F0 ho nhiều có phải virus đã tấn công vào phổi?

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đến nay đã có nhiều các thông tin sai lệch cho rằng kháng sinh có thể trị được việc ho dai dẳng do COVID-19. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể gây hại cho gan, thận.

Ở giai đoạn 1 của dịch COVID-19, các dữ liệu nghiên cứu cũng đã cho thấy, biến chứng nguy hiểm và phổ biến nhất ở các bệnh nhân nhiễm bệnh là viêm phổi. SARS-CoV-2 tấn công vào phổi qua 3 giai đoạn cũng giống như SARS: Những ngày đầu mới nhiễm, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào bảo vệ lông mao, sau đó làm bong tróc lớp bảo vệ này. Khi mất đi lớp bảo vệ, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập.

Tuy nhiên, khi bệnh nhân COVID-19 chỉ có triệu chứng ho thì có thể do rất nhiều nguyên nhân. Ví dụ như bệnh nhân có thể bị viêm họng; trào ngược dịch dạ dày, vì không ít bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 còn có thêm hội chứng trào ngược; tổn thương tại phổi, tại tim (bệnh nhân bị ứ huyết ở tim kích thích phổi gây ho).

Do đó, để xác định chắc chắn bệnh nhân có bị tổn thương ở phổi do COVID-19 hay không thì cần căn cứ vào kết quả chụp chiếu, xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác được.

Trước tiên, các bác sĩ sẽ phải xác nhận là bạn mắc COVID-19 bằng cách xét nghiệm dịch đường hô hấp để phát hiện vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2. Một khi đã khẳng định bạn mắc COVID-19, bác sĩ sẽ làm chẩn đoán hình ảnh như chụp CT để tìm các bất thường trong phổi. Ngoài chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm, bác sĩ cũng có thể thu thập thêm thông tin cho việc chẩn đoán dựa trên bất cứ triệu chứng nào bạn đang có.

Lo ngại COVID-19 "tấn công phổi", nhiều F0 điều trị tại nhà vội dùng kháng sinh khi chỉ mới ho nhẹ dù chưa được kê đơn, thậm chí có trường hợp uống kháng sinh khi chưa có triệu chứng để… phòng bệnh.

Chuyên gia chỉ rõ, kháng sinh là con dao 2 lưỡi. Nếu bệnh nhân không nhiễm trùng thì sử dụng kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí gây dị ứng, tổn thương men gan, chức năng thận, làm cho tình trạng bệnh nặng nề hơn trong quá trình hậu COVID-19.

Kháng sinh chỉ có tác dụng với những trường hợp ghi nhận viêm nhiễm, không có tác dụng ngăn ngừa sự bội nhiễm của virus. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khi có biểu hiện ho sẽ gây viêm phổi, viêm phế quản... nên sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa. Suy nghĩ này là không chính xác, đặc biệt ở trẻ nhỏ, việc sử dụng kháng sinh càng phải được cân nhắc kỹ càng.

Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh không gây tử vong hay ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lúc đó. Tuy nhiên, các loại kháng sinh sử dụng không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Đặc biệt, một số loại kháng sinh gây ảnh hưởng đến sự phát triển gân - cơ - xương của trẻ dưới 12 tuổi.

Duy Chung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/f0-ho-nhieu-co-phai-virus-da-tan-cong-vao-phoi-post185598.html