F-35 'phiên bản Thổ Nhĩ Kỳ': TT Erdogan quyết giành chiến thắng với công nghệ đến từ châu Á
Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đang hợp tác thiết kế - sản xuất một mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 mới, mang tên TF-X.
Theo trang tin 19fortyfive, TF-X là máy bay hai động cơ, được giới thiệu lần đầu vào năm 2016 và dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm 2025. Tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ đã trưng bày mô hình TF-X tại Triển lãm hàng không Singapore hồi tháng Hai năm nay.
Máy bay chiến đấu hàng đầu
Sau khi quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ loại khỏi chương trình Tiêm kích tấn công liên hợp F-35. Một thời gian sau, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chuyển hướng sang Pakistan để tìm kiếm giải pháp thay thế.
TF-X sẽ thay thế các phi đội F-16 của Ankara. Đồng thời, dự án này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường mối quan hệ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ-Pakistan, và giúp giảm bớt sự phụ thuộc của Ankara vào các máy bay chiến đấu Mỹ.
Tương tự như mẫu F-35 Lightning II của Lockheed Martin, TF-X là máy bay đa năng được chế tạo cho các nhiệm vụ không-đối-không, nhưng cũng có thể thực hiện thêm các nhiệm vụ tác chiến không-đối-đất.
Tiêm kích mới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có sải cánh dài 12 mét và khối lượng cất cánh tối đa khoảng 27 tấn. Nó được trang bị radar hiện đại, khả năng tấn công mặt đất, cùng khoang chứa vũ khí bên trong tiên tiến.
TF-X cũng có tính năng nhận dạng giọng nói, hệ thống hiển thị đa màn hình, cũng như hệ thống âm thanh chất lượng cao và giao diện đồ họa.
Nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce (Anh) ban đầu đồng ý hợp tác với công ty quốc phòng Kale Group (Thổ Nhĩ Kỳ) để phát triển động cơ cho TF-X. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã thất bại vào năm 2019 nên hiện tại, không có gì chắc chắn rằng Rolls-Royce sẽ tái tham gia dự án.
Để đáp ứng thời hạn triển khai do Tổng thống Erdogan đặt ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập một cơ sở kỹ thuật mới để tổ chức quy trình sản xuất và thiết kế. Theo nhật báo Daily Sabah, đây sẽ là khu sản xuất phức hợp lớn nhất của Ankara và thuộc hàng lớn thứ tư trên thế giới.
Thắng lợi của Thổ Nhĩ Kỳ
Kể từ khi khởi động sáng kiến Aisa Anew vào năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một nhà sản xuất quốc phòng quan trọng trong khu vực. Tổng thống Erdogan đã quyết định cải thiện quan hệ với Bangladesh, Kazakhstan và Malaysia thông qua các thỏa thuận mua bán vũ khí và những nỗ lực hợp tác quân sự khác.
Thay đổi này, cùng với dự án tiêm kích thế hệ 5 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, có thể giải phóng Ankara khỏi sự phụ thuộc vào khí tài quân sự do Mỹ sản xuất trong tương lai.
Theo 19fortyfive, mặc dù cải thiện mối quan hệ với các nước Nam Á là điều quan trọng nhưng lý do chính khiến Tổng thống Erdogan quyết định chọn Pakistan làm đối tác phát triển máy bay chiến đấu có thể liên quan tới Trung Quốc.
Pakistan đã nhập khẩu thiết bị quân sự từ Trung Quốc trong nhiều năm qua. Bắc Kinh đã cung cấp cho Islamabad công nghệ để phát triển tên lửa, xe tăng, máy bay chiến đấu và thậm chí cả tàu ngầm. Sau khi bị loại khỏi chương trình tiêm kích F-35, giới chuyên gia dự đoán Ankara có thể sẽ chuyển hướng qua Pakistan để tiếp cận công nghệ máy bay chiến đấu của Trung Quốc.
TF-X được Tổng thống Erdogan xem là một thắng lợi của Thổ Nhĩ Kỳ. Mẫu máy bay này sẽ làm mới kho vũ khí đã già cỗi của Ankara và củng cố Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà sản xuất quốc phòng trong khu vực. Ông Erdogan đang đặt mục tiêu đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cường quốc Hồi giáo trên thế giới và TF-X dự kiến sẽ đưa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn một bước tới mục tiêu đó.