Tiêm kích F-4 Phantom II có thiết kế theo đánh giá là "độc nhất vô nhị", không trùng lặp với bất cứ máy bay nào khác. Mặc dù vẻ bề ngoài rất xấu xí nhưng mang lại hiệu quả ở mức cực kỳ ấn tượng.
Trước khi được cho nghỉ hưu trong Quân đội Mỹ vào năm 1996, chiếc máy bay này đã chứng tỏ khả năng chiến đấu của mình trong suốt nhiều thập kỷ, trải qua vô số lần xuất kích với nhiều nhiệm vụ khác nhau.
F-4 lần đầu tiên bay lên bầu trời đó là vào năm 1958. Đến cuối những năm 1990, chiếc máy bay này vẫn tiếp tục hỗ trợ các quốc gia đồng minh của Mỹ bao gồm Úc, Ai Cập, Đức, Anh, Hy Lạp, Iran, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.
F-4 Phantom II đã hoạt động như một tiêm kích đánh chặn của Hải quân Mỹ, nhưng sau đó phát triển thành phi cơ tấn công mặt đất, thậm chí còn trở thành phương tiện quan trọng để hỗ trợ Thủy quân lục chiến Mỹ trong các chiến dịch đổ bộ.
“Chiếc máy bay này đã thực hiện mọi nhiệm vụ quân sự truyền thống: chiếm ưu thế trên không, hỗ trợ hỏa lực, đánh chặn, áp chế phòng không, tấn công tầm xa, phòng thủ hạm đội, tấn công và trinh sát”, Tập đoàn Boeing cho biết.
Theo nhà nghiên cứu quân sự nổi tiếng người Mỹ - ông Joe Baugher, có một số biến thể và những nỗ lực hiện đại hóa được dành cho chiến đấu cơ F-4 Phantom II trong suốt nhiều năm.
Biến thể đầu tiên là F-4J - một phiên bản trang bị động cơ J79-GE-10 có thể tạo ra lực đẩy khi đốt sau lên tới 17.900 pound. Chuyên gia Baugher giải thích rằng động cơ mới rất nặng và tạo ra nhu cầu về thiết bị hạ cánh vững chắc với bánh chính lớn hơn.
“Để phù hợp với những bánh đáp chính lớn hơn này, bề mặt phía trên và bên dưới của cánh bên trong phải được làm phồng ra ngoài, giống như trên phiên bản F-4C của Không quân Mỹ".
Chuyên gia Baugher viết thêm: "Một bình nhiên liệu bổ sung đã được lắp ở thân máy bay, nằm ở vị trí phía sau, mục đích để nâng dung tích nhiên liệu bên trong lên mức 1.998 gallon".
Khi máy bay được phát triển hơn nữa, F-4J tiếp nhận hệ thống ném bom nâng cấp, bổ sung thêm các cải tiến tấn công mặt đất quan trọng và khả năng phóng vũ khí hạt nhân ở mọi độ cao.
Chiếc F-4J cũng được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực AN/AWG-10 nằm trong một nắp chụp mũi mở rộng. Tổ hợp này sử dụng radar xung Doppler AN/APG-59 thay cho loại APQ-72 trước đó.
Chuyên gia Baugher giải thích rằng radar mới này được thiết kế để phát hiện và theo dõi các máy bay bay thấp, có thể phân biệt chúng với những phi cơ đang quay trở lại sân bay trên mặt đất hoặc hàng không mẫu hạm trên biển.
Nhìn vào lịch sử hoạt động, có vẻ như thành công trong chiến đấu của F-4 Phantom II đã ảnh hưởng đến sự xuất hiện của F-15 Eagle và các máy bay triển khai từ tàu sân bay như F/A-18 Hornet.
Hiện tại, phiên bản tối tân nhất trong gia đình tiêm kích F-4 Phantom II được đánh là giá F-4E Terminator 2020 do Israel tiến hành nâng cấp cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo An ninh thủ đô