Thụy Sĩ đang sở hữu dòng chiến đấu cơ hạng nhẹ do Mỹ sản xuất, hiện trong biên chế không quân nước này đang sở hữu hai loại là F-5E và F/A-18.
Không quân Thụy Sĩ thường cho hai loại chiến đấu cơ này tập trận đối kháng với nhau để tăng cường năng lực tác chiến của phi công. Tuy vậy một tai nạn vừa xảy ra.
"Tiêm kích F-5 Tiger II cất cánh từ Payerne để thực hiện chuyến bay huấn luyện và bị rơi ở vùng núi Melchsee-Frutt thuộc tỉnh Obwalden khi đang tập huấn luyện không chiến với một chiến đấu cơ F/A-18", Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ hôm 26/5 ra thông cáo cho hay.
Trước khi máy bay va chạm, phi công kịp phóng ghế thoát hiểm và không bị thương.
Không quân Thụy Sĩ hiện còn vận hành 29 chiếc F-5E, trong đó 6 máy bay được biên chế cho đội biểu diễn Patrouille Suisse.
Đã có những ý kiến cho rằng không quân Thụy Sĩ nên loại biên dòng chiến đấu cơ cũ kỹ này, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại Thụy Sĩ vẫn đang duy trì F-5E dù trước đó Mỹ đã hỏi mua chúng.
Được biết, khi đương nhiệm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã thông báo dự kiến yêu cầu ngân sách quốc phòng 718 tỷ USD cho tài khóa 2020. Trong đó có 39,7 triệu USD mua chiến đấu cơ F-5 vốn được chuyển giao cho Thụy Sĩ từ năm 1978.
Tuy vậy đã bước qua năm 2021 nhưng thương vụ vẫn chưa có tiến triển. Mỹ mua lại F-5E để đóng giả "quân xanh" dùng cho phi công huấn luyện.
Dù ra đời đã lâu, nhưng sự nhanh nhẹn của F-5E vẫn đủ khiến cho các phi công đối phương khó đối phó trong không chiến. Với kiểu dáng nhỏ gọn, những chiếc F-5 được xem là phù hợp để đóng giả các loại tiêm kích Mikoyan và cả Sukhoi hiện nay của Không quân Nga, Trung Quốc và chiến đấu cơ Iran.
F-5E Tiger II là đối thủ của tiêm kích MiG-21, loại tiêm kích hạng nhẹ này của Mỹ này được chính các chuyên gia Liên xô đánh giá cao khi nhận được một số chiếc từ Việt Nam chuyển giao sau chiến tranh.
Đại tá Vladimir Kandaurov, một trong ba phi công thử nghiệm lái chiếc F-5E khi vừa tiếp xúc với máy bay đã cực kỳ ấn tượng với thiết kế buồng lái của chiến đấu cơ này.
Vị phi công Liên Xô này đánh giá nó tốt ở khả năng thân thiện với phi công, có cả bàn đạp phanh, trong khi máy bay Liên Xô lại không có tiện ích này lúc đó.
Chuyên gia Liên Xô qua nghiên cứu thử nghiệm cũng đánh giá rằng, trong cận chiến quần vòng, F-5E Tiger II giành được nhiều thắng lợi hơn trước MiG-21 bởi sự cơ động dễ dàng của một máy bay nhỏ nhẹ, với thiết kế khí động học tốt, hệ thống điều khiển ngắm bắn hiệu quả
F-5E có phi hành đoàn một người, chiều dài của máy bay là 14,4m, sải cánh 8,13m, chiều cao 4,08m.
F-5E có trọng lượng rỗng 4.349kg, trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 11.187kg. Máy bay được trang bị hai động cơ J85-GE-21B có lực đẩy khô 15,5kN, khi đốt tăng lực lần hai là 22,2kN.
Với hai động cơ này giúp F-5E đạt tốc độ bay 1.700km/h, tầm bay 3.720km, bán kính chiến đấu 1.405km.
Tổng số vũ khí mang theo lên tới 3.200kg trong đó chúng có thể triển khai tên lửa không đối không, rocket và các loại bom nhỏ.
Mỹ đã sản xuất khoảng 1.400 chiếc F-5E và F-5F (mẫu hai chỗ ngồi để huấn luyện) và đã xuất khẩu tới khoảng 30 quốc gia trên thế giới.
Đến ngày nay, vài trăm chiếc vẫn còn tồn tại trong không quân nhiều nước trên thế giới. Iran thậm chí đã sao chép thành công chiến đấu cơ này và đặt tên là Kosar.
Việt Hùng