Lực lượng phòng vệ Đài Loan triển khai hai máy bay F-16A thuộc Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 5 làm nhiệm vụ tuần tra chiến đấu trên không sáng 6-8.
Việc các chiến đấu cơ này xuất kích sau động thái chuyển quân rầm rộ của quân đội Trung Quốc đại lục (PLA) và có thể họ sắp tiến hành đợt diễn tập đổ bộ chiếm đảo quy mô lớn.
Hình ảnh do truyền thông vùng lãnh thổ Đài Loan công bố cho thấy, tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon gắn dưới cánh biên đội tiêm kích F-16A đều là phiên bản chiến đấu với vạch đánh dấu màu nâu và vàng, thay vì đạn huấn luyện không có động cơ hoặc đầu nổ kèm vạch đánh dấu xanh dương.
Chuyến tuần tra diễn ra trong bối cảnh PLA nhiều khả năng sẽ tổ chức tập trận quy mô lớn trên đảo Hải Nam, trong đó có khoa mục mô phỏng đổ bộ chiếm quần đảo.
Cuộc tập trận tập này được cho là do Bộ Chỉ huy Chiến khu miền Nam của PLA tổ chức với quy mô chưa từng có, huy động lực lượng lớn binh sĩ thủy quân lục chiến, tàu đổ bộ, thủy phi cơ và máy bay trực thăng.
"Sự kết hợp giữa tiêm kích F-16 và tên lửa chống hạm Harpoon là thành phần then chốt giúp Đài Bắc phòng thủ những tuyến đường biển chiến lược. Họ đang vận hành một số tên lửa Harpoon đời đầu cùng phiên bản AGM-84L Block II hiện đại hơn", biên tập viên hàng không Roy Choo tại Singapore cho hay.
Các tiêm kích F-16 Đài Bắc hiếm khi mang tên lửa AGM-84 phiên bản chiến đấu, trừ trường hợp tham gia tập trận bắn đạn thật quy mô lớn.
Lần gần đây nhất phi đội F-16 tuần tra với tên lửa Harpoon là khi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đại lục đi qua eo biển Đài Loan hồi năm 2016-2017.
Trong những đợt diễn tập cất hạ cánh trên đường cao tốc gần đây, phi đội F-16 của Đài Bắc chỉ mang đạn AGM-84 huấn luyện.
Ngày 29-7-2019, biên đội hai chiếc F-16 đã phóng hai quả đạn Harpoon vào tàu chiến loại biên mô phỏng mục tiêu giá trị cao ở vùng biển phía đông nam hòn đảo, đánh dấu lần đầu lực lượng phòng vệ Đài Loan bắn thử tên lửa AGM-84 kể từ năm 2001.
Tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon là một trong số những loại tên lửa chống hạm mạnh nhất thế giới. Năng lực tác chiến của loại tên lửa này cực nguy hiểm khiến chúng luôn được coi là một trong những "sát thủ diệt hạm" đặc biệt nguy hiểm.
Dù ra đời đã lâu nhưng nhờ những cải tiến liên tục khiến cho loại tên lửa diệt hạm này vẫn là một trong những thứ đáng sợ nhất trên biển.
AGM-84 Harpoon được thiết kế khá linh động để có thể trang bị trên nhiều phương tiện mang phóng như tàu chiến, tàu ngầm và cả máy bay ném bom chiến lược lẫn máy bay chiến đấu.
Đã có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sở hữu loại tên lửa diệt hạm nguy hiểm này.
Hiện vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đang sở hữu loại tên lửa này, thứ trưởng Chang Che-ping xác nhận vùng lãnh thổ này đang có kế hoạch mua thêm các tên lửa Harpoon từ Mỹ để phục vụ cho mục đích phòng thủ ven bờ.
Nếu Mỹ đồng ý bán cho đảo Đài Loan các tên lửa AGM-84 Harpoon, hòn đảo này sẽ được bàn giao tên lửa Harpoon vào năm 2023, Thứ trưởng Chang cho biết thêm.
Mỹ trong thời gian gần đây luôn ký các hợp đồng cung cấp vũ khí lớn cho đảo Đài Loan, họ cũng đã đồng ý bán tiêm kích F-16V và xe tăng M1A2 Abrams.
Ngoài ra họ cũng cung cấp lượng lớn tên lửa phòng không vác vai và tên lửa chống tăng thế hệ mới, giới quan sát cho rằng rất có thể Washington sẽ sớm thông qua thương vụ bán tên lửa AGM-84 Harpoon cho đảo Đài Loan.
Tên lửa diệt hạm AGM-84 Harpoon là vũ khí tiêu chuẩn trên các tàu chiến cũng như máy bay của Mỹ. Với đầu đạn 221kg, tên lửa Harpoon có thể chẻ đôi cả tàu chiến hàng ngàn tấn.
Hiện nay biến thể mới nhất và mạnh nhất là AGM-84 Harpoon Block II, có tầm bắn lên tới 315km. Tên lửa này lao đến mục tiêu nhờ nhiều thiết bị dẫn đường hiện đại theo định vị vệ tinh GPS, có thể bắn trúng các mục tiêu trên biển lẫn trên bờ. Giá thành mỗi quả trên 2 triệu USD chưa tính thiết bị và phụ tùng kèm theo.
Việt Hùng (Tổng hợp)