F0 khỏi bệnh – 'nguồn lao động quý' tiếp sức chống dịch

Các chuyên gia y tế cho rằng, với kháng thể có sẵn sau khi khỏi bệnh, những F0 này thật sự là 'nguồn lao động quý' trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19 hiện nay.

F0 khỏi bệnh –

Cần F0 khỏi bệnh tiếp sức

“Chúng tôi đã thấm mệt, thậm chí có nhiều người kiệt sức” - là câu nói của rất nhiều nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này. Không thấm mệt sao được, khi mà dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới hàng ngày vẫn tăng cao. Lực lượng tuyến đầu phải gồng mình làm việc trong tình trạng quá tải, cường độ và áp lực gấp nhiều lần so với khả năng của họ.

Thời điểm này, Bình Thuận có trên 2.650 ca nhiễm Covid-19, trong đó có trên 1.600 ca được điều trị khỏi và xuất viện. Các chuyên gia y tế cho rằng đây là “nguồn lao động quý” trong công tác phòng chống dịch. Nếu nhận được sự chia sẻ về nhân lực từ những F0 đã khỏi bệnh lúc này thật sự có ý nghĩa.

Lý giải vì sao các trường hợp này được cho là “nguồn lao động quý”, ông Đinh Thế Hùng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Các trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh sẽ có nồng độ kháng thể nhất định trong cơ thể, có thể miễn nhiễm tạm thời với ví rút SARS-CoV-2. Do đó, nguy cơ tái nhiễm của họ không cao, ít nhất là trong vòng 7 tháng sau khi khỏi bệnh. Do đó, nếu tình nguyện tham gia lực lượng này sẽ hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở nhiều vị trí khác nhau như, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn, chăm sóc bệnh nhân F0 nặng, bệnh nhân cao tuổi… Hơn nữa, những F0 đã được điều trị khỏi bệnh ít nhiều đều có kinh nghiệm vượt qua bệnh tật. Họ sẽ là động lực rất lớn cho các F0 khác có niềm tin để chiến thắng dịch bệnh.

“Mặc dù họ đã có những kỹ năng từ kinh nghiệm thực tiễn, tuy nhiên để có thể làm tốt những công việc trên, họ cũng cần được hướng dẫn kỹ về công tác phòng chống dịch trước khi tham gia làm nhiệm vụ. Và mặc dù việc tham gia ấy là phát huy trên tinh thần tình nguyện của mỗi người nhưng chúng ta cũng cần có chế độ đối với họ như lo việc ăn uống…”, ông Hùng cho biết thêm.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn gửi thư cho các bệnh nhân Covid -19 đã từng chiến thắng biến thể Delta với mong muốn cùng chung tay vào công tác phòng chống dịch, nội dung thư có đoạn: “Chúng tôi rất hiểu các bạn vẫn cần thời gian để dưỡng sức sau cơn bạo bệnh đáng sợ, tuy nhiên chúng tôi rất cần sự chung tay đóng góp của các bạn trong giai đoạn quyết định này. Với niềm hy vọng, niềm tin vào sự khống chế thành công dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế chúng tôi thiết tha mong đợi sự tham gia của các bạn vào công tác phòng chống dịch”.

Nối những yêu thương

“Tại khoa bệnh của em giờ đã có nhiều F0 tình nguyện rồi” - bác sĩ Đỗ Viết Hải, Khoa ICU – đơn vị hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Khu vực La Gi nhắn tin cho tôi. Bác sĩ Hải cho biết: Có được điều này đó là nhờ sự lan tỏa. Người này thấy người kia tham gia giúp đỡ các y, bác sĩ trong việc chăm sóc, giúp đỡ các bệnh nhân nặng, họ thấy được ý nghĩa của công việc rồi xin làm theo. “Người đầu tiên tình nguyện tham gia hỗ trợ cùng với lực lượng y, bác sĩ tại khoa là bạn Xuân. Lúc đầu bạn ấy chỉ tình nguyện làm 1 tuần, 2 tuần... rồi đến 1 tháng và giờ thì xin ở lại đến khi nào hết dịch thì mới về. Chắc chị còn nhớ bạn này”, bác sĩ Hải nhắn tin thêm cho tôi biết.

Các F0 khỏi bệnh tham gia hỗ trợ các y, bác sĩ tại Khoa ICU – đơn vị hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Khu vực La Gi.

Các F0 khỏi bệnh tham gia hỗ trợ các y, bác sĩ tại Khoa ICU – đơn vị hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Khu vực La Gi.

Đúng là không thể quên được cô bé có dáng người mảnh khảnh nhưng đầy nghị lực tên Nguyễn Trần Hồ Thanh Xuân (SN 1996, trú tại phường Phước Hội, thị xã La Gi) mà tôi đã từng viết bài “F0 tình nguyện”. Qua clip bác sĩ Hải gửi cho tôi, Xuân đang cẩn thận đút từng thìa cháo cho bà cụ đang nằm trên giường bệnh. Vừa đút cháo, Xuân vừa động viên: “Bà ơi, bà ráng ăn nghen, có ăn được bà mới mau khỏe và về nhà được ạ”. Dù hơi thở vẫn khó nhọc nhưng bà cụ vẫn đón lấy từng thìa cháo của Xuân.

Đến nay, đã tròn 1 tháng sau ngày khỏi bệnh Xuân ở lại phụ giúp đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc cho những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân nặng không thể tự sinh hoạt được như đút cháo, canh oxy, thử đường huyết, rồi có khi lau người, thay tã, xoa lưng, hướng dẫn tập thở… “Thời điểm hiện tại, em cảm thấy tình nguyện viên là việc đáng làm. Em cũng xem công việc này như một sự cảm ơn đối với sự hy sinh thầm lặng mà các y, bác sĩ và điều dưỡng đã từng điều trị cho mình”, Xuân chia sẻ.

Nghĩa cử cao đẹp của Xuân đã lan tỏa, nhiều bạn F0 khỏi bệnh khác cùng tình nguyện tham gia. Những ngày đầu, họ bỡ ngỡ vì không biết cách chăm sóc bệnh nhân như thế nào, nhưng Xuân đã hướng dẫn tận tình.

Chia sẻ về lực lượng F0 tình nguyện, bác sĩ Đỗ Viết Hải cho biết, với số lượng bệnh nhân mỗi ngày một đông, khối lượng công việc nhiều khiến nhân viên y tế trở nên quá tải. Do đó, sự có mặt của đội ngũ tình nguyện viên, nhất là những F0 khỏi bệnh là hết sức cần thiết. Và trên thực tế trong thời gian qua chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các F0. Trong đó có những người đã được xuất viện, cũng có người đang là bệnh nhân nhưng do không có triệu chứng và hoàn toàn khỏe mạnh đã tình nguyện chăm sóc cho các F0 khác. “Họ có thể phụ giúp chúng tôi chăm sóc chu đáo hơn cho các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cao tuổi để chúng tôi có nhiều thời gian tập trung chuyên môn, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân khác”, bác sĩ Hải nói.

Mới đây, tại buổi làm việc với thị xã La Gi để bàn giải pháp phòng chống dịch Covid -19, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã yêu cầu thị xã La Gi cần vận động những người là F0 đã được điều trị khỏi tham gia các tổ truy vết, tổ tuyên truyền hoặc tham gia phục vụ trong các khu cách ly, trong bệnh viện, phụ giúp y, bác sĩ theo dõi các ca F0 khác. Từ đó, động viên và tạo niềm tin cho bệnh nhân góp phần làm cho công tác chữa bệnh ngày càng tốt hơn.

Thanh Nhàn

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/f0-khoi-benh-nguon-lao-dong-quy-tiep-suc-chong-dich-141244.html