16 cần phải có hạ tầng cơ sở đồng bộ cho sân bay, chẳng hạn như đường băng hoàn toàn bằng phẳng và cần loại bỏ những viên đá nhỏ gần đó cũng như các mảnh vụn khác để tránh nguy cơ chúng bị hút vào động cơ.

Nhưng Justin Bronk thừa nhận rằng bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng căn cứ hiện có sẽ bị lực lượng trinh sát Nga phát hiện và dẫn đến các cuộc tấn công tiếp theo.

Trang Sputnik của Nga dẫn các nguồn tin cho biết, để ứng phó với các cuộc tấn công của quân đội Nga vào các căn cứ không quân Ukraine, quân đội Ukraine có khả năng triển khai F-16 ở các nước thứ ba như Ba Lan, hy vọng Nga sẽ không ném bom ở đó vì lo ngại xảy ra xung đột mở với NATO. Các căn cứ không quân của Ukraine được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu và bổ sung đạn dược. Tờ New York Times cũng đề cập rằng Ukraine sẽ cất giữ một số máy bay F-16 của mình tại "các căn cứ không quân an toàn" bên ngoài Ukraine để ngăn chúng trở thành mục tiêu của quân đội Nga. Tuy nhiên, bài báo cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã cảnh báo rằng việc cất giữ máy bay chiến đấu hoặc các tài sản quân sự khác của Ukraine bên ngoài Ukraine có thể "gây ra nguy cơ nghiêm trọng khi NATO tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột".

Theo Spunik, Hoàn Cầu, New York Times

Hà Thu

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/f-16-co-phat-huy-tac-dung-o-ukraine-255760.htm