Không quân Việt Nam hiện đang sở hữu ba loại máy bay chiến đấu chủ lực là Su-27SK và Su-30MK2 Flanker và tiêm kích tấn công Su-22 đã được hiện đại hóa, thuộc các biến thể M3, M4 và UM. Trong đó Su-27SK và Su-30MK2 là loại máy bay chiến đấu hạng nặng, tầm xa.
Mặc dù Su-22 là chiến đấu cơ hạng nhẹ, một động cơ nhưng tiềm năng hiện đại hóa cũng không còn. Chưa kể tới việc, chiến đấu cơ hạng nhẹ một động cơ, hiện nay đang là "của hiếm" trên thị trường vũ khí quốc tế.
Ở thời điểm hiện tại, các cường quốc không quân đều duy trì hai loại chiến đấu cơ hạng nặng và hạng nhẹ để bổ sung cho nhau trong thực hiện nhiệm vụ thấp-cao, xa-gần; vừa tiết kiệm chi phí, vừa phát huy được khả năng của những chiến đấu cơ hạng nhẹ khi chiến đấu ở độ cao thấp và trong nội địa.
Hiện nay đối tác quốc phòng chiến lược và là nhà cung cấp máy bay chiến đấu chính cho Việt Nam là Nga, đã không còn sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ một động cơ. Chiến đấu cơ "nhẹ" nhất của họ cũng là MiG-29 (hoặc MiG-35), được xếp vào chiến đấu cơ hạng trung, chứ không phải hạng nhẹ.
Hai loại chiến đấu cơ hạng nhẹ chúng ta cũng có thể tiếp cận là Tejas của Ấn Độ và Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển. Ấn Độ là đối tác chiến lược của Việt Nam, nhưng Tejas của bạn có thời gian phát triển đã 40 năm, tính năng hoạt động chưa ổn định. Khách hàng chính của Tejas là lực lượng Không quân Ấn Độ cũng đang nghi ngờ tính năng loại chiến đấu cơ này.
Còn chiến đấu cơ Saab JAS 39 Gripen của Thụy Điển, mặc dù được biên chế trong không quân một số quốc gia, nhưng động cơ và phần mềm chính của máy bay thuộc quyền sở hữu của Mỹ; vũ khí mà JAS 39 sử dụng chủ yếu là của châu Âu. Điều quan trọng nhất là cả JAS 39 và Tejas đều chưa được thử thách qua thực chiến.
Hiện nay loại chiến đấu cơ hạng nhẹ phù hợp nhất, có thể đáp ứng các yêu cầu của KQND Việt Nam đó chính là chiến đấu cơ F-16V, do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Đây là phiên bản mới nhất, của dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ F-16 nổi tiếng của Mỹ.
F-16 được đưa vào phục vụ lần đầu tiên vào năm 1978, và được phát triển như một sự bổ sung rẻ hơn và nhẹ hơn cho máy bay chiến đấu hạng nặng hàng đầu của Không quân Mỹ là F-15 Eagle. Không quân Mỹ tiếp tục sử dụng F-16 là chiến đấu cơ tiền tuyến đến tận năm 2050.
F-16V được phát triển như một gói nâng cấp, để tiếp tục duy trì vòng đời của F-16. Máy bay vẫn sử dụng cùng khung máy bay và động cơ như thiết kế cơ bản ban đầu của F-16, nhưng được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động AESA mạnh hơn, khả năng phản xạ radar thấp hơn và hệ thống điện tử và điện tử hàng không mới.
F-16V đã được bán cho một số khách hàng quốc phòng của Mỹ như Slovakia, Bahrain và Morocco. F-21 (phiên bản cải tiến của F-16), có tính năng cao hơn, động cơ mạnh hơn và khung máy bay được thiết kế lại, cũng đã được chào bán cho Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng chưa được chào bán rộng rãi.
Còn chiến đấu cơ Su-30SM của Nga, là một biến thể hai chỗ ngồi của Su-27, có khả năng cao trong cả vai trò chiếm ưu thế trên không và tấn công mặt đất. Tuy nhiên tính năng của nó cũng không vượt quá nhiều Su-27SK và Su-27MK2 mà Việt Nam đang sở hữu.
Nếu F-16V là loại máy bay chiến đấu xuất khẩu có tính năng thấp nhất của Mỹ, thì Su-30SM là một trong những chiến đấu cơ có khả năng hơn của Nga và là loại chiến đấu cơ chiếm số lượng lớn trong Không quân Nga.
F-16V có tốc độ chậm hơn, khả năng cơ động kém hơn, tầm bay ngắn hơn và có thể mang ít vũ khí hơn so với các máy bay chiến đấu hiện có của Việt Nam; thì Su-30SM có khả năng hoạt động tốt hơn đáng kể.
Su-30SM có trọng lượng nặng hơn so với F-15 và F-22 của Mỹ, được trang bị nhiều loại vũ khí phòng không hiện đại hơn. Su-30SM trang bị những cảm biến lớn hơn nhiều so với F-16 và được hưởng lợi từ tốc độ, độ cao, khả năng cơ động, tầm hoạt động và trọng tải vượt trội.
Bên cạnh những ưu điểm trên, Su-30SM còn tương thích với các loại vũ khí hàng không và cơ sở hạ tầng hàng không hiện có của Việt Nam. Một ưu thế nữa là tiêm kích Su-30SM giá rẻ hơn một nửa so với giá của F-16V.
Nếu xét về khả năng quân sự, Su-30SM dường như mang lại những lợi thế rất rõ ràng; nhưng vẫn có khả năng Việt Nam tìm cách mua F-16V với số lượng nhỏ, do lợi ích chính trị của việc trang bị loại chiến đấu cơ này. Rất có thể việc mua F-16V, sẽ được xem là mở đường cho sự hợp tác như vậy.
Không cần phải hiểu quá nhiều về chuyên môn, cũng hiểu Su-30SM có lợi thế vượt trội F-16V trên tất cả các mặt; nhưng trong chiến lược quốc phòng của bất kỳ quốc gia nào, cũng đều hướng tới việc đa dạng hóa vũ khí nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, bên cạnh việc tự phát triển vũ khí nội địa.
Cũng có lẽ như vậy, nên trong thời gian vừa qua, vũ khí trang bị trong QĐND Việt Nam, ngoài những thứ "nhà trồng được", chúng ta đã mua vũ khí của các đối tác khác như Israel, Séc, Pháp và Mỹ.
Với tinh thần độc lập, tự chủ, chúng ta cũng tính toán không để "bất ngờ" ngay cả trong chiến lược mua sắm. Và rất có thể, trong thời gian tới, những chiếc F-16V sẽ là lựa chọn tiếp theo của Không quân Việt Nam, trong quá trình hiện đại hóa lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Nguồn ảnh: Pinterest.
Tiêm kích Su-30MK2 thực hiện bay biển tuần tra. Phiên bản Su-30MK2 của Việt Nam cũng được tối ưu hóa cho việc tấn công mục tiêu trên mặt biển. Nguồn: Comcom.
Tiến Minh